2.1.2.1. Thời gian hiện thực
Thời gian là một thành tố quan trọng trong cấu trúc tác phẩm, không chỉ để cấu tạo thế giới hình tượng, miêu tả đời sống tác phẩm mà chủ yếu để qua đó nhà văn bộc lộ đặc điểm tư duy, quan niệm nhân sinh của mình. Trong truyện kể, thời gian là thủ pháp của nghệ thuật tự sự với thời gian được kể và thời gian kể, thời gian được biểu đạt và thời gian biểu đạt. Sự chênh lệch giữa hai loại thời gian này trong tác phẩm không chỉ tạo giọng điệu trần thuật, nhịp kể mà cơ bản là để biểu đạt phần trạng thái ý nghĩa đời sống.
Cấu trúc thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương luôn song hành hai trục thời gian thực và thời gian tâm lý, tâm linh. Thời gian truyện kể bao giờ cũng xuất phát từ một tiêu điểm cụ thể để định vị cho tính chất hiện tại của câu chuyện. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương cũng vậy, các câu chuyện thường được bắt đầu bằng những mốc thời gian chính xác. Thời gian trong đó trước hết là thời gian thực. Và để tạo tính chân thực, tin cậy cho câu chuyện, Nguyễn Bình Phương đã sử dụng lối ghi chép thời gian chính xác đến từng phút, giờ, ngày, tháng, năm.
Có thể thấy cách khắc họa thời gian này có mặt ở hầu hết các tác phẩm và càng về sau Nguyễn Bình Phương càng có ý thức ghi chép thời gian chính xác, tỉ mỉ nhưng không gợi ấn tượng hiện thực mà ngược lại càng tạo cảm giác mơ hồ bởi sự xóa nhòa các đường viền lịch sử. Nếu như ở hai tác phẩm
thể mà hầu như chỉ dùng các từ chỉ khoảng thời gian có tính chất ước lượng thì càng về những tiểu thuyết sau này ý đồ nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương càng được biểu hiện rõ hơn qua tần số xuất hiện đậm đặc của những số liệu thời gian cụ thể. Chẳng hạn trong Trí nhớ suy tàn:
Cây điệp vàng đã nghe được câu nói của Tuấn lúc mười một giờ
mười phút [23,14]
Bốn rưỡi rời khỏi cơ quan [23,15]
Ra sân bay chuyến mười rưỡi [23,53]…
Trong Người đi vắng thời gian được khắc họa chính xác gắn với những không gian cụ thể:
Sáu giờ mười hai sông Linh Nham [19,53]
Mười hai giờ đêm nghĩa địa dốc Lim trong mưa [19,55]
Còn trong Ngồi thời gian được miêu tả gắn liền với những hành động, sự kiện:
Mười một giờ thì cả ba ra về [18,36]
Khẩn nhìn đồng hồ thấy mới chín giờ mười phút [18,51]
Tám giờ sáng hôm sau sư Liễn bắt đầu hành lễ [18,70]
Hai tác phẩm mà thời gian được ghi chép chi tiết, tỉ mỉ nhất đó là Người
đi vắng và Thoạt kỳ thủy. Trong Người đi vắng yếu tố thời gian liên tục được
ghi lại theo từng diễn biến sự việc. Song điều đáng lưu ý là thời gian cõi dương ít được nhắc đến và mang tính ước lượng nhiều hơn thì thời gian cõi âm được ghi lại một cách chính xác đến từng con số, đặc biệt là trong năm ngày tự do cuối cùng của hai người anh hùng Lương Lập Nham và Đội Cấn. Ở ngày tự do thứ nhất và thứ hai, khi thời gian tự do còn nhiều thì con số thời gian cụ thể ít được nhắc đến và không gian được gọi tên xác định. Trong ngày tự do thứ ba và thứ tư, khi tình thế căng thẳng tột độ, thời gian tự do ngày càng ít đi thì con số thời gian chính xác được nhắc đến liên tục, dồn dập. Càng về sau khoảng cách giữa các lần khắc họa yếu tố thời gian càng bị rút ngắn, con số thời gian xuất hiện dày đặc nhưng thời gian được sở hữu đang dần cạn kiệt. Các dấu mốc thời gian được nhắc đến trong ngày tự do thứ ba là
năm giờ chiều, năm rưỡi, sáu giờ kém mười, chín giờ đêm, chín giờ ba mươi nhăm, mười giờ kém năm, mười giờ, hai giờ sáng, ba rưỡi sáng, bốn giờ kém năm. Còn đây là thời gian trong ngày tự do thứ tư: bảy giờ, bảy giờ mười bảy, bảy rưỡi, tám giờ kém năm, tám giờ hai bẩy phút, chín giờ, chín giờ mười,
chín rưỡi…Vòng thời gian khép lại trong ngày cuối cùng gắn với sự kết thúc:
Đó là ngày 11 tháng 1 năm 1918 [19,314].
