Phân tích môi trường vĩ mô (PEST)

Một phần của tài liệu hoạch định chiến lược kinh doanh của công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) đến năm 2017 (Trang 69)

Môi trường vĩ mô luôn có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm như tài chính. Là một Công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, trong giai đoạn 2010 đến nay, MBS đã phải chịu nhiều ảnh hưởng phức tạp của nền kinh tế cũng như của hệ thống tài chính.

2.3.1.1. Môi trường kinh tế

- Tổng quan nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây

Năm 2010, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục kế thừa đà phục hồi ấn tượng từ những tháng cuối năm 2009, hứa hẹn tạo ra một môi trường hoạt động kinh doanh thuận lợn hơn cho các doanh nghiệp nói chung và các công ty chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ nói riêng. Tiếp theo đà phục hồi và phát triển, Chính phủ đã đặt

62

ra mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010.

Tuy nhiên, đầu năm 2011 tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp: lạm phát tăng, giá dầu thô, giá nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, giá lương thực, thực phẩm và giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng cao đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước. Trước tình hình đó, ngày 24/02/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…Nhờ những điều chỉnh chính sách kịp thời của Chính phủ theo hướng tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế đã có những chuyển biến theo hướng ổn định hơn nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy lạm phát có xu hướng giảm trong nửa cuối của năm 2011 nhưng tính chung cả năm vẫn cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 18,13%, cao hơn mục tiêu cuối năm đề ra là 18%. Vốn đầu tư xã hội/GDP năm 2011 đạt 33,3% thấp hơn kế hoạch đã đặt ra 40% là nguyên nhân góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm. Cùng với đó, lãi suất chưa giảm nhiều; nhu cầu ngoại tệ và sức ép tỷ giá cuối năm còn lớn; nhiều doanh nghiệp (DN) còn rất khó khăn... Hệ quả là mức tăng trưởng kinh tế của cả năm 2011 chỉ đạt 5,89%, thấp hơn so với chỉ tiêu điều hành là 6%.

Bước sang năm 2012, kinh tế - tài chính của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế thế giới, do khủng hoảng tài chính và nợ công ở châu Âu chưa được giải quyết. Suy thoái tại khu vực đồng Euro cùng với khủng hoảng tín dụng và tình trạng thất nghiệp gia tăng, khiến cho hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu bị tác động mạnh, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp. Những bất lợi từ sự sụt giảm của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư trong nước. Thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng tồn kho ở mức cao, sức mua giảm. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức đáng lo ngại. Nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể.

63

Trước bối cảnh đó, Chính phủ đề ra mục tiêu cho năm 2012 đi đúng hướng theo mục tiêu kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2015. Theo đó, chúng ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh tăng trưởng “duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý” để đổi lấy là “ổn định kinh tế vĩ mô”, từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trước những mục tiêu của Chính phủ, có nhiều ý kiến trái chiều và kết quả là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phá sản hoặc tạm dừng, thu hẹp sản xuất, công ăn việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261. Để ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/05/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Những giải pháp này tập trung vào miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho các DN nhằm giúp DN vượt qua khó khăn. Kết quả, Chính phủ kịp thời đã giúp kiểm soát được CPI của năm 2012 tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% năm 2011 và 11,75% năm 2010; lãi suất ngân hàng giảm dần. Tăng trưởng trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao hơn so với kế hoạch. Điểm nổi bật là lần đầu tiên trong năm 2012 Việt Nam xuất siêu, đạt mức 780 triệu USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây là kết quả không bền vững và chưa phải là xu thế chuyển đổi. Nguyên nhân xuất siêu là do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm khiến nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng như tư liệu sản xuất giảm. Tốc độ tăng nhập khẩu trong năm 2012 chỉ dừng lại ở mức 6,6% (chỉ số giá nhập khẩu giảm 0,33%), so với tốc độ tăng 25,83% của năm 2011. Trong khi đó, xuất khẩu tăng chủ yếu do sự gia tăng đột biến của mặt hàng điện thoại, máy vi tính và linh kiện (chủ yếu từ nhà sản xuất Samsung) đã khiến tốc độ tăng xuất khẩu của năm 2012 duy trì ở mức 18,2% bất chấp chỉ số giá xuất khẩu trong năm giảm 0,54%. Mặc dù đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống mức “hợp lý” 6% nhưng tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 chỉ đạt 5,03%. Tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% trong khi dư nợ tín dụng

