nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam hiện nay
Con người vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể để tạo dựng và phát triển xã hội. Chính vì vậy, Đảng ta luôn xác định con người Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, Đảng ta luôn khẳng định: "lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững" [107, tr.85]. Trong văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ IX, Đảng ta lại
47
tiếp tục khẳng định: "tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người" [112, tr.90]. Điều đó cho thấy, tư tưởng, quan điểm của Đảng ta về vai trò của nhân tố con người là nhất quán. Việc bồi dưỡng và phát triển nhân tố con người là yêu cầu khách quan, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta đang đặt ra cho con người Việt Nam nói chung và người lao động Việt Nam nói riêng những yêu cầu mới:
- Phải có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức và lối sống lành mạnh.
Chúng ta thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đi lên chủ nghĩa xã hội chứ không phải lên chủ nghĩa tư bản. Chính định hướng chính trị đó đòi hỏi nhân tố con người phải có phẩm chất chính trị thích hợp. Ngoài nhân tố sức khoẻ, kỹ năng lao động,...còn rất cần sự kiên định lập trường chính trị, kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn; có đủ bản lĩnh đấu tranh khắc phục ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng sai trái; làm thất bại âm mưu "diễn biến hoà bình" của chủ nghĩa đế quốc; định hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào việc giải phóng con người, vì sự phát triển tiến bộ của nhân dân, của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Nói cách khác, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trước hết đòi hỏi phải có lực lượng lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Đảng ta đã xác định, nước ta tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá có cả "thuận lợi và khó khăn, thời cơ và nguy cơ đan xen nhau. Chúng ta phải chủ động nắm thời cơ, vươn lên phát triển nhanh và vững chắc, tạo ra thế và lực mới; đồng thời luôn luôn tỉnh táo, kiên quyết đẩy lùi
48
và khắc phục các nguy cơ, kể cả những nguy cơ mới nảy sinh, bảo đảm phát triển đúng hướng" [107, tr.79, 80].
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã nhận định về xu hướng phát triển của tình hình thế giới trong thế kỷ XXI: "Thế kỷ XXI sẽ tiếp tục có nhiều biến đổi. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế khách quan... chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh..." [112, tr.64, 66]. Chính vì vậy, người lao động Việt Nam phải có phẩm chất chính trị vững vàng; đạo đức, tư cách tốt; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có lối sống lành mạnh, phấn đấu vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
Để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, Đảng ta cho rằng phải "tranh thủ mọi thời cơ để phát triển trên nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ quyền quốc gia và bản sắc văn hoá dân tộc; bình đẳng cùng có lợi, vừa hợp tác vừa đấu tranh; đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ kinh tế đối ngoại; đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của kẻ địch" [112, tr.167]. Độc lập tự chủ về đường lối, chính sách, không bị lệ thuộc vào bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài vì đây là vấn đề có tính nguyên tắc.
Cùng với việc đẩy lùi những tiêu cực đang xâm nhập vào đời sống của con người lao động, phải không ngừng giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống đã được hình thành và phát triển trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc và những thành tựu văn hoá, văn minh cho người lao động.
Người lao động cần phải có niềm tin vững chắc và quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ lịch sử trọng đại là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đưa đất nước ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu bằng ý chí quật cường, tài năng, trí
49
tuệ của người lao động Việt Nam và bằng khoa học - công nghệ. Chúng ta cần tạo lập cho người lao động Việt Nam niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tiếp tục phát triển tinh thần đó trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, chỉ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức tốt và lối sống lành mạnh là hoàn toàn chưa đủ. Có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng mà thiếu tri thức, kiến thức khoa học sẽ không làm được điều gì có ích cho sự nghiệp cách mạng. Bởi vì, có đức mà không có tài cũng trở thành vô dụng. C.Mác đã viết: "tất cả cái gì thúc đẩy con người hành động đều tất nhiên phải thông qua đầu óc họ", tức phải thông qua trí tuệ của con người. Như vậy, một khi người lao động có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, còn phải có trí tuệ cao để không ngừng nâng cao năng lực hoạt động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
- Người lao động Việt Nam phải có trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp cao và tư duy mới. C.Mác từng chỉ ra rằng: Năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào "trình độ khéo léo trung bình của người công nhân, mức độ phát triển của khoa học và trình độ áp dụng của khoa học vào quy trình công nghệ, sự kết hợp xã hội của quá trình sản xuất, quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất và các điều kiện thiên nhiên" [59, tr.69].
