Khái quát về nông nghiệp nông thôn Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế “Định hướng và những giải pháp chủ yếu thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào phát triển nông nghiệp, nông thôn việt nam nghiên cứu tại vùng duyên hải miền trung đến năm 2020”, (Trang 64)

3.1.1.1.Thành tựu của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong những năm gần đây

Nông nghiệp và nông thôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, ở nước ta có trên 75% dân số sống ở nông thôn với 73% lực lượng lao động đang làm việc, sinh sống nhờ vào hoạt động sản xuất nông lâm ngư

nghiệp, sản phẩm nông nghiệp trong nước là nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho tiêu dùng, tạo nguyên liệu cho nền sản xuất công nghiệp, cung cấp trực tiếp và gián tiếp cho các ngành kinh tế khác phát triển, tạo sự ổn định, đảm bảo sự bền vững cho xã hội phát triển.

Sản xuất nông lâm ngư nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao: từ năm 2000 đến 2011, ngành nông - lâm - thủy sản đã đạt được tốc độ tăng tăng trưởng hàng năm tương đối cao, với giá trị sản xuất tăng bình quân đạt gần 5,36%/năm, giá trị gia tăng (GDP) tăng 3,7%/năm.

Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực: cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường, đặc biệt trong giai đoạn 2000 đến nay. Tỷ trọng nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản) trong tổng GDP cả nước giảm từ 24,5% năm 2000 xuống còn 22,02% năm 2011. Trong nội bộ ngành, đang có xu hướng tăng nhanh tỷ trọng thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt trong giá trị

sản xuất. Tỷ trọng tiểu thủy sản tăng từ 15,6% năm 2000 và 24,6% năm 2011. Trong khi đó, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ khoảng 78-82% giai đoạn trước năm 2002 xuống còn 72% năm 2011 (Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Báo cáo hàng năm, 2011).

Cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn có sự thay đổi nhanh theo hướng tích cực; giảm số lượng và tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm, thủy sản; tăng số lượng và tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. So với năm 2006, tỷ trọng hộ nông, lâm, thủy sản khu vực nông thôn giảm từ 71,1% xuống còn 62%; tỷ trọng hộ công nghiệp và xây dựng tăng từ 10,2% lên 14,7%; tỷ trọng hộ dịch vụ từ 14,9% lên 18,4% [42].

Đời sống vất chất, tinh thần của cư dân nông thôn được cải thiện: về cơ bản, Việt Nam đã xóa được đói. Công tác giảm nghèo được tập trung đẩy mạnh, hướng vào các đối tượng khó khăn vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 18,1% năm 2004 xuống còn 10,7% năm 2010, trung bình mỗi năm giảm 1,1%.

Thu nhập bình quân một nhân khẩu hộ nông thôn tăng từ 3,3 triệu

đồng/người năm 2002 lên 12,9 triệu đồng/người năm 2010 tính theo giá hiện hành. Từ năm 2001 đến năm 2011, tích lũy để dành của hộ nông thôn tăng lên gấp 5,3 lần, bình quân từ 3,2 triệu đồng/hộ lên 16,8 triệu đồng/hộ [43].

Kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn được tăng cường: Đầu tư thủy lợi đang hướng sang phục vụ đa mục tiêu. Trong 4 năm 2006-2010, tổng vốn đầu tư qua Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thủy lợi là 29,532,1 tỷ đồng (chiếm 80% tổng vốn thực hiện các dự án do Bộ quản lý). Giao thông nông thôn có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, từ năm 1999 đến nay đã làm mới được 24.167 km đường. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng khác như chợ, y tế, nước sạch cũng được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

3.1.1.2.Những vấn đề còn tồn tại trong phát triển nông nghiệp và nông thôn hiện nay

Nông nghiệp tăng trưởng kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Tăng trưởng GDP nông nghiệp có xu hướng giảm dần, trong giai đoạn 1995-2000 đạt 4%/năm, giảm xuống còn 3,83%/năm trong giai đoạn 2001-2005 và còn 3,4%/năm trong giai đoạn 2006-2011. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng có xu hướng giảm, từ chiếm 66,35% năm 2000 xuống 57,6% năm 2011 (theo giá thực tế) và từ 45,6% năm 2000 xuống 38,3% năm 2011 (theo giá cố định). Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp; kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến như kho tàng, sân phơi, bến bãi... còn kém phát triển. Công nghệ chế biến nông sản còn thủ công, quy mô nhỏ nên chất lượng nhiều loại nông sản còn thấp. Phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu, mẫu mã bao bì chưa hấp dẫn. Chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo. Hiện có quá nhiều doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản quy mô nhỏ, chưa được coi trọng áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng còn lớn. Ngoài ra, vấn đề dịch bệnh trong cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng toàn ngành và thu nhập của người nông dân.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm. Tỷ trọng thủy sản trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành tăng nhanh trong giai đoạn từ 2000 đến 2007 (đạt mức cao nhất là 26,5% năm 2007), nhưng bắt đầu từ năm 2008 lại có xu hướng giảm, chỉ còn 22% vào năm 2008 và 24,6% năm 2011.