64

cả năm chỉ tăng 8,91%. Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; Tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao; Khu vực DN, động lực chính tạo ra của cải, vật chất, việc làm gặp nhiều khó khăn; Áp lực lạm phát và nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô còn lớn; Lãi suất, nợ xấu vẫn còn cao; Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Đời sống của người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp vẫn còn khó khăn. Tình hình kinh tế dự báo vẫn còn nhiều thách thức. Nhận thức rõ được những khó khăn tiềm ẩn, năm 2013, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành Nghị quyết số 31/2012/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, với mục tiêu tổng quát là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”.

Trước tình trạng các DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ngày 07/01/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Các giải pháp này bao gồm: (i) gia hạn nộp thuế thu nhập DN (TNDN): gia hạn 6 tháng đối với số thuế TNDN phải nộp trong quý I/2013 và 3 tháng đối với số thuế TNDN phải nộp trong quý II và quý III/2013; (ii) gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT): 6 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp trong quý I/2013.

Các giải pháp khuyến khích về thuế này áp dụng cho DN vừa và nhỏ; DN sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực; DN bán, cho thuê tài chính nhà ở và DN sản xuất sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng. Theo ước tính của Chính phủ, tổng số thuế gia hạn lên tới khoảng 9.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thủ tướng trình Quốc hội giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 20% đối với DN vừa và nhỏ và 10% đối với DN

65

tham gia đầu tư, bán hoặc cho thuê nhà ở xã hội đối với những người có thu nhập thấp, bắt đầu từ ngày 01/07/2013. Các giải pháp này đã được Quốc hội thông qua và đã được triển khai với những kết quả bước đầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát; mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7-9%. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng còn chậm, chưa vững chắc, nhất là công nghiệp và nông nghiệp. Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng nguy cơ tiềm ẩn còn cao. Sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tuy đã giảm xuống so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá giảm, sức mua giảm, chính sách bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn... (Nguồn: Tạp chí Tài chính số 12 - 2013 - TS. Bùi Đức Thọ - Trường Đại

học Kinh tế Quốc dân).

- Tổng quan thị trường chứng khoán trong những năm gần đây:

Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm theo sự tăng, giảm chung của nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Khi nền kinh tế có sự tăng trưởng do việc nới lỏng tín dụng trong năm 2010 thì trước đó năm 2009 thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và kéo dài sang năm 2010. Khi nền kinh tế gặp những khó khăn trong giai đoạn 2011 - 2013 vừa qua thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự sụt giảm mạnh mẽ từ năm 2010 - 2012 và có sự phục hồi khá mạnh trong năm 2013.

Năm 2013, VN-Index tăng trưởng 21,97% so với năm 2012, HNX-Index tăng trưởng 18,83% là tín hiệu rất tích cực của thị trường. Thêm vào đó thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng mạnh kèm theo dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài cũng đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua. Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường chủ yếu là dòng tiền ngắn hạn và đầu cơ nên mức độ biến động của dòng tiền rất cao và thị trường sẽ chưa thể có những sự phát triển ổn định trong thời gian ngắn mà sẽ có những đợt tăng/giảm đan xen nhau theo nhịp tăng của nền kinh tế.

66

Tổng kết thị trường 6 tháng đầu năm 2013, thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2013 đã ghi nhận những chuyển biến rất tích cực. Giao dịch diễn ra khá sôi động với sự cải thiện của cả điểm số lần thanh khoản. Dòng tiền trong giai đoạn này thường chủ yếu tìm đến các cổ phiếu có cơ bản tốt và triển vọng khả quan.

Giai đoạn nửa đầu Quý I năm 2013 có thể xem như giai đoạn bứt phá mạnh với sự khởi sắc rõ rệt nhất của thị trường. Điều này có được với các nguyên nhân chính như sau: (1) kinh tế vĩ mô dần ổn định trong đó có việc kiềm chế lạm phát bên cạnh sự kỳ vọng chính sách mới sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế với việc giải quyết nợ xấu thông qua đề án thành lập công ty mua bán nợ VAMC, (2) với nhiều đánh giá quốc tế rằng Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn nhất khu vực Châu Á, dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tập trung phần lớn ở các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, tạo sức nâng mạnh cũng như tính lan tỏa cho đà tăng của cả thị trường.

