ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG DÂN TỘC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
2.2.3. Xoá đói giảm nghèo ở vùng núi và vùng dân tộc thiểu số
Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm giải quyết vấn đề xã hội đang bức xúc hiện nay, đó là tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, sự chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa với đồng bằng, đô thị. Đồng thời xóa đói giảm nghèo là sự nghiệp cách mạng xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, là một chiến lược tổng thể lâu dài, một quyết sách đúng đắn và một chương trình hành động quan trọng.
Vì vậy, việc giải quyết nó không chỉ là quan tâm đến nhu cầu ăn, mặc, ở của người nghèo mà phải phấn đấu toàn diện hơn, phải đảm bảo đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu cơ bản về y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thông tin, đi lại, giao tiếp. Đồng thời quan tâm đến vị thế xã hội của người nghèo, tiếng nói của họ trong việc hoạch định chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, sự tham gia quyết định những vấn đề có liên quan đến người nghèo và công đồng dân cư nghèo.
Xóa đói giảm nghèo cần phải đảm bảo tính bền vững, chống tái nghèo kể cả khi có rủi ro hay xảy ra thiên tai, biến động giá cả trên phạm vi rộng. Yêu cầu đó đòi hỏi việc bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ phải được thực hiện thường xuyên, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế và phi chính phủ.
Phải luôn luôn ưu tiên hàng đầu, tập trung mọi nguồn lực làm chuyển biến rõ rệt tình trạng nghèo đói vùng trọng điểm, các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo để cải thiện đời sống dân cư.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa IX) đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đông bảo dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; trong những năm trước mắt tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, không đủ tư liệu sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu; xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” [12,37].
Xóa đói giảm nghèo mang tính toàn cầu, đặc biệt với các nước đang phát triển, trong đó có Việt nam, nó càng trở thành vấn đề bức xúc, thách thức gay gắt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay.