I. Căn cứ để xây dựng chiến lược ngành công nghiệp thép việt nam
a. Những tác động của tình hình kinh tế năm 2009 đến ngành thép
Những tác động bất lợi của nền kinh tế thế giới năm 2008 và tiếp tục tác động xấu đến tình hình kinh tế Việt Nam năm 2009 là:
- Khủng hoảng tài chính và địa ốc tại Mỹ đã lan rộng và gây biến động xấu tới kinh tế toàn cầu. Lạm phát gia tăng chưa từng thấy (50 nước trên thế giới lạm phát ở mức 2 con số). Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở khắp các châu lục vẫn còn tiếp tục kéo dài sang năm 2009;
- Thị trường hàng hóa diễn biến bất thường, giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu vào những tháng cuối năm 2008 có xu thế giảm nhanh đặc biệt
là dầu thô, sắt thép, lương thực, phân bón… Giá phôi thép cuối năm 2008 chỉ ở mức 400 USD/tấn;
- Các giải pháp ngăn chặn khủng hoảng tài chính như đồng loạt hạ lãi suất, cam kết hỗ trợ hàng ngàn tỷ USD cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp lớn để ngăn chặn suy thoái nhưng giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục sụt giảm. Khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, tới sản xuất công nghiệp, tới nhu cầu tiêu dùng, suy giảm sức mua của cả thế giới. Theo dự báo của IMF, năm 2009 kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,2%, thấp hơn 0,8% so với dự báo trước đó. Ba nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ, Nhật và EU đều tăng trưởng âm;
- Kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy có giảm ở những tháng cuối năm nhưng tính chung cả 2008 vẫn ở mức cao (19,89%). Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 chỉ ở mức 14,6% (năm 2007 là 17,2%). Giá trị gia tăng trong ngành xây dựng bị giảm mạnh, nên giá trị gia tăng chung của công nghiệp và xây dựng năm 2008 chỉ ở mức 6,33% (thấp nhất trong 17 năm qua);
- Nhập siêu tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhập siêu 11 tháng năm 2008 ước khoảng 17,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2007;
- Lãi suất cho vay mặc dù đã liên tục điều chỉnh giảm nhưng vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
- Ảnh hưởng của các biện pháp kiềm chế lạm phát (thắt chặt tiền tệ, đình hoãn trên 3100 công trình dự án với số vốn trên 37.000 tỷ đồng) nên mức tiêu thụ và giá nhiều mặt hàng trong đó có thép sụt giảm mạnh, tồn kho ở mức cao. Trong khi đó các nước xuất khẩu thép lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… do nhu cầu thế giới giảm đã tìm mọi cách hỗ
trợ xuất khẩu thép giá rẻ sang các nước trong đó Việt Nam lại rất gần Trung Quốc nên việc bảo vệ sản xuất trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn;
- Năm 2009 chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% so với 2008 và khống chế tăng giá tiêu dùng cả năm dưới 15%. Những cam kết về việc triển khai các dự án đầu tư có thể bị giảm hoặc chậm lại, làm cho mức tiêu thụ thép cũng khó tăng cao.
Cũng từ năm 2009 một số mặt hàng trọng yếu như điện, nước sạch, than bắt đầu được điều chỉnh dần theo giá thị trường, sẽ tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất và tác động đến giá thành sản phẩm trong đó thép sẽ chịu giá điện cao là chắc chắn.