Tuy nhiên trong tháng 3 và tháng 4, mặc dù thị trường có ghi nhận sự bứt phá trong những ngày đầu của tháng 4, chủ yếu dưới sự dẫn dắt của một số blue-chips trên sàn HSX, nhưng nhìn chung xu hướng chính của thị trường trong giai đoạn này là điều chỉnh tích lũy. Điều này là do (1) thị trường đã tăng điểm gần hai tháng liên tục, mang lại tỷ suất cao, dòng tiền khó tăng kịp theo đà tăng của thị trường, (2) bối cảnh tình hình vĩ mô chưa có nhiều chuyển biến tích cực như kỳ vọng, (3) tin đồn thất thiệt về vụ việc bắt giữ một lãnh đạo cao cấp trong ngành ngân hàng đã khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến một phiên bán tháo, (4) thiếu đi lực mua mạnh mẽ từ khối ngoại, các chỉ số dần mất đà tăng điểm mạnh.

Trong tháng 5, thị trường chứng khoán có những khởi sắc khá rõ nét, xu hướng tăng điểm là chủ đạo cùng với những diễn biến giao dịch khá sôi động. Khác biệt so với những tháng đầu năm, trong khi dòng vốn ngoại không quá nổi bật thì dòng tiền nội đã đổ mạnh vào thị trường và là yếu tố dẫn dắt cho đà tăng của thị trường, với tâm điểm là các mã trụ cột, có cơ bản tốt. Điều này bắt nguồn từ những nguyên nhân chính

67

như sau: (1) nền kinh tế duy trì sự ổn định và tiếp tục có dấu hiệu cải thiện, (2) lãi suất huy động giảm mạnh, thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn với dòng tiền, (3) thị trường đón nhận một số thông tin tích cực từ phía chính sách như: gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội trị giá 30 nghìn tỷ đồng.

Bước vào tháng 6, tiếp nối đà tăng từ tháng 5, thị trường đã thiết lập đỉnh mới của VN Index ở con số 527,97 điểm trong tuần đầu của tháng 6. Tuy nhiên sau đó, thị trường quay đầu giảm khá nhanh và hình thành nên xu hướng điều chỉnh tích lũy trong ngắn hạn. Bên cạnh áp lực chốt lời sau giai đoạn tăng điểm trước đó thì thị trường còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến của thị trường thế giới với làn sóng rút vốn của quỹ ngoại ra khỏi các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam sau khi đón nhận hai thông tin tiêu điểm (1) FED có thể sẽ ngừng chương trình nới lỏng định lượng QE3 và (2) những quan ngại về nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là hệ thống ngân hàng.

Mặc dù có nhiều biến động nhưng thị trường trong 6 tháng đầu năm có điểm chung đáng chú ý là việc dòng tiền, cả mang tính chất đầu tư và đầu cơ, thường tập trung và tìm điểm đến ở những cổ phiếu cơ bản tốt và triển vọng lợi nhuận khả quan.

Chốt phiên ngày 28/06, VN Index đóng cửa tại 481,13 điểm, còn HNX Index dừng lại ở 62,76 điểm, hai chỉ số lần lượt tăng đáng kể +16,29% và +9,93% so với cuối năm 2012. Thanh khoản của thị trường cũng ghi nhận bước tiến vượt bậc so với giai đoạn nửa cuối năm 2012. Tổng khối lượng giao dịch trung bình trên hai sàn đạt 119,92 triệu đơn vị (+59,75%) trong khi tổng giá trị giao dịch trung bình trên hai sàn lên mức 1.510,80 tỷ đồng (+70,34%).

Qua việc tổng quan nền kinh tế Việt Nam và tổng quan thị trường chứng khoán trong những năm gần đây ta có thể thấy được nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng có những thay đổi, chuyển biến rõ nét. Những thông tin này, thực sự đem lại nhiều cơ hội cho hoạt động kinh doanh chứng khoán nói

68

chung cũng như cơ hội cho Công ty MB nói riêng. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều cơ hội và thách thức.

Cơ hội:

- Nền kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát.

- Tín dụng tăng trưởng, mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

- Với nhiều đánh giá quốc tế rằng Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn nhất khu vực Châu Á, dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một phần của tài liệu hoạch định chiến lược kinh doanh của công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) đến năm 2017 (Trang 69)