Khái niệm hoạt động giảng dạy trong đào tạo theo tín chỉ

Một phần của tài liệu Sự thích ứng với hoạt động giảng dạy theo dào tạo tín chỉ của giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 27)

* Đào tạo theo tín chỉ

Đào tạo theo tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến hiện nay. Tín chỉ là đại lượng xác định khối lượng kiến thức, kỹ năng (trung bình) mà sinh viên tích lũy được từ môn học trong 15 giờ tín chỉ (cùng loại hoặc khác loại) được thực hiện mỗi tuần 01 giờ tín chỉ và kéo dài trong một học kỳ gồm 15 tuần. Tín chỉ được sử dụng làm đơn vị để tích lũy khối lượng học tập của sinh viên. Giờ tín chỉ là đại lượng được dùng làm đơn vị đo thời lượng lao động học tập của sinh viên. Giờ tín chỉ được phân thành 03 loại theo cơ cấu hình thức dạy – học, định lượng thời gian và được xác định như sau:

- Giờ tín chỉ lên lớp: gồm 1 tiết lên lớp và 2 tiết tự học - Giờ tín chỉ thực hành: gồm 2 tiết thực hành và 1 tiết tự học - Giờ tín chỉ tự học: gồm 3 tiết tự học

(mỗi tiết được tính bằng 50 phút)

Hình thức tổ chức giờ tín chỉ là cách tổ chức thực hiện các hoạt động của giảng viên và sinh viên theo quy định của đề cương môn học, trong đó coi trọng khâu tự học, năng lực nghiên cứu, thực tập, thực hành, thực tế nhằm tích lũy đủ khối lượng kiến thức theo yêu cầu của môn học. Các hình thức tổ chức giờ tín chỉ: - Dạy – học trên lớp: dạy – học lý thuyết, làm và chữa bài tập, thảo luận và các hoạt động khác do giảng viên yêu cầu.

- Dạy – học trong phòng thí nghiệm, studio, hiện trường: làm thí nghiệm, thực hành, thực tập, điền dã, và các hoạt động khác do giảng viên yêu cầu.

- Ngoài lớp, ngoài phòng thí nghiệm: tự học, tự nghiên cứu, các hoạt động theo nhóm để hỗ trợ thảo luận, thực hành, thực tập…

Môn học trong đào tạo tín chỉ được coi là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Mỗi môn học có thời lượng tối thiểu là 02 tín chỉ và tối đa là 05 tín chỉ, được thực hiện trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi môn học phải gắn với một mức trình độ và được kết cấu riêng theo từng môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Mỗi môn học được ký hiệu bằng một mã riêng theo quy định của Đại học Quốc gia Hà nội.

Các loại môn học, theo tính chất của môn học có 3 loại môn học: Môn lý thuyết, môn học thực hành, môn học kết hợp lý thuyết và thực hành. Theo yêu cầu tích lũy kiến thức thì có các loại môn học như: môn học bắt buộc, môn học tự chọn, môn học tiên quyết.

Đề cương môn học: Theo đào tạo tín chỉ thì đề cương môn học phải cung cấp thông tin chủ yếu về nội dung và tổ chức dạy – học của môn học. Đề cương môn học bao gồm: Thông tin về đơn vị đào tạo (tên trường, khoa, bộ môn); Thông tin về môn học (tên môn học bắt buộc hay tự chọn, số lượng tín chỉ, loại giờ tín chỉ, các môn học tiên quyết…); Thông tin về tổ chức dạy và học; Mục tiêu, nội dung cơ bản và phương pháp dạy môn học; Giáo trình sử dụng và tài liệu tham khảo; Các yêu cầu và quy định về kiểm tra – đánh giá kết quả học tập; Một số thông tin liên quan khác theo quy định và hướng dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội. Hàng năm, nội dung môn học, chuyên đề được điều chỉnh, bổ sung, cập nhật, hiện đại hóa phù hợp với trình độ phát triển khoa học, công nghệ và yêu cầu của thực tiễn. Việc điều chỉnh, bổ sung những nội dung cơ bản của môn học, chuyên đề phải được hội đồng khoa học và đào tạo của đơn vị đào tạo thông qua và lập thành hồ sơ lưu tại đơn vị đào tạo. Trên cơ sở đó, đề cương môn học cũng phải được thay đổi cho phù hợp.