Như vậy, theo Mác, trong các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao động, nhân tố con người lao động được đặt lên hàng đầu; các nhân tố sau đó đều gián tiếp phản ánh vai trò của con người. Trình độ người lao động càng cao, sự áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ càng rộng, tổ chức quản lý càng tốt ... thì năng suất lao động sẽ cao.
Một nền kinh tế muốn đạt tốc độ tăng trưởng cao, cần có đội ngũ lao động được đào tạo có chất lượng tốt với số lượng và cơ cấu hợp lý. Hiện nay, khi nhiều nước đang tiến dần vào nền kinh tế tri thức thì nhân tố lao động trí tuệ, khoa học - công nghệ trở thành đặc trưng cơ bản của nền kinh tế này.
50
Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi người lao động phải có khả năng biến tri thức thành kỹ năng lao động nghề nghiệp, nghĩa là, phải có kỹ năng lao động giỏi thể hiện qua trình độ tay nghề, mức độ thành thạo chuyên môn nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn hóa cao nhằm đạt được năng suất lao động xã hội tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.
Ngày nay, tiềm năng kinh tế của một đất nước phụ thuộc vào trình độ khoa học và công nghệ của đất nước đó. Đến lượt mình, trình độ khoa học và công nghệ lại phụ thuộc vào các điều kiện của giáo dục. Đã có nhiều bài học thất bại khi một nước sử dụng công nghệ ngoại nhập tiên tiến trong khi tiềm lực khoa học, công nghệ trong nước còn non yếu. Sự yếu kém thể hiện ở chỗ thiếu các chuyên gia giỏi về khoa học - công nghệ và quản lý, thiếu đội ngũ kỹ thuật viên và công nhân lành nghề và do đó không thể ứng dụng được các công nghệ mới.
Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi người lao động Việt Nam phải có hàm lượng trí tuệ cao. Trí tuệ của con người ngày càng phát triển và có tác động mạnh mẽ nhất đối với sự tiến bộ và phát triển xã hội. Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng ta đã nhấn mạnh: "người lao động có trí tuệ cao, có tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng và phát huy bởi một nền giáo dục tiên tiến gắn liền với một nền khoa học, công nghệ hiện đại" [108, tr.9]. Để nâng cao hàm lượng tri thức trong đội ngũ người lao động, thì các biện pháp về giáo dục và đào tạo đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trong thời đại khoa học - công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, người lao động cần phải có tư duy mới, tư duy sáng tạo. Tư duy mới mà người lao động cần có chính là tư duy dựa trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và phương pháp tư duy biện chứng duy vật. Chỉ khi đó, tư duy của họ mới đạt đến trình độ tư duy biện chứng. Tư duy biện chứng duy vật giúp cho người lao động giải quyết tốt những vấn đề do thực tiễn đặt ra mà còn tạo ra tri thức mới. Nhờ có tư duy biện chứng mà chủ thể nhận thức không ngừng
51
đi sâu vào sự vật, hiện tượng để tìm ra bản chất của sự vật, hiện tượng đó. Vì vậy, nó đã trở thành công cụ chỉ đạo hoạt động cải tạo hiện thực có hiệu quả nhất. Do đó, người lao động mới cần phải bồi dưỡng, trang bị cho mình tư duy mới - tư duy biện chứng. Nhưng, tư duy biện chứng không phải tự nhiên người lao động có được mà phải qua đào tạo. Điều đó càng khẳng định vai trò của giáo dục - đào tạo là hết sức quan trọng.
- Người lao động Việt Nam phải có thể lực tốt và khả năng thích nghi nhanh.
Sự tồn tại của con người cũng như mọi động vật khác là nhờ khả năng thích nghi với môi trường thiên nhiên vốn không ngừng thay đổi và năng lực cải tạo môi trường đó vì sự tồn tại của chính mình. Con người có sự khác biệt một cách cơ bản với các loài động vật khác là nhờ lao động và có tri thức. Nhờ có lao động và tri thức mà con người có khả năng cải tạo hoàn cảnh, làm cho hoàn cảnh phục vụ nhu cầu của con người ngày càng tốt.
