• Nguyên nhân khách quan
-Hoạt động kinh doanh ngoại tệ muốn mở rộng và phát triển hơn nữa phải có nền tảng vững chắc là thị trường hối đoái. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một thị trường ngoại hối hoàn chỉnh theo đúng nghĩa của nó mà chỉ ở giai đoạn sơ khai là trung tâm giao dịch ngoại tệ và thị trường ngoại tệ Liên ngân hàng. Ngoài ra, trên thị trường chưa có người môi giới ngoại hối chuyên nghiệp để tạo điều kiện cho cung cầu gặp nhau, chức năng này hiện chỉ có Sở giao dịch nhà nước thực hiện.
-Mặt khác, trình độ của công chúng về thị trường hối đoái và các nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ còn hạn chế. Các doanh nghiệp Việt Nam thường quen với hoạt động mua bán giao ngay mà chưa có thói quen mua bán kỳ hạn. Do vậy, đó là điều khó khăn cho Ngân hàng trong việc mở rộng các nghiệp vụ của thị trường hối đoái hoàn chỉnh.
-Đối tượng tham gia thị trường còn hạn chế, chỉ là các Ngân hàng thương mại. Trên thực tế thì trong dân cư có một lượng ngoại tệ khá lớn. Nếu đối tượng tham gia thị trường được mở rộng không giới hạn thì sẽ thu hút được bộ phận lớn dân cư tham gia, hạn chế được các hoạt động mua bán tại
thị trường chợ đen vốn đã bị kiểm soát chặt chẽ từ cuối năm 2011 nhưng vẫn chưa hoàn toàn triệt để.
-Việc bán hay mua ngoại tệ vào của ngân hàng nhà nước chưa được thực hiện một cách khéo léo gây tác động tâm lý, dẫn đến đầu cơ ngoại tệ của các tổ chức cá nhân. Mỗi khi thấy Ngân hàng Nhà nước bán ra nhiều các Ngân hàng thương mại sợ tỷ giá biến động nên mua vào nhiều và ngược lại làm tác động đến sự biến động tỷ giá.
• Nguyên nhân chủ quan
Hiện nay, đồng USD vẫn là đồng tiền được sử dụng chủ yếu trong thanh toán Quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng chỉ kinh doanh mua bán, dự trữ phần lớn là USD hoặc EUR. Ngân hàng chưa có chính sách về một cơ cấu ngoại tệ hợp lý, quá phụ thuộc vào đồng USD. Nguyên nhân do: quỹ ngoại tệ của Ngân hàng nhỏ, để kinh doanh ngoại tệ có hiệu quả thì đòi hỏi trình độ cán bộ kinh doanh ngoại tệ phải cao, nhiều kinh nghiệm phải theo dõi nắm bắt thường xuyên sự biến động tỷ giá và trạng thái từng loại ngoại tệ của Ngân hàng cũng như dự đoán một cách nhanh nhạy hơn với thị trường.
Nguồn mua ngoại tệ từ khách hàng vẫn còn hạn chế. Có những thời điểm như cuối năm 2010 và đầu năm 2011 khi trạng thái ngoại tệ bị hạn chế, tỷ giá mua bán USD luôn ở mức trần là 21,036 VND/USD, Ngân hàng trở thành trung gian mua bán ngoại tệ (không thu lãi) để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Điều này ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh ngoại tệ của Chi nhánh. Nguyên nhân hạn chế này là do số lượng khách hàng có hoạt động tín dụng xuất khẩu với Ngân hàng còn ít. Tuy nhiên, đây cũng là tình hình chung của các NHTM khác trên thị trường vì tỷ trọng nhập siêu của nước ta cao hơn nhiều xuất siêu. Các doanh nghiệp XNK cũng có xu hướng giao dịch nhiều hơn với Ngân hàng Ngoại Thương vì ở đây có nguồn ngoại tệ ổn định vốn là điểm mạnh của Ngân hàng này. Trong khi đó, nhu cầu khách hàng có thanh toán L/C, nhờ thu, T/T để nhập khẩu có giá trị lớn ngày một gia tăng.
Sự mở rộng khoảng cách giữa cung – cầu ngoại tệ có lúc đã làm cho Chi nhánh mất chủ động trong cân đối ngoại tệ.