Tổ chức lớp học theo tín chỉ: Lớp khóa học được tổ chức ngay từ khi sinh viên trúng tuyển vào học cùng ngành, cùng khoá và ổn định từ đầu đến

cuối mỗi khoá học, nhằm duy trì hoạt động đoàn thể, các hoạt động chính trị - xã hội, văn hoá, thể thao, đồng thời để quản lý sinh viên trong quá trình học tập. Lớp khoá học có giáo viên chủ nhiệm lớp, đồng thời là cố vấn học tập, do khoa đào tạo phân công. Lớp môn học được tổ chức cho các sinh viên đăng ký học cùng một môn học trong một học kỳ. Lớp môn học có lớp trưởng do giảng viên phụ trách lớp môn học cử. Lớp môn học có từ 10 đến hơn 100 sinh viên tuỳ theo đặc thù của môn học.

* Định nghĩa hoạt động giảng dạy theo tín chỉ

Hoạt động giảng dạy theo tín chỉ là hoạt động dạy học và giáo dục sinh viên ở các trường đại học, học viện. Bắt đầu từ năm 2008, ở Việt nam hầu hết các trường đại học giảng dạy theo tín chỉ ở một số khoa hoặc toàn trường. Về cơ bản mục đích và nhiệm vụ của hoạt động giảng dạy theo tín chỉ cũng giống như hoạt động giảng dạy nói chung từ trước đến nay các trường đại học đã và đang thực hiện. Đó là:

Trong quá trình giảng dạy ở đại học, người giảng viên (và tập thể cán bộ giảng dạy) là chủ thể của hoạt động giảng dạy, giữ vai trò chủ đạo. Giảng viên có chức năng tổ chức, điều khiển, lãnh đạo hoạt động học tập của sinh viên, đảm bảo truyền tải cho sinh viên thực hiện đầy đủ và có chất lượng cao những yêu cầu đã được quy định phù hợp với mục đích giảng dạy ở đại học. Bên cạnh đó, người sinh viên (và tập thể sinh viên) một mặt là đối tượng của hoạt động dạy, mặt khác lại là chủ thể của hoạt động nhận thức. Nói cách khác, trong quá trình giảng dạy ở đại học, người sinh viên vừa là khách thể của hoạt động giảng dạy vừa là chủ thể hoạt động tích cực, độc lập, sáng tạo nhằm chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo có liên quan đến nghề nghiệp tương lại của mình. Quá trình giảng dạy về bản chất, là quá trình nhận thức độc đáo có tính nghiên cứu của sinh viên được tiến hành dưới vai trò tổ chức, điều khiển của giảng viên nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ giảng dạy ở đại học.

Như vậy, hoạt động giảng dạy trong đào tạo theo tín chỉ chính là hoạt động giảng dạy theo mục đích, yêu cầu của đào tạo theo tín chỉ được quy định trong các văn bản đã công bố.

* Các đặc điểm của hoạt động giảng dạy theo tín chỉ.

Hiện nay, trên thế giới có hai mô hình tiêu biểu trong cách tổ chức giảng dạy đại học: mô hình châu Âu cổ điển với các lớp học theo một chương trình chung nhất cho mọi người, và mô hình Bắc Mỹ với chương trình được cấu trúc theo các modun đa dạng, từng sinh viên có thể lựa chọn chương trình học riêng phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Hệ thống tín chỉ là cái lõi của tổ chức đào tạo theo mô hình thứ hai. Học chế này ra đời vào giữa thế kỷ 19, bắt đầu ở Đại học Harvard xuất phát từ quan niệm xem sinh viên có thể tìm được cách học thích hợp nhất cho mình, cũng như tư tưởng cho rằng đại học phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Trên cơ sở những tư tưởng triết học đó, vào năm 1872 Viện Đại học Harvad quyết định thay hệ thống chương trình đào tạo cứng gắn với các lớp học cố định bằng hệ thống chương trình mềm dẻo cấu thành bởi các modun mà mỗi sinh viên có thể lựa chọn một cách rộng rãi. Có thể xem sự kiện đó là điểm mốc khai sinh hệ thống tín chỉ. Đến đầu thế kỷ 20 hệ thống tín chỉ được áp dụng rộng rãi hầu như toàn bộ hoặc một phần các trường đại học của mình: Các nước Bắc Mỹ, Nhật Bản, Philipin, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaisia, Indonesia, Ấn Độ,…tại Trung Quốc từ cuối thập kỷ 80 đến nay hệ thống tín chỉ cũng lần lượt được áp dụng ở nhiều trường đại học.

