Nhân vật huyễn hoặc

Một phần của tài liệu Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 76)

Đây là kiểu nhân vật đặc trưng của văn học hiện thực huyền ảo, từng được khắc họa rất thành công trong sáng tác của cây bút hiện thực huyền ảo nổi tiếng như: Alejo Carpentier, Isabel Allende, Gabriel Garcia Marquez, Toni Morrision...

Nếu như kiểu nhân vật kì ảo thường đem lại nỗi hoang mang, sợ hãi thì kiểu nhân vật huyễn hoặc – mặc dù được xây dựng với nhiều yếu tố huyền ảo, hoang đường – lại điềm nhiên tồn tại mà không hề gây chút cảm giác bối rối, kinh sợ nào. Kiểu nhân vật này nằm giữa ranh giới của hiện thực và hoang đường, khiến cho hiện thực được tái hiện trở nên huyền ảo và cái huyền ảo lại được chấp nhận như là hiện thực. Trên nguyên tắc “tin vào điều mình kể” và không cần thuyết phục người khác tin, các nhà văn hiện thực huyền ảo đưa vào tác phẩm của mình đầy ắp những điều huyễn ảo, đầy rẫy những nhân vật huyễn hoặc mà không cần mất công chứng minh là nó có thật hay không.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có mặt những nhân vật hoang đường ở các dạng như hồn ma, tiền kiếp, hậu kiếp, sự tái sinh của linh hồn chết… và càng được làm dầy thêm bởi sự chồng chéo tầng tầng lớp lớp các kiếp, các giới trên cùng một trục không - thời gian. Nhân vật huyễn hoặc trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có khi xuất hiện dưới dạng hồn ma, có khi hóa thân trong con người bình thường, có lúc được mang tên gọi cụ thể rõ ràng, nhưng nhiều khi thì chỉ là những hồi âm, những vang vọng, những cái bóng hay những tiếng nói mơ hồ, không xác định, thậm chí nó ẩn hiện trong vô vàn cỏ cây, vật giới của vũ trụ quanh ta. Tất cả tạo nên một không khí huyễn hoặc vừa đậm đặc, vừa bàng bạc bao phủ lên câu chuyện, nhiều khi khiến người đọc quên mất thế giới thực hiện hữu sống động đằng sau nó – trong khi đó mới là điều cốt lõi mà nhà văn muốn hướng tới.

Kiểu nhân vật này xuất hiện ngay từ tiểu thuyết đầu tay là Bả giời. Điều đó chứng tỏ ý thức rõ rệt của nhà văn trong việc xây dựng nhân vật theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo, dù ở tác phẩm này nó mới chỉ là những thể nghiệm chưa thật sự thành công. Mở đầu chuyến hành trình trở về làng Phan, thứ đầu tiên mà nhân vật Tượng gặp không phải là con người mà là cái bóng. Kết thúc hành trình và cũng là điểm dừng số phận, nhân vật gặp lại cái bóng. Cái bóng không phải là người nhưng cũng chẳng phải là ma, nó xuất hiện trong tác phẩm tạo thành ám ảnh định mệnh từ những tiên đoán, nhận định linh ứng đối với nhân vật. Tác phẩm còn đầy ắp những bóng ma tồn tại đan xen với cuộc sống con người và những câu chuyện của chúng được khu biệt bởi những dòng chữ in nghiêng rất khó xác định chủ thể phát ngôn:

-Ngày mai bác làm gì?

-Xới cỏ.

-Ngày mai anh làm gì ?

-Đi bán nốt chỗ rau cải. Nó sắp già hết rồi.

-Ngày mai em làm gì ?

-Em phải lên vách đá lấy củi. Sắp mùa đông, củi khan lắm. Bố em bảo thế.

-Còn mày?

-Tao phải tìm thằng nào đập què chó nhà tao, nện cho nó một trận. Mẹ

kiếp. [16,6]

Hầu hết các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đều có sự xuất hiện của nhân vật huyễn hoặc ở những mức độ đậm nhạt khác nhau, đậm đặc nhất là ở

Người đi vắng Những đứa trẻ chết già. Trong hai tác phẩm này, thế giới ma

đã tạo thành một trong hai trục vận động chính của cốt truyện, ở đó người và ma cùng tồn tại trên một không gian nhưng ở hai trục thời gian khác nhau. Người và ma – cái này là tiền kiếp của cái kia, cái kia là hậu thân của cái này và đôi khi tất cả được nhập làm một, linh ứng, hiện hữu tại cùng một thời điểm. Tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương triển khai song song hai mạch truyện về hiện thực người chết và hiện thực người sống: chuyến xe trâu chở linh hồn người chết vận hành âm thầm bên cạnh cuộc đời thực hỗn loạn đảo điên. Thế giới người sống và người chết được phân biệt bởi hai phần Chương Vô thanh được kể xen kẽ vào nhau như là hai thế giới cùng song hành tồn tại trên mảnh đất Linh Nham huyền ảo. Mạch truyện cõi âm kể về những hồn ma trở về làng trên chuyến xe trâu, gồm có người đánh xe, hai gã thanh niên và nhân vật chính là Ông. Nhân vật trong cõi này hầu như không có tên gọi, họ giã từ cuộc sống trần thế để bước vào một hành trình vô hạn, sống tiếp một đời sống không có âm thanh. Con người ở cõi trần được xây dựng như là một hậu kiếp của cõi âm. Nhân vật Ông trên chuyến xe dường như là tiền kiếp nào đó của Hải. Cô gái bước ra từ lớp khói sương trong lòng kho báu là tiền kiếp của Loan, vì thế mà những lời cô gái nói với Loan là nói với chính mình: Lần này nữa sao mình vẫn chẳng thể đổi khác được? Qua những quả đồi lê thê, anh và bố đã đi rồi. Xe trâu chẳng còn để

