Phân loại ODA và các nhà tài trợ ODA

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế “Định hướng và những giải pháp chủ yếu thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào phát triển nông nghiệp, nông thôn việt nam nghiên cứu tại vùng duyên hải miền trung đến năm 2020”, (Trang 29)

ODA có thể được phân loại theo 6 tiêu chí sau: tính chất nguồn vốn, mục đích sử dụng, nguồn cung cấp, điều kiện ràng buộc, hình thức hỗ trợ và cơ chế quản lý.

2.1.2.1.Phân loại theo tính chất nguồn vốn

Theo tính chất nguồn vốn, ODA bao gồm 3 loại: Viện trợ không hoàn lại, Viện trợ có hoàn lại và Viện trợ hỗn hợp.

Viện trợ không hoàn lại: Là các khoản cho không, bên nhận không phải trả cho bên tài trợ. Bên nhận tài trợ phải thực hiện theo các chương trình, dự án đã được thỏa thuận trước giữa các bên. ODA không hoàn lại cũng là một nguồn thu của ngân sách nhà nước, được sử dụng trực tiếp cho chương trình, dự án đã ký kết nhắm phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Viện trợ có hoàn lại: là khoản cho vay ưu đãi (hay còn gọi là tín dụng ưu đãi), tức là cho vay với những điều kiện ưu đãi và rõ ràng hơn, khoản vay này có lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường, hoặc không lãi mà chịu phí dịch vụ, thời hạn vay và thời hạn trả nợ dài. Tín dụng ưu đãi chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn vay ODA trên thế giới, mục đích khoản vay giúp các nước đi vay bù đắp thâm hụt

ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội thông qua chương trình, dự án.

Viện trợ hỗn hợp: là các khoản vay vừa cho không, vừa cho vay (có thể vay ưu đãi, hoặc cho vay thông thường), thậm trí có dự án ODA kết hợp 3 loại hình gồm một phần ODA không hoàn lại, một phần vốn ưu đãi và một phần vốn tín dụng thương mại. Hiện nay, yếu tố không hoàn lại thường chiếm khoảng 20-25% trong các dự án ODA.

Cách phân loại theo tính chất nêu trên giúp các quốc gia nhận ODA nắm rõ được tình trạng nợ nần của mình trong từng thời kỳ, qua đó xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng từng nguồn cho phù hợp.

2.1.2.2.Phân loại theo mục đích sử dụng

Theo mục đích sử dụng, ODA được phân thành 8 loại: Hỗ trợ đầu tư phát triển, Hỗ trợ cán cân thanh toán, Hỗ trợ nhập khẩu, Hỗ trợ theo chương trình, Hỗ trợ theo dự án, Hỗ trợ kỹ thuật, Viện trợ nhân đạo và cứu trợ, và Viện trợ quân sự.

Hỗ trợ đầu tư phát triển: thường chiếm khoảng 50-60% tổng vốn ODA, được chính phủ các nước tiếp nhận trực tiếp tổ chức đầu tư, quản lý dự án và có trách nhiệm trả nợ phần vốn vay. Hỗ trợ đầu tư phát triển thường được dành để đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển bền vững (như tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường) và cho các dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp hoặc lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế. Đối với một số dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp hoặc lĩnh vực mũi nhọn khác, Chính phủ giao cho các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh, đầu tư, quản lý dự án và có trách nhiệm thu hồi vốn để trả nợ.

Hỗ trợ cán cân thanh toán (còn gọi là vốn tín dụng điều chỉnh cơ cấu tài chính): loại vốn này được cung cấp nhằm giúp chính phủ các nước thanh toán các khoản nợ đến hạn và các loại lãi suất được tính lãi từ những năm trước (cộng dồn). Trong một số trường hợp, đây là vốn tài trợ giúp các nước khắc phục khủng hoảng tài chính (như các khoản IMF cho Inđônêxia, Hàn Quốc, Thái Lan vay trong cuộc

khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997-1998), nguồn vốn này chủ yếu được lấy từ vốn ODA đa phương.

Hỗ trợ nhập khẩu (viện trợ hàng hóa): là khoản hỗ trợ bằng hàng hóa, Chính phủ các nước được tài trợ ODA tiếp nhận một lượng hàng hóa có giá trị tương đương với các khoản cam kết, mang bán cho thị trường nội địa và thu nội tệ cho ngân sách.

