Bao cơ thẳng có nhiệm vụ bao bọc cơ và cân nhằm đảm bảo cho các cơ đan cài nhau thật tốt và chặt chẽ để có thể đáp ứng lại sự thay đổi thường xuyên của áp lực khoang bụng. Ở tư thế nghỉ ngơi, bao cơ thẳng đóng vai trò chứa đựng và bảo vệ cơ đối với áp lực khoang bụng. Khi có sự vận động, co cơ tạo ra kháng lực ngăn chặn bao cơ bị căng quá mức do áp lực khoang bụng tăng lên. Sự đồng vận giữa hai yếu tố cơ và yếu tố cân xây dựng nên một hệ thống chức năng giúp duy trì áp lực khoang bụng bình thường trong trạng thái nghỉ và giúp bảo vệ bao cơ trong trạng thái căng quá mức của thành bụng. Tại những vùng của thành bụng không có cơ mà chỉ có lớp cân mạc cài vào cấu trúc lân cận (vị trí thoát vị thành bụng), sự đàn hồi và thay đổi hình dạng gần như không có. Người ta xem nó như vị trí cố định và trơ nhưng luôn chịu lực căng bởi tác động của áp lực khoang bụng. Theo định luật Laplace lớp cân mạc này phải chịu một lực tỉ lệ với diện tích tiếp xúc giữa lực tác dụng và chính nó, và tỉ lệ thuận với phần diện tích giữa các điểm tựa. Có thể hiểu cơ này như hiệu ứng cánh buồm trên con tàu. Diện tích của buồm càng lớn thì lực chịu đựng trên cột buồm càng tăng (Hình 1.11). Điều này chúng ta thấy rất rõ ở những thoát vị thành bụng kích thước to.
Hình 1.11: Biến dạng của thành bụng do áp lực khoang bụng, hay “Hiệu ứng cánh buồm”
Nguồn: Feliciano C, 2008, Incisional hernia [38].
Như vậy tại vùng thành bụng bị thoát vị, lực kéo và lực căng tác động trực tiếp liên tục trên lớp cân thành bụng lâu ngày sẽ gây tổn thương các cấu trúc này dưới dạng: loạn dưỡng, xơ hóa và thiếu máu do bị áp lực mạn tính. Ngoài ra các cặp cơ chức năng của thành bụng trước đã phối hợp hoạt động giúp khoang bụng chịu được trọng lực, giữ các tạng không sa ra ngoài cũng như điều hòa hỗ trợ chức năng hô hấp cùng với cơ hoành (Hình 1.12).
Hình 1.12: Các cặp cơ chức năng của thành bụng trước