Xây dựng kết cấu tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 59)

Kết cấu là một trong những tiêu chí quan trọng để định giá tác phẩm, bởi ở đó hội tụ toàn bộ tài năng tổ chức tác phẩm, những sáng tạo độc đáo của nhà văn với cá tính, phong cách và quan niệm thẩm mỹ riêng. Sự sáng tạo về mặt kết cấu là không giới hạn, bởi mỗi tác phẩm đòi hòi một sự sáng tạo kết cấu tương thích với nội dung. Kết cấu là sự tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của từng tác phẩm (…) Ngoài bố cục, kết cấu còn bao gồm: tổ chức hệ thống tính cách, tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm; nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thể của các thành phần cốt truyện, nghệ thuật trình bày, bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện… sao cho toàn

bộ tác phẩm thực sự trở thành một chỉnh thể nghệ thuật [54,156]. Vì thế,

nghiên cứu tiểu thuyết không thể không xem xét về kết cấu.

Đã có một thời gian khi những “tiểu thuyết mới”, tiểu thuyết hậu hiện đại đề cập đến cái gọi là “phản nhân vật”, “phản tiểu thuyết” thì đồng thời người ta cũng nghĩ đến sự hủy diệt cốt truyện, thủ tiêu kết cấu. Song cũng như

nhân vật, kết cấu vẫn luôn tồn tại chỉ có điều dưới một dạng thức mới, với những đặc trưng mới khác với truyền thống. Tiểu thuyết Việt Nam trước năm 1975 thường sáng tác theo mạch truyện tuyến tính và chú trọng chủ yếu tới nội dung phản ánh. Từ sau năm 1975, nhất là sau Đổi mới, văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng quan tâm nhiều hơn tới hình thức tác phẩm. Các nhà tiểu thuyết đương đại đã sáng tạo nhiều kết cấu mới bên cạnh kết cấu tuyến tính truyền thống. Tiêu biểu phải kể đến các nhà văn như Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Thuận, Nguyễn Bình Phương…

Không phải ngẫu nhiên, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch đã viết Nguyễn Bình Phương là một trong số nhiều nhà văn đương đại có một ý thức trong việc sáng tạo cấu trúc tiểu thuyết (…) khái niệm cấu trúc đạt đến ý nghĩa đích thực nhất của nó – một sự phối trí đa tầng và chống lại tính tuyến tính bản thể

của tự sự [113]. Kết cấu có thể coi là một thành công nổi bật trong tiểu thuyết

của Nguyễn Bình Phương. Nhà văn đã tạo ra một sự bứt phá đặc biệt cho cấu trúc tự sự của tác phẩm từ sự phá bỏ mọi đường biên, làm nhòe mờ ranh giới các mạch truyện, dung hợp các thể loại để tạo nên một trạng thái đồng đẳng và đồng hiện giữa chúng khiến tác phẩm trở thành “một sự phối trí đa tầng", và vì thế cũng mang ý nghĩa biểu đạt đa diện. Nổi bật hơn cả trong kết cấu tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là kết cấu đa tuyến và phân rã. Cùng với bút pháp hiện thực huyền ảo, hai kiểu kết cấu này đã đem đến cho tác phẩm những cấu trúc độc đáo, giúp khám phá và biểu đạt sâu sắc những cảm nhận về một hiện thực đổ nát, hỗn độn, không thể nào nắm bắt.

Một phần của tài liệu Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 59)