7. Kết cấu luận văn
2.1.2. Quá trình hình thành và phát triển Khu kinh tế Dung Quất
Khu kinh tế Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi được Chính phủ Việt Nam quy hoạch là Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc hóa dầu - hoá chất; các ngành công nghiệp có quy mô lớn; gắn với việc phát triển và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai và đô thị Vạn Tường, Dốc Sỏi.
Dung Quất là một trong những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng khu vực Miền Trung-Tây nguyên.Với tính chất này, Dung Quất là điểm động lực trong chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung.
Khu kinh tế Dung Quất phát triển là cơ hội lớn để Quảng Ngãi gia tăng tốc độ phát triển kinh tế-xã hội từ sự ưu ái của cả nước dành cho các tỉnh miền Trung trong chiến lược phát triển cân đối các vùng lãnh thổ.
2.1.2.1. Quá trình hình thành
Qua quá trình điều tra khảo sát để xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn, ngày 09/11/1994 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 658/TTg về việc chọn địa điểm Nhà máy lọc dầu tại Dung Quất và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ngày 11/4/1996, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 207/TTg về việc “Phê duyệt quy hoạch chung khu công nghiệp Dung Quất”. Quyết định nêu rõ KCN Dung Quất là KCN lọc hoá dầu đầu tiên của cả nước, tập trung nhiều ngành công nghiệp có quy mô lớn, gắn liền với cảng biển nước sâu Dung Quất và sân bay Quốc tế Chu Lai, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng.
Ngày 5-12-1997, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 10 đã thông qua Nghị quyết số 07/1997/QH10 về dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất là công trình quan trọng Quốc gia.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập KKTDQ (Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005 và Quyết định số 72/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005) tình hình thu hút đầu tư vào Dung Quất có những chuyển biến mạnh mẽ, nhiều dự án có qui mô lớn đã và đang đăng ký đầu tư vào KKTDQ, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến, dịch vụ...
Ngày 16-8-2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1056/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, quyết định thúc đẩy tiến trình phát triển của Khu kinh tế Dung Quất.
2.1.2.2. Quá trình đầu tư và phát triển Khu kinh tế Dung Quất
Giai đoạn đầu từ khi thành lập (1996) đến năm 2000, Khu công nghiệp Dung Quất (nay là Khu kinh tế Dung Quất) được tập trung chủ yếu vào việc tiến hành quy hoạch chi tiết các khu chức năng, tổ chức bồi thường - giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật; với mục tiêu là nhằm bảo đảm phục vụ cho yêu cầu thi công và chuẩn bị vận hành Nhà máy lọc dầu - được xem như là trái tim của Khu công nghiệp Dung Quất và có tính chất quyết định sự hình thành tại Dung Quất một Khu công nghiệp lọc-hoá dầu đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 2001, trong điều kiện dự án Nhà máy lọc dầu triển khai chậm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Ban quản lý Khu công nghiệp Dung Quất đã chủ trương chuyển hướng mạnh sang vận động thu hút các dự án đầu tư có qui mô vừa và nhỏ; trọng tâm là các doanh nghiệp từ phía Nam. Một Phân khu công nghiệp ở phía Tây Sông Trà Bồng đã được hình thành với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ theo từng giai đoạn. Bước đầu, Phân khu công nghiệp này đã tạo được sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Đến năm 2005, tại Khu công nghiệp Dung Quất đã cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng khung, bước đầu đáp ứng nhu cầu triển khai dự án đầu tư của các doanh nghiệp; bao gồm giao thông đường bộ, đường hàng không và đường biển, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, thông tin liên lạc, đào tạo nghề, bệnh viện, truyền hình, nhà ở công nhân, một số công trình dịch vụ và tiện ích khác; với tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế Dung Quất giai đoạn này ước đạt khoảng 1.500 tỷ đồng Việt Nam; tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 1996 - 2000.
Từ năm 2005,sau khi có quyết định thành lập Khu kinh tế Dung Quất (Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11/03/2005 và Quyết định số 72/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005); sân bay Chu Lai chính thức đi vào hoạt động, các gói thầu chính của Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất được triển khai, tình hình đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Từ khi mô hình Khu kinh tế Dung Quất được xác lập, cùng với việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất ký kết các gói thầu và khẩn trương triển khai để đảm bảo hoàn thành trong năm 2008 và đi vào hoạt động vào năm 2009 theo Nghị quyết của Quốc hội, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm và liên tục đến đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất.
