Thật sự có rất nhiều nhận xét khác nhau về yếu tố nguy cơ TVVM nhưng vẫn chưa có sự thống nhất rõ ràng. Chúng ta vẫn cần nghiên cứu xa hơn và đáng tin cậy hơn về yếu tố nguy cơ của TVVM. Chưa có một yếu tố riêng lẻ nào đóng vai trò nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ cho TVVM sau mở bụng. Nhưng với kết quả phân tích đa biến trên 1000 trường hợp mở bụng giữa cho thấy yếu tố nhiễm trùng và yếu tố mở bụng nhiều lần có ảnh hưởng đến tần suất TVVM [22]. Nhận xét này rất phù hợp với kết quả của chúng tôi: 31,4% bệnh nhân nhóm khâu và 30,4% bệnh nhân nhóm đặt mảnh ghép có nhiễm trùng vết mổ. Tỉ lệ % của bệnh nhân có tiền căn mở bụng nhiều lần trong nhóm đặt mảnh ghép (26%) cao hơn nhóm khâu (12%). Có thể nói các phẫu thuật viên có xu hướng chọn phương pháp đặt mảnh ghép nhiều hơn khi bệnh nhân có mở bụng nhiều lần. Tuy nhiên theo kết quả phân tích thống kê của chúng tôi không chứng minh được yếu tố mở bụng nhiều lần làm tăng tần suất TVVM (p = 0,08). Còn những tiền căn khác (COPD, phì đại tiền liệt tuyến, ĐTĐ, hút thuốc lá) đều có xuất độ không đáng kể.
Gutierrez nhận thấy mảnh ghép có vai trò dự phòng TVVM (p = 0,02) cho những bệnh nhân phải mở bụng đồng thời có cơ địa đặc biệt như: trên 70 tuổi, ung thư, chỉ số BMI trên 30 và hút thuốc lá [75]. Còn những biến chứng khác thì không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm đặt và không đặt mảnh ghép dự phòng. Một tổng kết 25 năm kinh nghiệm phẫu thuật TVVM của đại học Göttingen đưa ra nhận xét rằng kinh nghiệm của phẫu thuật viên được xem như một yếu tố tiên lượng đối với bệnh nhân [61]. Tỉ lệ biến chứng, tỉ lệ tái phát lệ thuộc vào số ca đặt mảnh ghép của phẫu thuật viên (biểu đồ 4.1). Phẫu thuật viên trên 19 lần đặt mảnh ghép có tỉ lệ biến chứng và tái phát giảm rõ rệt so với phẫu thuật viên dưới 9 lần đặt mảnh ghép.
Biểu đồ 4.1: Ảnh hưởng của kinh nghiệm phẫu thuật viên về số ca đặt mảnh ghép (1 đến 9, 10 đến 19, trên 19) trên kết quả điều trị
Nguồn: Langer C, 2005, Hernia [61].