Còn ở trong Thoạt kỳ thủy, thời gian mở đầu là Mười một giờ mười lăm
và kết thúc là mười hai giờ. Quãng thời gian bốn mươi lăm phút vòng đời con cú lại tương ứng trùng khít với cuộc đời hơn hai mươi năm của nhân vật Tính. Thời gian trong truyện kể về con cú trôi đi nặng nề, chậm chạp như bị ngưng đọng lại và được tính từng phút: mười một giờ mười lăm, mười một giờ mười bẩy, mười một giờ hai mươi và mười hai giờ kém mười chín, mười hai giờ.
Trong khi đó thời gian cuộc đời con người lại trôi vùn vụt và được tính bằng năm. Chẳng hạn bốn năm đầu cuộc đời Tính kể từ khi ra đời đến khi lên 2 tuổi rồi 4 tuổi, tất cả được thuật lại vẻn vẹn trong một trang văn bản.
Để tạo ấn tượng chân thực, lôi kéo người đọc về phía thực tại, Nguyễn Bình Phương còn sử dụng cách viết của lối chép sử biên niên, nhưng lại tự phá vỡ cảm giác hiện thực của người đọc bằng nội dung ghi chép có tính chất dị thường, kỳ ảo. Vì thế hình thức này đem lại cho thời gian tác phẩm sự hòa
quyện của yếu tố hiện thực và huyền ảo. Hai tác phẩm sử dụng cách thức này
là Người đi vắng và Những đứa trẻ chết già. Đây là một đoạn thuật truyện
trong Người đi vắng:
Sử chép: Ngày 23 tháng 8 giờ Dần ở Ghềnh đá thuộc châu Thái Nguyên có thần xuất hiện để lại dấu chân to bằng cái thúng.
Sử chép: Vẫn ngày 23 giờ Ngọ tại khu Võ Nhai một người đàn bà sinh ra
cục thịt vuông có một con mắt mở trừng trừng. [19,191]
Lối kể chuyện dưới hình thức nhại cách chép sử biên niên này được sử dụng trong Những đứa trẻ chết già với mật độ đậm đặc, đan cài suốt dọc tác phẩm ở các trang 9, 15, 44, 90, 231, 277.
Ngày mùng 7 tháng 6, giờ Dậu, dân làng thấy trong đáy ao nhà Trường
Mùa đông, tháng 11, ngày mùng 9, giờ Tý, cả làng Phan giật mình vì
tiếng hổ gầm ngay cánh rừng bên cạnh [20,15].
Ngày 20, giờ Dậu, có mây hình bàn tay, đỏ rực như máu. Cũng ngày
hôm đó, dưới thành phố, một đứa trẻ bốn mắt ra đời ở bệnh viện, sau đó chết
nhưng mắt vẫn mở [20,231].
Cách khắc họa thời gian này trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương mang đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Thời gian luôn gợi nhớ về lịch sử, nhưng đấy là kiểu lịch sử nửa có nửa không, như thể là sản phẩm thuần túy của trí tưởng tượng nhưng lại không thể phủ nhận là không có dấu
ấn của hiện thực [34,34].
Ngoài việc lựa chọn các tiêu điểm, các dấu mốc thời gian chính xác, Nguyễn Bình Phương còn sử dụng rất nhiều các thời điểm, các khoảng thời gian hiện thực như: sáng, trưa, chiều, tối, đêm, ngày… Trong đó đêm là thời điểm được sử dụng nhiều nhất trong tác phẩm, gắn với tâm trạng cô đơn và trạng thái vô thức của con người. Đêm cũng là thời điểm tạo nên không – thời gian thích hợp cho việc bộc lộ màu sắc hiện thực huyền ảo của tác phẩm. Bởi đó là thời điểm âm – dương giao hòa. Trong Những đứa trẻ chết già, nhà văn khắc họa một hiện thực huyền bí: cứ về đêm, mọi âm thanh của người và vật đều biến mất. Những con chó sủa không thành tiếng, chỉ thấy mõm chúng ló
ra, ngậm vào như hình ảnh trong giấc mơ [20,59]. Trên thực tế hai tính chất
hiện thực và huyền ảo không tách rời nhau và xuyên thấm, đan cài vào nhau trên mọi bình diện tác phẩm, trong đó có bình diện thời gian.