Con người chịu sự tác động của các quy luật sinh học, quy luật của tâm lý - ý thức và quy luật của xã hội. Môi trường tự nhiên biến đổi chậm và theo chu kỳ, còn môi trường xã hội - lao động biến đổi nhanh, thông qua lao động có ý thức của con người, qua sự thay thế kế tiếp nhau của các phương thức sản xuất và nhờ đó các nền văn hoá khác tiến bộ hơn được ra đời. Mỗi nền văn minh có những đặc điểm của nó về tính chất và điều kiện lao động, lối sống của con người làm biến đổi mình và biến đổi môi trường sống. Nền văn minh phát triển sau biến đổi mạnh và nhanh hơn nền văn minh trước, trong khi khả năng thích nghi của con người, nhất là người lao động chưa biến đổi kịp.
Khả năng thích nghi của con người là khả năng sống và hoạt động trong các điều kiện biến động của môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội trong quá trình phát triển của con người. Người lao động là động lực chính của mọi biến đổi kinh tế - xã hội, do đó khả năng thích nghi của họ quan hệ biện chứng với quá trình vận động đó.
52
Trong mỗi thời kỳ phát triển của cách mạng, người lao động Việt Nam phải luôn vượt qua những trở ngại, tích cực chủ động thích nghi với xu thế đổi mới của đất nước để vươn lên trong cuộc sống, trong lao động sản xuất. Họ phải tự nhận thấy rằng, cần không ngừng được đào tạo và đào tạo lại; cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tự khẳng định mình, nhanh chóng hoà nhập với sự phát triển của khu vực và thế giới.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong xu thế toàn cầu hoá, nền kinh tế tri thức phát triển, người lao động Việt Nam phải ý thức được sự cần thiết phải có trình độ văn hoá cao, có thể lực tốt, nâng cao tay
nghề, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Đó là yêu cầu mới trong lực lượng
lao động, đặc biệt đội ngũ lao động trẻ .
Sức khỏe là vốn qúi nhất của người lao động ở mọi thời đại lịch sử , mọi quốc gia khác nhau, nhưng ở từng thời đại, mỗi quốc gia có những yêu cầu với mức độ, nội dung không giống nhau. Sức khỏe không chỉ là tình trạng không có bệnh tật, mà còn là sự thoải mái, hoàn thiện về thể chất, về
trí lực và về xã hội. Với cách hiểu như trên, mọi người lao động cơ bắp đơn
thuần hay lao động trí óc đều phải có sức khỏe, yếu tố sức khoẻ là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển trí tuệ. Để có trí lực cao, người lao động phải có sức khoẻ cơ thể tốt ; thể lực không khỏe mạnh thì sẽ hạn chế đáng kể sự phát triển trí lực - yếu tố quyết định phần lớn năng lực của con người.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, tuy Việt Nam về mặt thu nhập bình quân trên đầu người thuộc nhóm thấp nhất thế giới, nhưng về mặt sức khoẻ đạt loại trung bình (đứng thứ 73 trên 150 nước). Chúng ta hiểu rằng sự phát triển về thể lực và sức khoẻ là cơ sở để phát triển toàn diện con người; sự lành mạnh về thể xác và tâm hồn là điều kiện quan trọng cho sự phát triển hài hoà các phẩm chất năng lực của con người.
- Người lao động Việt Nam phải có năng lực tự thực hiện, tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm. Ở nước ta, khi đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong xu thế toàn cầu hoá,... người lao động phải có tính thích nghi
53
nhanh. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cần có những người lao động có kỷ luật tự giác, biết tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian, có tinh thần hợp tác và tác phong lao động khẩn trương. Hơn nữa, nền kinh tế thị trường còn đòi hỏi người lao động cần phải có tính quyết đoán, khả năng tự thực hiện, tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm về những sản phẩm, những đóng góp của mình cho xã hội.
Trong thời kỳ bao cấp, nhìn chung, chủ nghĩa phân phối bình quân làm hạn chế tính chủ động và năng động xã hội của người lao động. Họ thờ ơ, ỷ lại và thụ động trông chờ vào nhà nước, tập thể. Trong cơ chế thị trường, các thành viên trở nên năng động và chủ động hơn. Điều này bắt nguồn từ sự đánh giá đúng mức khả năng của mỗi người lao động, dựa trên cơ sở cống hiến và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tính năng động và chủ động xã hội luôn luôn được phát huy để thích ứng với cơ chế mới.
Để sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đi đến kết quả, cần có những điều kiện, những nhân tố tác động thúc đẩy. Trong đó, nhân tố con người, tích cực hoá nhân tố con người, nhân tố trung tâm của quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải được quan tâm trước hết.