2.1.1.1. Không gian hiện thực
Không gian tác phẩm là hình ảnh khúc xạ của hiện thực đời sống, có tác
dụng mô hình hóa các mối liên hệ xã hội [54,160]. Không gian ấy mang tính
chủ quan rõ rệt thông qua sự thụ cảm và sáng tạo của nhà văn. Không gian tác phẩm xuất phát từ cuộc sống nhưng không hoàn toàn đồng nhất với hình ảnh cuộc sống bởi ý nghĩa biểu tượng mà nó chuyên chở. Thông qua không gian nghệ thuật tác phẩm, nhà văn xác lập mô hình đời sống và gửi gắm những quan niệm về con người, về hiện thực.
Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch cho rằng Trong một ý nghĩa nhất định,
tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương hiện thực ở mức tuyệt đối [113]. Bút
pháp hiện thực trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không hướng các sáng tác đến việc tìm kiếm xây dựng những môi trường, những cá thể phi hiện thực. Các không gian được lựa chọn làm bối cảnh triển khai cốt truyện trong tiểu thuyết của anh đều rất thực với những địa danh cụ thể, hầu hết gắn liền với mảnh đất Thái Nguyên quê hương anh như: Làng Phan, Linh Nham, Linh Sơn, Núi Rùng, núi Hột, bãi Nghiền Sàng, chùa Hang, chùa Phù Liễn… Ở các sáng tác của mình, Nguyễn Bình Phương kiến tạo hai loại hình không gian cơ bản là làng và phố, trong đó không gian làng chiếm tỷ lệ đa số.
Mô hình làng Phan được xuất hiện trở đi trở lại trong nhiều tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương gợi nhắc đến kiểu tái lặp không gian Macondo trong nhiều sáng tác của Marquez. Nhưng làng của Nguyễn Bình Phương là một hình ảnh thấm đẫm màu sắc phương Đông với cấu trúc không gian được kiến tạo dưới sự chi phối của triết lý âm dương ngũ hành với đầy đủ các thành tố cơ bản của cấu trúc không gian vũ trụ: kim – thủy – mộc – hỏa – thổ. Có thể thấy kiểu kiến trúc này rõ nhất trong Những đứa trẻ chết già và Thoạt kỳ thủy. Đó cũng là một hình ảnh làng xã đủ đầy các thành tố sông, núi, chùa, miếu, ao, nhà, vườn… tạo nên một hình thái không gian trọn vẹn cả vật chất lẫn tinh thần, cả nhận thức lẫn tâm linh. Hình ảnh ấy, vì thế vô cùng thân thuộc, gần gũi trong tâm thức người Việt.
Không gian trong tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, vì thế trước hết là những không gian thực. Những tên làng, tên núi, tên sông được trở đi trở lại nhiều lần trong những câu chuyện khác nhau. Đó là những địa danh có thực trên quê hương Thái Nguyên của nhà văn. Nó thuyết phục người đọc tin vào sự tồn tại xác thực của chúng trong hiện thực. Hình ảnh một ngôi làng cụ thể, hiện hữu rất thực trên mảnh đất Thái Nguyên, như bao ngôi làng Việt bình dị khác, xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm: Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ
chết già, Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy. Không gian làng được miêu tả tỉ mỉ,
chi tiết và được vây bọc bởi các không gian của núi, sông, rừng cũng như môi trường sống bên ngoài nó. Đó là kiểu cấu trúc không gian:
Đồi vây rừng Rừng vây núi
Núi vây sông vây hồ [17, 25].
Làng trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương được khắc họa qua hai ấn tượng trái chiều, đậm nét: một bên là vẻ đẹp đầy chất thơ, êm đềm, thơ mộng với phía bên kia là đời sống bị tha hóa bởi bạo lực, bị u mê bởi tăm tối dốt nát, bị cô lập bởi sự đánh mất lòng tin, thiếu đồng cảm thông hiểu lẫn nhau của con người.