Do tác động quan trọng của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, đến nay tại Khu kinh tế Dung Quất đã có khoảng 169 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn trên 10 tỷ USD; trong đó, các dự án đang triển khai thực hiện đầu tư lên 5,3 tỷ USD. Trong đó có các dự án quy mô lớn và quan trọng như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất 2,5 tỷ USD; Liên hiệp công nghiệp tàu thủy: 700 triệu USD; Nhà máy luyện thép Tycoons: khoảng 03 tỷ USD (đang tiến hành xây dựng); Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan: 260 triệu USD (xây dựng hoàn thành vào giữa năm 2009); Nhà máy Polypropylene trên 230 triệu USD (khởi công xây dựng tháng 12-2007 và sẽ hoàn thành đi vào hoạt động giữa năm 2010); Nhà máy Ethanol liên doanh với Nhật Bản vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD ....Đặc biệt, dòng các Nhà đầu tư Hàn Quốc đến Khu kinh tế Dung Quất đăng ký đầu tư rất mạnh: Từ đầu 2007 đến nay, đã có 09 doanh nghiệp Hàn Quốc đăng ký đầu tư vào lĩnh vực chế tạo thiết bị với công nghệ hiện đại, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Riêng Nhà máy Nhiệt điện bằng than sạch khoảng 2.400 MW của tập đoàn Cổ phần đầu tư Sài Gòn liên doanh với một tập đoàn Hoa Kỳ đăng ký khoảng 2,4 tỷ USD (xây dựng
dự án tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào sơ đồ lưới điện).
Đến nay, tại Khu kinh tế Dung Quất có khoảng 40 dự án đi vào sản xuất-kinh doanh (xemPhụ lục 4) , giá trị sản lượng công nghiệp đạt khoảng 600 tỷ đồng, giá trị dịch vụ đạt 80 tỷ đồng, hàng hóa qua Cảng Dung Quất đạt gần 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 triệu USD, thu Ngân sách trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất ước đạt 600 tỷ đồng. Nhìn chung, các chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu đều trên 50% so với năm 2006.
Trong thời gian qua Ban Quản lý KKTDQ đã tập trung công tác quy hoạch và thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng; tiếp tục đầu tư và cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và dịch vụ tiện ích; tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất. Đã hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu chức năng bao gồm: Khu công nghiệp phía Đông, phía Tây; hệ thống cảng Dung Quất: bao gồm cảng chuyên dùng cho dầu khí, đóng tàu, luyện thép; cảng tổng hợp container; cảng thương mại gắn với khu bảo thuế và các dịch vụ hậu cần cảng...; Khu đô thị Vạn Tường, Khu du lịch sinh thái biển; quy hoạch tổng thể môi trường và quy hoạch tổ chức bố trí dân cư trong Khu kinh tế Dung Quất; đang điều chỉnh một số quy hoạch khu chức năng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Khu kinh tế Dung Quất có đặc điểm là được qui hoạch theo nguyên tắc “khu trong khu” tức là khu dân cư đang xen khu công nghiệp.
Đến nay, đã hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, bao gồm: hệ thống giao thông trục chính; các tuyến điện 220KV, 110KV, 22KV, các trạm biến áp tương ứng và đường dây 500KV từ Pleiku về Dung Quất; cung cấp nước giai đoạn 1 công suất 15.000 m3/ngày đêm; hệ thống thông tin liên lạc viễn thông và tổng đài điện tử HOST với 8.632 số từ nguồn vốn ODA.
Đã xây dựng hoàn thành Trường đào tạo nghề Dung Quất với quy mô 2.000 học sinh/năm, Trung tâm Quan trắc Giám sát môi trường; Bệnh viện Dung Quất và Đài thu phát lại Truyền hình, xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Văn hoá – Thể thao khoảng 2.000 chỗ ngồi; các khu tái định cư, Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp để dịch vụ hỗ trợ giống và kỹ thuật cho các hộ dân hậu tái định cư.
- Bến cảng số 1 chuyên dùng dầu khí đã hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2003, đáp ứng cho tàu có trọng tải trên 2 vạn tấn. Lượng hàng qua cảng Dung Quất năm sau tăng hơn năm trước. Đây là Cảng có tăng trưởng cao nhất hiện nay. Hoạt động Cảng Dung Quất đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương và tạo môi trường cho các nhà đầu tư đến Khu kinh tế Dung Quất.
Tóm lại, đến nay tình hình đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất tiếp tục phát triển với những kết quả tích cực và sôi động. Các nhà đầu tư đã có nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nhà xưởng, lắp ráp thiết bị, sớm đưa vào hoạt động; tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng được đẩy nhanh; công tác đào tạo nghề ngày càng đi vào nề nếp nhằm cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các nhà đầu tư trong Khu Kinh tế Dung Quất và khu vực. Đặc biệt là công tác xúc tiến đầu tư đã có nhiều dự án quy mô lớn của nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đến khảo sát và đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghiệp nặng, hoá dầu- hoá chất, nhiệt điện, thương mại, dịch vụ tại KKT Dung Quất. Đến nay, tại KKTDQ có khoảng 40 dự án hoàn thành và đưa vào sản xuất – kinh doanh, giá trị công nghiệp đạt khoảng 600 tỉ đồng. Hiện tại, diện tích KKTDQ hầu như được lấp đầy các dự án theo quy hoạch (1.300 ha), có 169 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn lên trên 10 tỷ USD.