Hỗ trợ theo chương trình: là hỗ trợ theo khuôn khổ đạt được bằng Hiệp định với các nhà tài trợ nhằm cung cấp một lượng ODA trong một khoảng thời gian mà không phải xác định trước một cách chính xác nó sẽ được sử dụng như thế nào, đây là loại ODA trong đó các bên lồng ghép một hay nhiều mục tiêu với tập hợp nhiều dự án. Loại hỗ trợ này được ADB và WB áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn để tăng hiệu quả sử dụng nguồn ODA và tránh sự chồng chéo.

Hỗ trợ theo dự án: là khoản hỗ trợ mà để nhận được nó thì trước đó các nước phải chuẩn bị chi tiết dự án. Hỗ trợ theo dự án thường chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn ODA và chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, nước sạch, giáo dục, y tế và môi trường. Hỗ trợ theo dự án cũng thường là những khoản vay ưu đãi.

Hỗ trợ kỹ thuật: là các khoản vốn tài trợ để đào tạo chuyên gia, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý, thực hiện cải cách thể chế và cơ cấu kinh tế. Mục đích của viện trợ kỹ thuật là giúp các cơ quan quản lý nhà nước của các nước nhận vốn nâng cao năng lực quản lý của mình, bao gồm cả năng lực sử dụng viện trợ tài chính. Về mặt kinh tế, loại hỗ trợ này không có đầy đủ các yếu tố của hoạt động đầu tư và do vậy thường là các khoản viện trợ không hoàn lại và thường chiếm khoảng 20-30% tổng vốn ODA.

Viện trợ nhân đạo và cứu trợ: Loại hỗ trợ này được sử dụng cho các mục đích cứu trợ đột xuất, cứu đói, khắc phục thiên tai hoặc chiến tranh và thường chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn ODA.

Viện trợ quân sự: chủ yếu là các khoản viện trợ song phương cho các nước đồng minh trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Mỹ và Liên Xô cũ là hai nước trước đây viện trợ quân sự nhiều nhất, từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, viện trợ quân sự giảm mạnh.

2.1.2.3.Phân loại theo nguồn cung cấp

Phân loại theo nguồn cung cấp, ODA có hai loại là Viện trợ song phương và Viện trợ đa phương:

Viện trợ song phương: là hỗ trợ phát triển chính thức của nước phát triển dành cho nước đang và kém phát triển thông qua Hiệp định được ký kết giữa hai Chính phủ. Trong tổng số ODA lưu chuyển trên thế giới, phần viện trợ song phương chiếm tỷ trọng lớn, cao hơn rất nhiều so với viện trợ đa phương.

Viện trợ đa phương: là viện trợ chính thức của một tổ chức quốc tế (chẳng hạn như IMF, WB) hay tổ chức khu vực (chẳng hạn như ADB, EU), hoặc của một Chính phủ của một nước dành cho Chính phủ nước khác nhưng được thực hiện thông qua tổ chức đa phương (chẳng hạn như UNDP, UNICEF). Các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp viện trợ đa phương chủ yếu là IMF, WB và ADB.

2.1.2.4.Phân loại theo điều kiện ràng buộc

Theo cách phân loại này, ODA bao gồm có ODA không ràng buộc và ODA ràng buộc.

ODA không ràng buộc: là khoản ODA mà nước tiếp nhận sẽ được sử dụng mà không bị ràng buộc bởi nguồn sử dụng hay mục đích sử dụng.

ODA ràng buộc: là khoản ODA mà trong quá trình sử dụng, nước nhận ODA bị ràng buộc bởi nguồn sử dụng hay mục đích sử dụng. Ràng buộc bởi nguồn sử dụng có nghĩa là khi dùng ODA để mua sắm hàng hóa hay thiết bị, dịch vụ, thì việc mua sắm đó chỉ được giới hạn mua từ một số công ty nhất định của nước tài trợ (đối với viện trợ song phương) hoặc công ty của các nước thành viên (đối với viện trợ đa phương). Ràng buộc bởi mục đích sử dụng có nghĩa là nước nhận ODA chỉ được sử dụng ODA vào một số lĩnh vực nhất định, hoặc một số dự án cụ thể.

2.1.2.5. Phân loại theo hình thức hỗ trợ

Theo cách phân loại này, Hỗ trợ ODA bao gồm có Hỗ trợ dự án và Hỗ trợ phi dự án.