Lao động nông nghiệp dư thừa tương đối ở các vùng nông thôn sâu, xa. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập phi nông nghiệp thấp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đô thị hóa và công nghiệp hóa, xu hướng chuyển dịch lao động từ nông thôn sang khu vực thành thị, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đang diễn ra, dẫn đến tình trạng thiết hụt lao động mang tính thời vụ ở nông thôn. Người lao động nông nghiệp hiện còn thiếu kiến thức khoa học công nghệ mới, kiến thức và kỹ năng quản lý đồng ruộng, quản lý trang trại và quản lý kinh tế còn hạn chế.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cấu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhiều nơi còn yếu kém. Nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, nhất là ở các vùng miền núi (đặc biệt là giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc).

Nông thôn chưa có chuyển biến rõ nét, đời sống một bộ phận nông dân chậm cải thiện. Tuy đời sống một bộ phận dân cư nông thôn được nâng cao, nhưng so với mặt bằng chung thì nông thôn vẫn nghèo và phát triển chậm, khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn; yêu cầu về việc làm ngày càng bức xúc. Mặc dù tỷ lệ người nghèo giảm nhanh và đáng kể trong thời gian qua nhưng tốc độ giảm số hộ nghèo của nông thôn thấp hơn so với thành thị khoảng 20%, vẫn còn một bộ phận người dân sống dưới hoặc cận kề mức nghèo đói.

Bộ máy tổ chức và quản lý ngành nông nghiệp và nông thôn còn yếu. Bộ máy quản lý nông nghiệp ở Trung ương và cấp tỉnh khá lớn nhưng ở cấp huyện và cấp xã thì mỏng, khó đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nông nghiệp các cấp còn hạn chế với 48,7% cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn, 55,5% chưa được đào tạo về quản lý hành chính nhà nước.

Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thấp. Từ năm 2000 - 2010, tỷ trọng chi tiêu công cho ngành nông nghiệp chỉ chiếm 5-6% tổng chi ngân sách nhà nước, rất thấp so với mức bình quân của các nước trong vùng (Hàn Quốc, Malaysia trong giai đoạn tương tự thường có mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực này trên 20%). Năm 2010, đầu tư cho nông nghiệp chiếm 6,9% tổng đầu tư từ ngân sách, tương đương với 11% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong khi nông nghiệp đóng góp 21% GDP thì đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp chỉ chiếm 2,9% GDP. Đầu tư từ ngân sách của Việt Nam cho nông nghiệp tương đương 1,4% tổng GDP, thấp hơn so với mức trung bình của Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan là 8-16% và của các nước Đông Nam Á khác là khoảng 8-9% trong giai đoạn 1990-1993 [34].

Diễn biến thời tiết, môi trường, dịch bệnh, thị trường phức tạp: trong thời gian gần dây, do diễn biến xấu của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và phát

triển không bền vững, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, hàng năm gây ra thiệt hại lớn về người và của cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Tần xuất thiên tai ngày càng dày, mức độ nghiêm trọng và quy mô ngày càng lớn. Ở nước ta trong các năm qua liên tục xuất hiện bão lớn, mưa to gây lũ lụt, lở đất, hạn hán, cháy rừng... Chẳng hạn trong năm 2011, thiên tai đã gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, 54 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng, hơn 330 nghìn ha lúa và hoa mầu bị hư hỏng. Trong 8 tháng đầu năm 2012, thiên tai cũng xẩy ra thường xuyên, làm ngập trên 100 nghìn ha lúa và hoa màu và gây nhiều thiệt hại về người và của. Trong tương lai, xu hướng nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục gây thiệt hại lớn cho Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế “Định hướng và những giải pháp chủ yếu thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào phát triển nông nghiệp, nông thôn việt nam nghiên cứu tại vùng duyên hải miền trung đến năm 2020”, (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(192 trang)
w