mà về đón nhau nữa. Sao mình lại nằm kia nhỉ? [20,318]. Những đứa trẻ chết già còn đầy ắp những hình ảnh huyễn hoặc: Đó là gốc si già lúc nào cũng vọng ra những tiếng chuyện trò thì thào của những hồn ma và thỉnh thoảng hiện về xác của những người chết lưu lạc; Đó là hình ảnh đoàn người nối

đuôi nhau trôi theo hình cây si trắng toát [20,293] xa dần, mất hút trong thế

giới người chết và dường như cùng lúc với hình ảnh nơi kẽ nứt của quả đồi, khói phun lên dày đặc, trong đó thấp thoáng hàng đoàn người lả lướt bay

[20,319] ở thế giới người sống. Không khí đậm màu sắc liêu trai bao phủ lên toàn bộ câu chuyện từ đầu đến cuối. Nhân vật trong tác phẩm là sự pha trộn giữa người thật với hồn ma tạo nên một hiện thực đẫm màu sắc huyền ảo. Nhân vật ma không chỉ tồn tại cùng lúc với người thật mà nó còn hiện hữu ngay trong con người thật, bởi lẽ suy cho cùng (theo cách cấu trúc nhân vật của Nguyễn Bình Phương) con người là sự đầu thai của những hồn ma, mang trong mình một tiền kiếp nào đấy và thực hiện cuộc hành trình về cái chết, tiếp tục trở thành những hồn ma.

Người đi vắng là một tiểu thuyết mang màu sắc hiện thực huyền ảo đậm

nét với đầy ắp những câu chuyện về các hồn ma tồn tại song song hoặc đan xen với đời sống thực tại của con người. Hồn ma trong truyện khi thì xuất hiện qua ký ức nhân vật, khi thì trực tiếp kể chuyện mình. Các nhân vật trong tác phẩm được khắc họa như là nhân quả của những tiền kiếp tích tụ ngàn đời trên mảnh đất Thái Nguyên âm dương giao hòa. Không khí ma mị của câu chuyện không chỉ được tạo ra từ những nhân vật ma có tên gọi, hình hài mà còn được gợi lên từ những nhân vật không tên, những hiện tượng vô hình kỳ quái và cả từ vô vàn cỏ cây, vật giới linh ứng, ảo huyền. Đó là những đứa trẻ chăn trâu ăn quả cậm cam trong buổi chiều hoàng hôn vàng úa trên bãi tha ma Linh Nham – những đứa trẻ thuộc về cái thế giới chỉ hiện diện sau khi người

ta nhìn thật kỹ vào đồ vàng mã [19,163]. Đó là người đàn ông vô hình nằm

cạnh Thắng, là bóng ma vô hình Kỷ thường xuyên nhận thấy trên bãi tha ma khi: những con đom đóm lại dạt theo hình một người [19,94], là tiếng nói của hồn ma bí ẩn phát ra từ những bức thư không rõ nguồn gốc của Chung… Đó còn là vô vàn vật giới, linh giới trong vũ trụ quanh ta: cây chuối, cây tùng, cái

thai, cái chân, con ngựa, con mọt, con rồng, đom đóm, sương mù, sấm, chớp, mưa… tất cả đều có tiếng nói, hành động, linh hồn tạo thành tính chất đa âm huyền ảo trong tác phẩm. Song, tác giả dụng công hơn cả trong việc xây dựng hai trục nhân vật cõi âm – cõi dương, người chết – người sống qua hai mạch truyện xoắn kép: một kể về cuộc binh biến của Đội Cấn ở Thái Nguyên đầu thế kỷ XX và một kể về nhóm người sống ở thời hiện tại. Câu chuyện về những người đã chết cách đây cả trăm năm lại hiện hữu, sống động như đang diễn ra, trong khi câu chuyện về những con người ở thời hiện tại lại nhạt nhòa, mờ ảo và thường xuyên bị phủ lên một lớp khói sương của quá khứ xa xăm, của tiền kiếp mơ hồ. Cùng với đó, nhân vật huyễn hoặc được khắc họa rất hiện thực, còn nhân vật thực nhiều khi lại vô cùng hư ảo bởi những khoảnh khắc đi vắng bất thường. Có lúc ảo – thực, âm – dương, quá khứ - hiện tại cùng trùng khít, gặp gỡ nhau tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời nhân vật.