2.1.2.2. Sự xâm nhập của thời gian huyền ảo vào thực tại
Trong chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, thời gian thường bị cá nhân hóa, huyền ảo hóa, bị chia cắt, xáo trộn theo diễn biến của dòng hồi ức, vô thức để bỏ quên tọa độ hiện thực và thường xuyên đi về giữa hai chiều quá khứ - hiện tại. Thời gian là phép nhiệm màu để quá khứ hiện diện trong từng khoảnh khắc hiện tại và trở thành nơi khúc xạ của tâm lý, hồi ức con người. Chính vì vậy, kiểu kết cấu thời gian đồng hiện, phân mảnh hay đảo ngược thường được các nhà văn hiện thực huyền ảo lựa chọn sử dụng. Phá vỡ tính đơn nhất của thời gian tuyến tính, các tác phẩm thường xuyên tạo ra sự sai lệch rõ rệt giữa thời
gian vật lý và thời gian tâm lý, thời gian được kể và thời gian kể, khiến cho những câu chuyện của thực tại như được nhuốm một màu sắc huyền ảo mơ hồ.
Trong những tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương xây dựng thời gian hiện thực huyền ảo thông qua các thủ pháp vô cùng phong phú như: mơ hồ hóa, ảo hóa thời gian hiện thực, mở rộng chiều kích thời gian về phía phi thực, đồng hiện thời gian thực - ảo, âm – dương, vô thức – hữu thức, hiện thực – giấc mơ, tẩy trắng hoặc chồng tầng nhiều lớp thời gian, tạo độ lệch lớn giữa thời gian văn bản và thời gian truyện kể… Tương ứng với việc kiến tạo không gian, trong các tác phẩm, bên cạnh thời gian hiện thực, Nguyễn Bình Phương còn sáng tạo thời gian cõi âm, thời gian giấc mơ, thời gian ký ức, vô thức, tiềm thức, thời gian tâm lý, tâm linh…
Thời gian cõi âm trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương luôn song hành cùng thời gian dương thế tạo thành hai lộ trình song song: hiện thực người sống và hiện thực người chết. Thủ pháp đồng hiện thường xuyên được khai thác nhằm khắc họa những lớp thời gian chồng chéo lên nhau trong một dòng thực tại mơ hồ, đầy dấu vết trầm tích thời gian. Dấu mốc thời gian không quan trọng bởi thời gian dường như là sự tái điệp vĩnh viễn thông qua sự đồng hiện đa kiếp. Thời gian giống như những vòng luân hồi sinh diệt bất tận bởi sự tái lặp của những hậu thân, tiền kiếp trên một dòng thời gian vĩnh cửu. Trong Những đứa trẻ chết già, hiện thực người sống – người chết, thời gian cõi dương – cõi âm vừa song hành, biệt lập vừa đan quyện, xoắn kép vào nhau tạo thành một dạng thời gian hiện thực – tâm linh độc đáo. Thời gian của chuyến xe trâu chở những hồn ma trong một vòng hành trình ngược về thực tại tương ứng với thời gian của bao thế hệ trong một vòng đời đang đi dần về phía hư vô và cùng gặp nhau ở điểm kết thúc. Hai chuyến đi của thời gian này được phân biệt bởi vô thanh và hữu thanh. Điểm khác biệt trong hai chuyến đi này đó là chuyến đi của người sống với cuộc hành trình kết thúc thời gian hữu hạn của sự sống để bước vào cuộc hành trình về cái chết, còn chuyến đi của người chết là cuộc hành trình vô hạn vào cõi vô tận mà làng Phan chỉ là một điểm dừng. Vì thế chuyến xe này nằm ngoài thời gian và thuộc về cõi phi không gian, thời gian. Tính chất hiện thực huyền ảo
còn nằm ở sự gặp gỡ, giao hòa của các nhân vật hồn ma quá khứ trên xe với những con người hiện hữu trong thế giới thực tại qua sự xóa mờ đường viền không – thời gian ở phần cuối tác phẩm.