Hỗ trợ dự án: Là các khoản ODA cho các dự án cụ thể. Loại hỗ trợ này có thể là hỗ trợ cơ bản hoặc hỗ trợ kỹ thuật, có thể là hỗ trợ cho không hoặc cho vay ưu đãi. Hỗ trợ ODA theo dự án là hình thức chủ yếu của ODA.

Hỗ trợ phi dự án: bao gồm có các khoản: (i) Hỗ trợ cán cân thanh toán, có thể là hỗ trợ tài chính trực tiếp (chuyển giao tiền tệ) hoặc hỗ trợ hàng hóa, hỗ trợ nhập khẩu, và các khoản này ngoại tệ hoặc hàng hóa này được sử dụng để bổ sung cho ngân sách của nước nhận tài trợ; (ii) Hỗ trợ trả nợ, là khoản để giúp các nước đang phát triển có số nợ lớn nhưng khả năng trả nợ kém thực hiện việc trả bớt một phần nợ để có thể tiếp tục được vay thêm hoặc giảm bớt gánh nặng nợ nần, giảm sức ép đối với nền kinh tế; và (iii) Viện trợ chương trình, là khoản ODA dành cho một mục đích lớn, trong một thời gian nhất định mà không phải xác định một cách chính xác nó sẽ được sử dụng như thế nào.

2.1.2.6. Phân loại theo cơ chế quản lý

Theo tiêu chí này, ODA được chia thành ODA do quốc gia điều hành, ODA do nhà tài trợ quản lý toàn bộ và ODA theo cơ chế đồng tài trợ.

ODA do quốc gia điều hành: là loại ODA mà nước tiếp nhận vốn được trực tiếp điều hành việc thực hiện dự án trên cơ sở văn kiện dự án đã được ký kết, hay được thỏa thuận bằng những hiệp định, văn bản thỏa thuận riêng. Nhà tài trợ không can thiệp sâu vào công việc điều hành cũng như cơ chế quản lý tài chính - kế toán của bên nhận tài trợ liên quan đến dự án được tài trợ. Tuy nhiên, nhà tài trợ thực hiện việc kiểm tra giám sát thông qua các đoàn làm việc theo định kỳ hoặc thông qua một tổ chức tư vấn quốc tế. Loại này thường là ODA vay (cả song phương và đa phương) và ODA không hoàn lại của các tổ chức quốc tế dành cho đầu tư và xây dựng cơ bản.

ODA do nhà tài trợ quản lý toàn bộ: là loại ODA Nhà tài trợ quản lý toàn bộ nguồn kinh phí dự án mà họ tài trợ. Tất cả các khoản chi tiêu cho dự án đều do nhà tài trợ quyết định. Trách nhiệm cụ thể của mỗi bên trong việc thực hiện và quản lý tài chính dự án được qui định trong văn kiện dự án. Thông thường nhà tài trợ trực tiếp thanh toán các khoản phát sinh liên quan đến dự án tài trợ tại nước tài trợ

(lương chuyên gia, thiết bị, chi phí đi lại), trường hợp đặc biệt thì họ mở tài khoản tại ngân hàng thương mại của nước nhận tài trợ nhưng Chủ tài khoản là người đại diện của bên tài trợ. Dạng này chủ yếu là ODA không hoàn lại song phương, tài trợ cho các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực thể chế sử dụng chuyên gia nước ngoài.

ODA theo cơ chế đồng tài trợ: Đây là loại ODA đồng giám đốc, một đại diện cho bên tài trợ, một đại diện cho bên nhận tài trợ. Với loại dự án này thông thường mọi hoạt động của dự án được quản lý và xử lý theo một cơ chế thống nhất và được đồng thuận của đại diện cả hai bên. Thuộc loại này gồm các dự án hỗ trợ tổng hợp (vừa có chuyên gia, vừa trang bị kỹ thuật, vừa đào tạo tập huấn, chuyển giao công nghệ) do một số nước tài trợ như Đan Mạch, EU và các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc.

Việc phân loại ODA theo những tiêu thức khác nhau nêu trên giúp cho chúng ta hiểu rõ một cách tổng thể các dự án ODA để có phương thức vận động, thu hút để tranh thủ được nhiều nguồn vốn ODA cũng như hiểu được mục đích, tính chất nguồn vốn, nguồn cung cấp, điều kiện ràng buộc, cơ chế điều hành của từng dự án để có cách thức quản lý phù hợp.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế “Định hướng và những giải pháp chủ yếu thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào phát triển nông nghiệp, nông thôn việt nam nghiên cứu tại vùng duyên hải miền trung đến năm 2020”, (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(192 trang)
w