Có thể nói, tính biểu tượng là một đặc trưng tiêu biểu của nhân vật huyền ảo. Nhân vật Khẩn trong tiểu thuyết Ngồi được thiết kế với cấu trúc tượng trưng ngay từ những dòng đầu khi Nguyễn Bình Phương đặt nhân vật vào trong một không – thời gian huyền thoại. Nhân vật xuất hiện trong tư thế: từng đường nét dần hiển hiện phôi thai hình hài một pho tượng La Hán với tư thế suy tưởng dưới chân trụ đồng cao ngất. Nhân vật đã trải qua 49 chương truyện – một con số biểu trưng mang ngụ ý rõ nét về khoảng thời gian linh thiêng cho sự siêu thoát, siêu sinh rồi trở về tư thế ban đầu và tan biến vào hư vô. Cách xuất hiện và biến mất của nhân vật được khắc họa đầy bí ẩn và huyền ảo. Nhân vật được soi chiếu song hành trong hai thế giới thực - ảo. Thế giới ảo – thế giới giấc mơ gắn liền với tiền kiếp, với hàng loạt truyền thuyết, huyền thoại của người Việt cổ. Thế giới thực ở thời hiện tại gắn liền với hiện kiếp của Khẩn – nơi nhân vật trải qua cuộc sống thường nhật xô bồ, hỗn tạp. Ở thế giới này, nhân vật thường xuyên bị phân tâm bởi những cơn đau đầu dữ dội đưa nhân vật phân thân vào thế giới huyền ảo của những giấc mơ. Và như thế, một mối liên hệ xuyên không – thời gian được thiết lập thường trực khiến cho hiện tại trở nên phức tạp, hỗn độn, nhuốm màu sắc huyền ảo. Đến cuối cuộc hành trình, nhân vật dường như lặp lại hình ảnh ban đầu trong tư thế ngồi xổm xuống bên

cạnh cột đèn tín hiệu giao thông nhưng theo quy trình ngược lại: không phải là tái tạo mà là biến mất. Ngồi là tác phẩm chịu sự ảnh hưởng, chi phối của lối viết tiểu thuyết phương Tây hiện đại, song tác phẩm cũng thấm đẫm màu sắc Đông phương qua việc sử dụng tín ngưỡng dân gian, triết thuyết Phật giáo trong xây dựng nhân vật. Hầu hết các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đều ít nhiều ảnh hưởng luận thuyết Luân hồi và Đầu thai của Phật giáo trong kiến thiết nhân vật. Trong Ngồi, Khẩn được xây dựng dường như là một hậu kiếp của một nhân vật huyền thoại nào đó. Lúc thì Khẩn mơ thấy mình đội nước đi lên, cao to lực lưỡng với đôi mắt rực lửa, cái miệng mở rộng, mái tóc xõa xuống vai, sau mỗi bước đi của mình, nước bắn cao hàng chục mét. Lúc tỉnh dậy, nhớ lại giấc mơ đó mình láng máng rằng mình thực sự là một cái gì nữa

chứ không phải chỉ là thế này. [18,243] Có lúc giữa cơn đau đầu, Khẩn lại thấy

hiện lên khuôn mặt xám nhạt khó hiểu đôi mắt long lanh rờ rỡ, cặp môi dầy

tách ra thô lỗ, ta là thiên tướng xuống cõi trần [18,255]. Ở tác phẩm, triết

thuyết Phật giáo còn chi phối quá trình thức nhận mang hàm ý giác ngộ của nhân vật, dù chưa đạt đến. Hơn nữa màu sắc hiện sinh, tính chất phi lý cũng đồng thời chi phối cách xây dựng nhân vật nên ý nghĩa biểu tượng không đơn thuần và không dễ gì nắm bắt. Nguyễn Chí Hoan cho rằng “nhân vật Khẩn đã có một hành trình tượng trưng qua thân phận và hiện kiếp của mình” nhưng không có điểm kết thúc. Nhân vật chủ yếu được khắc họa ở thời hiện tại nhưng bị xóa nhòa tư cách hiện thực khi thường xuyên có mối liên lạc với quá khứ và mở ra ngụ ý tiếp diễn. Nhân vật vì thế, dù được xây dựng rất hiện thực giữa đời thực nhưng lại mang màu sắc huyền ảo đậm nét.

Nhìn chung, văn học hiện thực huyền ảo thường sử dụng nhiều yếu tố hoang đường, hư ảo, các huyền thoại, biểu tượng, các nhân vật thần, ma… vào xây dựng thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Song nhiều hơn cả là việc các nhà văn thường biến những điều bình thường, không có gì là siêu nhiên trong cuộc sống thành những cái lạ thường, quái đản, nhào nặn những nhân vật huyền ảo từ những con người đời thường nhưng chứa đựng những yếu tố bất thường, kì dị. Điều đó tạo nên loại hình nhân vật tiêu biểu thứ hai trong văn học hiện thực huyền ảo, đó là kiểu nhân vật dị thường.

Một phần của tài liệu Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)