Đặc trưng của phương thức kết cấu thời gian trong chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là xây dựng kiểu thời gian huyền thoại thông qua mô hình cấu trúc
không đầu không cuối, quay vòng để phát triển đến điểm tiếp tục quay vòng
[34,34] tạo nên sự tái điệp, luân hồi vĩnh viễn. Cấu trúc này biểu hiện trong hầu hết các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương như Bả giời, Người đi vắng,
Những đứa trẻ chết già, Ngồi. Trong Người đi vắng, bên cạnh việc chồng
nhiều tầng không gian, tác phẩm còn chồng nhiều lớp thời gian lên trên dòng chảy của thực tại. Đây là tác phẩm mà Nguyễn Bình Phương đã dụng công xây dựng cấu trúc không – thời gian phức tạp chồng chéo nhất. Tất cả các loại thời gian hiện thực, tâm lý, tâm linh cùng được xuất hiện trong sự đan xen của hiện tại – quá khứ, cõi dương – cõi âm, hiện thực – giấc mơ… Thế giới hỗn độn, u mê hiện ra trên dòng thời gian mang màu sắc huyền sử. Các mạch truyện ở các thời gian lịch sử khác nhau cùng được triển khai trên mảnh đất thực tại. Điểm xuất phát của thời gian truyện kể được bắt đầu ở thời hiện tại trong gia đình Thắng vào những năm cuối của thế kỷ XX được kể đan xen với mạch truyện về cuộc binh biến của Đội Cấn và Lương Lập Nham vào những năm đầu thế kỷ XX, cùng với đó là truyện về Lưu Nhân Chú thời Lê (thế kỷ XV), công chúa Diên Bình thời Lý (thế kỷ XII) và câu chuyện của những bóng ma không xác định được dấu mốc thời gian. Tất cả thời gian đa kiếp ấy cùng tồn tại, đồng hành trên dòng thời gian hiện tại. Thời gian liên tục được quay ngược hoặc tách rời với sự chuyển đổi không ngừng của mạch truyện. Thời gian hiện thực thì mơ hồ, hư ảo, không khí thực tại thì rợn ngợp u mê, trong khi thời gian phi thực của âm thế lại vô cùng hiện thực, rõ ràng, ranh giới thực - ảo, thực – mơ bị nhòe mờ, thậm chí biến mất trong sự xâm nhập liên tục, không báo trước của quá khứ vào hiện tại, của cõi âm vào cõi dương. Tác phẩm có sự đồng hiện nhiều thời gian trên một không gian, dồn nén khoảng thời gian
dài dặc của lịch sử, của sự kiện vào trong một lát cắt tâm lý [71,67]. Thời gian
trôi chảy mà như là ngưng đọng, vĩnh viễn bởi sự tái lặp những trạng thái của bản thể con người, sự đồng dạng của chung cục mỗi kiếp người.
Bên cạnh thời gian tâm linh được khắc họa gắn với cõi âm, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương còn khắc họa thời gian tâm lý được tạo nên từ những giấc mơ, từ dòng chảy ý thức, từ màn sương mờ ảo của vô thức, tiềm thức. Kiểu thời gian này gắn liền với ký ức, hoài niệm, với quãng thời gian quá khứ. Các sự kiện không tiếp diễn tuyến tính theo trục thời gian biên niên mà thường xuyên bị xáo trộn, chia cắt, ngoái lại. Thực tại được lắp ghép từ mảnh vỡ của quá khứ thông qua tâm lý, hồi ức nhân vật. Thời gian không trôi chảy bên ngoài sự vật mà vận động bên trong tâm lý nhân vật. Khắc họa tâm lý nhân vật, Nguyễn Bình Phương thường xuyên dùng các thủ pháp phân mảnh, cắt ghép, đồng hiện, quay ngược, sai trật niên biểu, sai lệch thời gian kể với thời gian được kể… Kiểu thời gian tâm lý có mặt trong tất cả các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương nhưng rõ nét hơn cả là trong các tác phẩm Trí nhớ
suy tàn, Thoạt kỳ thủy và Ngồi.
Trí nhớ suy tàn vừa mang dáng dấp của một bài thơ dài, vừa có dạng
nhật ký – một kiểu nhật ký tâm lý chứ không phải tâm trạng. Phương thức tự sự dòng ý thức cùng lý thuyết phân tâm học của Freud được Nguyễn Bình Phương ứng dụng để khám phá tầng tâm lý nhân vật. Tên gọi của tác phẩm đã gợi mở nhiều điều: trí nhớ gắn liền với ký ức, cả hai đều liên quan đến yếu tố thời gian và trong tác phẩm cả ba đều đang cùng nhau suy tàn. Câu chuyện được bắt đầu ở khoảng thời gian nhân vật em còn mấy tháng nữa là tròn 26 tuổi và kết thúc ở đúng ngày sinh lần thứ 26 của cô. Câu chuyện tưởng như được kể theo thời gian tuyến tính, nhưng chủ yếu là để ghi lại những hồi ức, kỷ niệm ở thời quá khứ. Kỷ niệm tình yêu với Tuấn là dĩ vãng xa, với Vũ là