Làng Phan ở giữa mảnh đất ngái ngủ của trần gian, được bao bọc bởi sông Linh Nham, rừng Linh Nham, với dòng sông Cái trước mặt, núi Rùng, núi Hột chắn hai bên. Không gian tĩnh lặng chứa đựng những nét nên thơ gợi lên từ những hình ảnh thân thuộc: dòng sông, bờ bãi, trẻ chăn trâu, những lùm cậm cam, cậm canh um tùm, cơn mưa rào mùa hạ lung linh, ánh nắng chiều run rẩy lặn dần vào cõi thinh không… Tất cả vẻ đẹp của làng quê thân thương ấy được Nguyễn Bình Phương nâng niu qua những câu văn mượt mà, đậm chất thơ. Đối nghịch lại, không gian dữ dội với đầy rẫy bạo lực, tăm tối, khổ đau được nhà văn khắc họa bằng thứ ngôn ngữ có phần cộc cằn, thô ráp cùng với những hình ảnh kì bí, huyễn hoặc. Đến với không gian làng của Nguyễn Bình Phương, người đọc dễ có cảm giác nửa thực nửa ngờ bởi tất cả những yếu tố có tính chất đối lập, khác biệt lại cùng điềm nhiên tồn tại đan xen.
Bên cạnh không gian làng, không gian phố cũng xuất hiện, tuy không nhiều, trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Đó là những không gian phố
huyện buồn vắng hay phố nhỏ nơi thị xã, thị trấn trong Bả giời, Vào cõi, Người
đi vắng. Nhưng rõ nhất là phố phường Hà Nội được khắc hoạ trong Trí nhớ suy
tàn và Ngồi. Để tạo ấn tượng chân thực, không gian phố cũng được gắn với những cái tên cụ thể, có thật ở Hà Nội, đó là Hàng Giầy, Hàng Bông, Bà Triệu, Lý Thái Tổ… cùng với đó là Hồ Tây, Hồ Gươm, Núi Nùng, Bát Tràng… Không gian dường như được cô đặc lại, thu hẹp trong những công sở, văn phòng. Nhưng ở đây lại diễn ra một nghịch lý trong kiến trúc không gian của Nguyễn Bình Phương. Đó là không gian làng tuy được khắc họa rộng hơn và có xu hướng mở rộng ra nhưng không gian sống của con người thì cảm giác bị bó hẹp, dồn nén lại trong sự vây bọc của sông, núi, rừng, của thời gian chồng chất các kiếp người, kiếp đời. Trong khi đó, không gian phố có xu hướng thu hẹp và được miêu tả có tính chất cô đặc nhưng không tạo cảm giác bó buộc mà ngược lại bị giãn rộng ra thành lỏng lẻo, tan loãng. Không được miêu tả tỉ mỉ, chi tiết và không tạo được sự bí ẩn đầy ám ảnh như không gian làng, nhưng không gian phố lại đem đến cho tác phẩm một cảm giác hiện thực hơn rất nhiều. Người đọc dường như bị lạc trong những phố phường Hà Nội và du hành cùng nhân vật qua các không gian khác nhau của Hà Thành. Không có câu hỏi nghi vấn về sự tồn tại thực hay không của một không gian phố giống như không gian làng ở trên. Vùng tưởng tượng, huyễn hoặc được chuyển dịch sang một không gian khác trong thế giới tâm lý, tâm linh con người.
Như vậy có thể thấy trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có hai không gian hiện thực tiêu biểu là làng và phố, gắn với hai vùng đất có thực là Thái Nguyên và Hà Nội. Tác giả không hề có ý định hư cấu, tái tạo không gian khác biệt cho các địa danh trong các sáng tác của mình. Điều đó tạo ấn tượng chân thực đậm nét cho những câu chuyện. Nhưng những không gian ấy vẫn gợi lên cảm giác vừa quen vừa lạ, thực mà như không thực. Nó tồn tại giữa cuộc đời mà như biệt lập, như bị lạc trong thế giới loài người, bởi trong nó chất chứa bao điều bất thường mà con người bất khả tri. Nguyễn Bình Phương đã kiến tạo dạng thức không gian riêng biệt để chuẩn bị môi trường cho những điều huyễn hoặc, phi thực xuất hiện mà vẫn không làm mất đi cảm giác hiện thực.
2.1.1.2. Sự đan quyện giữa không gian thực - ảo
Một trong những đặc trưng của nghệ thuật xây dựng không gian trong chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là tạo ra sự đan quyện giữa không gian thực và ảo, đan xen giữa cái bình thường và phi lý nhằm kiến tạo nên một thế giới nằm đâu đó giữa hiện thực và huyền ảo. Vì thế các nhà văn một mặt xây dựng những không gian vừa thực vừa phi thực, mặt khác không ngừng lôi kéo người đọc về phía thực tại. Các không gian ấy vừa có tính lịch sử - cụ thể lại vừa thấm đẫm màu sắc huyền thoại hoang đường, bí ẩn. Trong thế giới hiện thực huyền ảo, những cái siêu nhiên kỳ quái xuất hiện, tồn tại như là những điều bình thường và được con người điềm nhiên chấp nhận, còn những cái bình thường trong cuộc sống bỗng trở thành những thế lực quái đản, thành cái lạ thường bao phủ đời sống con người, biến cuộc sống bình thường thành bất thường.
