Nguyên nhân

Một phần của tài liệu Nhân tố con người trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam hiện nay (Trang 91)

Qua tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, chúng ta ngày càng thấy rõ hơn một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế trong việc bồi dưỡng phát huy nhân tố con người trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong một tài liệu tham gia hội thảo, tiến sĩ Đinh Quang Ty cho rằng hạn chế đó chủ yếu do những nguyên nhân sau đây:

+ Về tư duy, nhận thức: chúng ta chưa thực sự coi nhân tố con người

là nguồn lực trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Từ ngày thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, con người được coi là đối tượng, mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nhận thức này vẫn chưa thật sự thấm sâu và được quán triệt đầy đủ ở mọi cấp Đảng và Chính quyền. Trong nội bộ nhân dân chưa nhận thức đầy đủ vấn đề cấp bách và quan trọng này. Nhiều khi chúng ta chỉ xem đó là chính sách xã hội, mang tính nhân đạo đơn thuần. Hơn nữa, một đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu kém phát triển, chúng ta còn thiếu nhiều thứ trong khi lại phải nhanh chóng tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế đối với các nước. Do vậy, cái thiếu của chúng ta lúc này là vốn, vật tư, kỹ thuật vẫn

93

được coi trọng hơn vốn con người. Lối tư duy nông nghiệp “con trâu đi trước, cái cày theo sau” vẫn còn đeo đẳng với người dân Việt Nam. Việc đặt nhân tố con người Việt Nam vào vị trí trung tâm, là nguồn vốn của mọi nguồn vốn, là nhân tố quyết định của mọi thắng lợi vẫn còn mang tính định hướng chứ chưa thể hiện rõ trong hành động cụ thể.

+ Một số vấn đề văn hoá - xã hội bức xúc và gay gắt chậm được giải quyết hạn chế việc phát huy nhân tố con người.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn ở mức cao, đang là một trong những vấn đề nổi cộm nhất của xã hội. Chất lượng giáo dục và đào tạo thấp so với yêu cầu. Mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, sách giáo khoa, thi cử, cơ cấu đào tạo, trình độ quản lý chưa đáp ứng với yêu cầu; trong giáo dục và đào tạo vẫn có những hiện tượng tiêu cực đáng lo ngại. Đào tạo chưa gắn với sử dụng, gây lãng phí. Chi phí học tập cao so với khả năng thu nhập của dân, nhất là của người nghèo. Giáo dục và đào tạo ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Các hoạt động khoa học và công nghệ chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Môi trường đô thị, nơi công nghiệp tập trung và một số vùng nông thôn bị ô nhiễm ngày càng nặng. Việc khám và chữa bệnh cho nhân dân, nhất là cho đồng bào nghèo, còn phiền hà và tiêu cực. Cơ sở vật chất của ngành y tế còn thiếu thốn và lạc hậu, nhất là ở tuyến huyện và xã. Một số giá trị văn hoá và đạo đức xã hội suy giảm đã ảnh hưởng đến chất lượng người và điều kiện để phát huy nhân tố con người.

+ Trong quản lý và sử dụng người lao động, chúng ta chưa xây dựng được một cơ chế hợp lý về sự kết hợp các loại lợi ích trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo ra động lực thúc đẩy hơn nữa tính tích cực của nhân tố con người.

Trong cơ chế quan liêu bao cấp, phân phối phổ biến theo kiểu cào bằng dẫn đến chủ nghĩa bình quân. Mọi thành viên làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước đều được trả lương, song lương đó không hoàn toàn phụ