Trong xã hội ta hiện nay, việc đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, coi đó là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người, là động lực trực tiếp của sự phát triển…Đổi mới nhanh cơ chế quản lý giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ cho phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là khi nhà nước ta đang gia nhập với tổ chức thế giới, nhằm thúc đẩy sự

phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội thì giáo dục lại được quan tâm sâu sắc hơn. Một trong những chiến lược đó là việc đầu tư vào giáo dục cả bề rộng lẫn chiều sâu để có một nền giáo dục đạt chuẩn quốc tế, mà bước đầu là đổi mới hoạt động giáo dục đào tạo từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo phương thức tín chỉ đối với các trường đại học trong cả nước.

Đào tạo theo niên chế là phương thức đào tạo mà từ trước đến nay tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước đã và đang áp dụng. Bản chất của phương thức đào tạo theo niên chế ở các trường đại học là sinh viên phải tích luỹ được số đơn vị học trình các môn học theo quy định chuẩn của bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Một số đặc điểm khác nhau của hoạt động giảng dạy trong đào tạo tín chỉ và trong đào tạo niên chế:

- Về việc chuẩn bị bài giảng, đề cương môn học:

Nếu đào tạo theo tín chỉ, yêu cầu giảng viên phải soạn đề cương, bài giảng theo mẫu chung, thì ở phương thức đào tạo niên chế không quan trọng vấn đề này. Phần lớn mỗi giảng viên soạn giáo án, bài giảng theo cách riêng của mình để thuận lợi nhất cho việc lên lớp. Bài giảng, đề cương cũng chưa chi tiết như ở đào tạo tín chỉ: chưa cung cấp đầy đủ thông tin của giảng viên, và các thông tin của từng phần (thời lượng, số tiết lý thuyết, thực hành), thông tin về tài liệu tham khảo…[Phụ lục 5]

- Phương pháp giảng dạy:

Giảng dạy trong đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi giảng viên phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ giảng dạy, giảm bớt thời gian lên lớp, tăng cường thời gian tự học, tự nghiên cứu, giảng dạy được nhiều học phần và một môn học có thể có nhiều giảng viên giảng dạy.

Trong đào tạo theo niên chế, chủ yếu phương pháp giảng dạy được sử dụng là phương pháp truyền thống. Trong đào tạo tín chỉ yêu cầu giảng viên sử dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến và phù hợp với phương thức đào tạo mới để đảm bảo truyền thụ cho sinh viên nội dung môn học, phát triển

năng lực nhận thức và kỹ năng ở bậc cao, rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo. Một số phương pháp giảng dạy hiện nay: Nêu và phân tích vấn đề, hướng dẫn sinh viên thảo luận, tổ chức cho sinh viên làm việc nhóm, kết hợp hình ảnh minh hoạ, phim tư liệu, đóng kịch, sử dụng giáo án điện tử….

- Về việc sử dụng các phương tiện giảng dạy:

Do đặc thù của phương pháp giảng dạy truyền thống và một phần do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường còn thiếu thốn nên các phương tiện hiện đại như : Máy tính, Projecter, cascette, ti vi chưa được trang bị và sử dụng hiệu quả. Những hình ảnh trực quan, sinh động của bài học ít khi được cung cấp tới sinh viên, hạn chế phần nào hiệu quả của bài học.

- Về việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo đào tạo tín chỉ cũng khác rất nhiều so với đào tạo niên chế. Nếu như đào tạo theo niên chế, đối với môn học sinh viên chỉ cần tích luỹ hai điểm hệ 10 (điểm giữa kỳ 30% và điểm cuối kỳ 70%). Vậy giảng viên chỉ cần đánh giá sinh viên qua hai bài kiểm tra hoặc tiểu luận hoặc thi vấn đáp. Theo đào tạo tín chỉ thì mỗi sinh viên có 03 đầu điểm: Điểm thường xuyên, điểm giữa kỳ, điểm cuối kỳ. Điểm số được tính theo hệ 10, sau đó quy ra điểm chữ (A,B,C,D,F), rồi lại quy đổi thành hệ 4. Quá trình đánh giá kết quả học tập của sinh viên đòi hỏi giảng viên phải theo dõi cả quá trình sinh viên tham gia học tập, từ ý thức, tính chuyên cần đến năng lực học tập, kết quả kiểm tra…

Tín chỉ là một công nghệ đào tạo hiện đại. Để triển khai tốt phương thức này ngoài việc giảng viên phải thay đổi phương thức giảng dạy, cần phải xây dựng hệ thống cố vấn học tập thay cho giáo viên chủ nhiệm vì cơ cấu lớp học không ổn định theo năm học. Cố vấn học tập có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn cho sinh viên đăng ký các lớp học thế nào cho hợp lý.

Một phần của tài liệu Sự thích ứng với hoạt động giảng dạy theo dào tạo tín chỉ của giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)