Giống như các nhà văn hiện thực huyền ảo, sự đan xen giữa thực và ảo cũng là đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật tổ chức không – thời gian tác phẩm của Nguyễn Bình Phương. Nhà văn cũng lựa chọn điểm xuất phát của bối cảnh truyện từ những không gian hiện thực rất gần gũi của cuộc sống: một ngôi làng, ngôi nhà, một căn phòng… Không gian trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương trước hết là rất thật với những địa danh cụ thể, chính xác. Song điều đáng nói chính là tính chất kì bí, huyền hoặc đã xâm nhập, thấm đẫm không gian hiện thực ấy. Tính chất huyền ảo của không gian được tạo nên từ sự phá vỡ giới hạn không gian thông thường, mở rộng chiều kích, biên độ không gian về phía phi thực hay mộng ảo. Đan xen với không gian hiện thực trong tác phẩm, Nguyễn Bình Phương còn tạo ra những không gian mới thấm đẫm màu sắc huyền ảo đó là không gian tâm lý – tâm linh với sự hiện diện của cõi âm, cõi điên và cõi mơ.
Không gian cõi âm mang màu sắc huyền thoại đậm nét thông qua cấu trúc song hành thực - ảo, âm - dương cùng thủ pháp đồng hiện được sử dụng xuyên suốt hầu hết các tác phẩm. Không gian cõi âm xuất hiện gắn nhiều hơn với không gian làng ở các tiểu thuyết Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già,
Người đi vắng và Thoạt kỳ thủy. Làng trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương
phẩm, tạo nên tính chất huyền thoại cho truyện kể. Làng rất thực, có tên gọi và gắn với những địa danh cụ thể nhưng lại được xây dựng như một thế giới bị cô lập, tách biệt với thế giới rộng lớn bên ngoài, điều đó tạo nên tính chất mơ hồ hư thực khiến người đọc nghi ngờ về sự tồn tại xác thực của nó. Không chỉ xuất hiện với tư cách là không gian hiện thực của tác phẩm, không gian làng chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng: đó là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, phản chiếu bức tranh thời đại và cuộc sống của con người hiện đại. Ở tầng nghĩa biểu tượng: thế giới biệt lập, tù đọng của làng gửi gắm mơ ước của tác giả về một xã hội văn minh với những không gian văn hóa rộng mở, mang tính đối thoại chứ không khép kín trong lạc hậu, tăm tối và bế tắc.
Không gian làng gắn liền với một kho huyền sử chứa đựng bao điều kì bí được tích tụ qua lời kể lưu truyền ngàn đời. Màu sắc huyền ảo của tác phẩm được gợi lên từ những biểu tượng không gian mang ý nghĩa đạo giáo, tâm linh, hay triết học phương Đông cổ điển. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương , không gian cõi âm luôn hiện diện song hành với không gian hiện thực tạo thành tính chất mơ hồ, khó xác định cho các sự kiện và diễn biến câu chuyện. Âm dương giao hòa trên vùng đất huyền ảo Linh Nham “toàn ma quỷ với những chuyện lạ lùng” là bối cảnh chính cho không gian huyền ảo trong các tác phẩm.