94

thuộc vào công việc, vào sức lao động, chủ yếu phụ thuộc vào thâm niên công tác. Trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường, dưới tác động của quy luật kinh tế, chủ nghĩa bình quân được khắc phục. Bởi lẽ, bản chất của phân phối trong cơ chế thị trường là hiệu quả lao động chứ không phải cào bằng. Như vậy, về mặt khách quan, cơ chế thị trường thực hiện chức năng điều tiết, không cho phép chủ nghĩa bình quân tồn tại. Song, sự bất cập về quản lý trong cơ chế thị trường đã dẫn đến những hạn chế mới. Do chính sách chưa nhất quán, luật pháp chưa đầy đủ và đồng bộ nên đã tạo ra những kẽ hở để một bộ phận người lao động và các doanh nghiệp lợi dụng làm ăn tạo ra thu nhập bất chính. Tình trạng trốn thuế, lậu thuế, khai thác lợi thế các ngành, các khu vực để tạo nên thu nhập chênh lệch ... Điều đó làm cho phân hoá giàu - nghèo trong cơ chế thị trường càng trở nên gay gắt. Nguyên tắc phân phối theo lao động, theo cống hiến trong cơ chế thị trường bị bóp méo. Dẫn đến hệ quả của việc tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích tập thể, lợi ích xã hội. Vì thế, hiện tượng mặc sức làm giàu, thu lợi cho cá nhân, để cho nhà nước thất thu còn phổ biến. Phẩm chất, tư cách, đạo đức của một bộ phận nhân dân nói chung, một bộ phận cán bộ nói riêng sa sút nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát huy nhân tố con người.

Lợi ích là động lực cơ bản, tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động của con người. Có nhiều loại lợi ích cùng tác động đến hoạt động của con người trong một thời điểm lịch sử cụ thể. Nếu biết kết hợp một cách đúng đắn các loại lợi ích sẽ thúc đẩy được hoạt động tích cực sáng tạo của mọi loại lao động, tạo ra động lực lớn cho sự phát triển của xã hội.

+ Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, vẫn chưa được đẩy lùi triệt để đã kìm hãm tính tích cực của nhân tố con người Việt Nam.

Cùng với quá trình chuyển sang cơ chế thị trường, do công cụ quản lý của chúng ta còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện, do sự yếu kém của chúng ta trong việc quản lý nền kinh tế thị trường ... mà bệnh tham nhũng trong bộ

95

máy quản lý nhà nước ngày càng gia tăng và trở thành quốc nạn. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta. Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội.

+ Môi trường sinh thái đang bị huỷ hoại, nhiều mặt xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến nhân tố con người.

Việc bảo vệ môi trường sinh thái không đồng nhất với phát triển bền vững mà chỉ là một phần của chính sách phát triển bền vững. Chúng ta sẽ không thể đạt được sự bền vững nếu không bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Bảo vệ môi trường sinh thái không chỉ là vấn đề mang tính xã hội, mà còn góp phần bảo đảm sức tăng trưởng kinh tế của các nước thông qua việc bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực và nguồn tài nguyên.

+ Người lao động Việt Nam vẫn còn thiếu những điều kiện cơ bản

cho việc phát huy những năng lực sáng tạo của mình [101].

Tình trạng thiếu vốn đầu tư, thiếu vật liệu trong sản xuất còn phổ biến, cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ lạc hậu, các phương tiện lao động còn thô sơ, mang tính chất thủ công. Kinh tế hộ nông dân chưa thực sự tự chủ, quá trình thực hiện còn nhiều cơ chế ràng buộc. Dưới nhiều hình thức, hộ nông dân còn phải nộp nhiều khoản chưa hợp lý. Vấn đề đất đai còn phức tạp, việc giao quyền sử dụng đất lâu dài thực hiện chưa tốt ở nhiều địa phương. Đất đai được chia manh mún ảnh hưởng đến sản xuất hàng hoá và sử dụng khoa học kỹ thuật.

Các dịch vụ phục vụ kinh tế hộ còn nhiều hạn chế, đầu ra sản phẩm chủ yếu do hộ nông dân tự lo, các dịch vụ về tín dụng, về thông tin thị trường, về chuyển giao công nghệ chưa được nhà nước quan tâm.

Những hạn chế trên đã ảnh hưởng tiêu cực tới thái độ lao động, tới quá trình phát triển kinh tế xã hội và lối sống, tác phong làm việc của người

96

lao động Việt Nam; hơn nữa, làm cho người lao động thiếu những điều kiện cơ bản để phát triển sản xuất, thiếu cơ sở vật chất cho việc phát huy tính năng động sáng tạo của nhân tố con người.

Một phần của tài liệu Nhân tố con người trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam hiện nay (Trang 91)