Cấu trúc không gian nhiều tầng bậc trùng lên nhau nhưng không trùng khít mà chỉ đan cài, giao thoa với nhau là đặc điểm nổi bật trong kiến tạo không gian nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương. Trong tiểu thuyết Những đứa trẻ
chết già, không gian làng Phan là bối cảnh chính của câu chuyện trong đó tác
giả triển khai các chiều không gian thực - ảo đan xen: một bên là không gian của hiện thực người sống – một thế giới hữu thanh, hữu hình đang dần tiệm tiến đến bờ vực tha hoá với một bên là không gian của chuyến xe trâu chở những hồn ma trên đường về làng – một thế giới vô thanh luôn di chuyển trong một hành trình vô hạn. Hai thế giới này vừa song hành, vừa đan xen. Nếu như
Vô thanh là thế giới người chết tiếp tục sống cuộc đời không có âm thanh, thì
sự mất âm kỳ quái xảy ra ở thế giới người sống chính là sự xâm nhập của cõi âm vào dương thế tạo nên màu sắc kì bí, huyền ảo cho không gian truyện. Tính chất huyền ảo còn được biểu hiện trong không gian linh thiêng ở ngôi miếu thờ
của dì Lãm, không gian huyền bí dưới gốc si già đêm đêm rì rầm những lời trò chuyện của những hồn ma và thỉnh thoảng đón nhận sự hiện hình trở về của những người chết, hay không gian ngọn đồi biến đổi mang hình dáng con Nghê, sông Linh Nham bốc khói ngùn ngụt với luồng khí trắng mịt mờ… Tất cả những điều huyễn hoặc ấy điềm nhiên có mặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân làng Phan như là điều vẫn bình thường xảy ra.
Trong Người đi vắng, với việc sử dụng thành công thủ pháp đồng hiện, Nguyễn Bình Phương đã xây dựng một không gian đa kiếp chồng chéo, nơi mặc nhiên diễn ra chồng lên nhau trong cùng một không gian là cuộc sống của con người hiện tại và cuộc sống của những hồn ma bao đời. Bối cảnh không gian đa tầng, rộng lớn nhưng bị chia nhỏ cắt ghép từ những mảnh vỡ của nhiều câu chuyện khác nhau ở nhiều không gian khác nhau: không gian nhà, văn phòng, cơ quan, bãi tha ma, sông Linh Nham, đồn Gia Sàng, núi Côi Kê… Các không gian âm – dương này thường xuyên đan cài, thậm chí xâm nhập vào nhau tạo nên một không khí u mê, huyền hoặc.
-Căn nhà tỏa ra không khí là lạ. Có người. Ai đó đã ở trong nhà đang
nằm cạnh Thắng [19,20].
-Hình như có những âm thanh lạ vọng ra từ bãi tha ma, tiếng rì rầm hổn
hển lúc dâng lên hạ xuống khi ùa đến gần rồi lùi xa chập chờn mê hoặc. [19,93]
-Mỗi đứa trẻ di chuyển đền gây ra một cảm giác kỳ ảo như ở thế giới khác,
thế giới chỉ hiện diện sau khi người ta nhìn thật kỹ vào đồ vàng mã.[19,163]
Ngoài kỹ thuật chồng tầng không gian của các hậu thân, tiền kiếp, Người
đi vắng còn tạo dựng không gian của vật giới và linh giới đan xen tồn tại
trong không gian vũ trụ linh ảo âm dương…Có một đặc điểm nổi bật trong mô hình không gian kể trên là sự hoán đổi tính chất, tạo thành sự đan cài màu sắc thực - ảo cho không gian truyện. Nếu như thế giới hiện thực rất mơ hồ, huyền ảo và phảng phất không khí liêu trai thì thế giới cõi âm lại vô cùng hiện thực, rõ ràng. Hai thế giới này không tách bạch mà cùng hiện diện trong cùng một không gian và ngay trong bản thể mỗi người.
Bên cạnh kiểu không gian hiện thực – tâm linh được tạo dựng từ sự giao hòa hai cõi âm – dương ở trên, kiến trúc không gian của Nguyễn Bình Phương còn hướng đến kiểu không gian hiện thực – tâm lý, với sự đan xen, xâm nhập thường xuyên của không gian hồi ức, giấc mơ vào thế giới hiện thực. Kiểu không gian này bị chia cắt bởi những không gian – tâm trạng, không gian – ký ức trong những giấc mơ đột ngột chen vào hiện tại không báo trước. Không gian vì thế bị kéo giãn, mở rộng biên độ về phía vô thức. Nhân vật thường xuyên đi về giữa hai không gian quá khứ - hiện tại và nhiều khi đan quyện đến độ khó phân định rạch ròi, tạo thành tính chất mơ hồ, thực mà phi thực cho không gian truyện. Bên cạnh không gian chung – thường là không gian thực đang hiện hữu và mang tính khách thể - thì mỗi cá nhân lại có những không gian riêng, không gian tâm tưởng, hoàn toàn biệt lập với thế giới khách quan và thường là không gian của tưởng tượng, phi thực. Trong tiểu thuyết