Ngôn ngữ của tình yêu chân thành, say đắm

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 82)

5. Kết cấu luận văn

3.1.1.2.Ngôn ngữ của tình yêu chân thành, say đắm

Bên cạnh thứ ngôn ngữ quái dị, yêu ma, Đinh Hùng còn có thứ ngôn ngữ chân thành, say đắm, thể hiện trạng thái tâm hồn thiết tha, rạo rực trong tình yêu. Nhà thơ đã cân nhắc từng chữ, từng câu để tạo nên vẻ đẹp bất ngờ cho ngôn ngữ, làm mê hoặc lòng người. Cảm xúc tình yêu được diễn tả bằng thứ ngôn ngữ mềm mại và diễm lệ:

Đêm thân ái có muôn hoa hồng nở, Em tới đây tình tự một đôi lời.

Hồn phong hương trầm tuổi mộng hai mươi, Ta nói khẽ đủ hai lòng nghe rõ.

(Ân tình dạ khúc)

Ngay trạng thái đau đớn của tình yêu cũng được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ hiền hòa của một trái tim vị tha cao thượng:

Sương xuống nhiều thêm thôi biệt ly Nhìn em lần cuối tiễn em về

Mưa buồn nỡ để đường thu lạnh Đây áo quàng vai em hãy che.

(Gặp nhau lần cuối)

Đến với thơ Đinh Hùng, người đọc như lạc vào một mê cung kỳ ảo của thế giới ái tình. Ở đó có đủ mọi trạng thái, mọi cung bậc cảm xúc của tình yêu đôi lứa. Thực và mộng đan xen trong một thế giới thơ bí ẩn, diệu kỳ:

Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng Mắt xanh là bóng dừa hoang dại Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng

Những câu thơ với giọng điệu nhẹ nhàng, êm ái đi vào lòng độc giả một cách hết sức tự nhiên. Người con gái không hẹn mà gặp một cách bất ngờ khiến thi nhân thêm ngỡ ngàng bối rối. Bài thơ chứa chan tình cảm của buổi đầu hò hẹn “nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời”. Cảm xúc tình yêu không còn là cảm xúc trừu tượng nữa, nó cụ thể, lan thấm vào ngũ giới và tâm hồn của thi nhân.

Nhiều bài thơ có giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, rất phù hợp với tâm trạng của hai người đang yêu nhau say đắm. Ở đó, thi nhân đóng vai trò của những chàng hiệp khách, sẵn sàng nâng niu, chiều chuộng bóng giai nhân. Ngôn ngữ thơ ở đây giản dị và trong sáng :

Nếu bước chân ngà có mỏi Xin em dựa sát lòng anh Ta đi vào tận rừng xanh Vớt cành rong vàng bên suối

(Xuôi dòng mộng ảo)

Giọng thủ thỉ, tâm tình còn được sử dụng ngay trong lúc thi sĩ lâm chung, muốn giãi bày lòng mình với em Buồn, em Đau Thương, em Sầu Hoài Thương Nữ, những “em” đã gắn bó thân thiết với hồn thơ :

Khi anh chết, các em về đây nhé, Vị chút tình lưu luyến với nhau xưa. Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ Tay cầm hoa, xõa tóc đứng bên mồ.

(Cung đàn tưởng niệm)

“Em” được thi sĩ đề cập đến ở đây rõ ràng là các “em” mộng ảo, cụ thể hóa những trạng thái tâm hồn của thi nhân trong suốt cả chặng đường thơ. Đinh Hùng nhập vào trong cõi mộng, giọng tha thiết đắm say như thể đang tâm sự với người tình. Ngôn ngữ thơ u hoài nhưng da diết. Phải chăng bởi thời gian trôi qua, nỗi đau mất mát trong quá khứ dần lắng lại, qua những phút mê loạn, điên cuồng, thi nhân lắng sâu hồn mình để cảm nhận hết những dư vị đắng cay. Giọng thơ vì thế có u buồn nhưng vẫn đầy tha thiết:

Anh trở lại con đường lên núi biếc, Thương mây bay từ đó vẫn cô đơn. Những bông hoa còn có nửa linh hồn. Những lá cỏ nghiêng vai tìm mộng ảo.

(Cánh chim dĩ vãng)

Những giây phút thi sĩ cận kề, vui vẻ bên người yêu không được bao lâu vì người trinh nữ đã ra đi về với cõi vĩnh hằng. Đinh Hùng đau đớn, vỡ mộng yêu đương, tìm về cảnh cũ để nhớ người xưa, mong xoa dịu nỗi cô đơn, buồn tủi. Ngôn ngữ thơ hoài niệm nhưng vẫn thiết tha đằm thắm:

Lời ước hẹn dư âm truyền vách đá, Em vội đi, hờn giận tiếng non cao. Em đi rồi! Then khóa cả chiêm bao, Gầy vóc mộng, gói tròn manh áo nhớ.

(Cánh chim dĩ vãng)

Trên cao là em với miền thượng thanh đầy ánh sáng:“Em đến cùng trăng đi với sao”. Dưới trần thế là anh với tình yêu đơn chiếc: “Lòng gửi sầu theo mây gió bay”. Giữa anh và em là một khoảng cách vời vợi nghìn trùng. Nỗi u buồn như hiện lên trong đáy mắt da diết yêu thương. Còn gì cay đắng hơn khi thi nhân đang tồn tại trên cõi đời này nhưng lại không thể với tay chạm được vào hạnh phúc? Tâm trạng ấy làm xuất hiện giọng thơ lưu luyến, hoài tiếc khôn cùng:

Nhắc làm chi? Ôi! nhắc làm chi nữa? Em đi rồi, mưa gió suốt trang thơ. Mây lìa ngàn, e lệ cánh chim thu, Con bướm ép thoát hồn mơ giấc ngủ.

(Cánh chim dĩ vãng)

Ngôn ngữ chân thành, say đắm đã khiến thơ Đinh Hùng có được sự lôi cuốn và hấp dẫn lớn đối với độc giả. Nói như Đoàn Thêm trong lời Tựa của “Đường vào tình sử” thì thơ Đinh Hùng “luôn luôn có giọng đơn sơ thân mật của câu tâm sự hai người”[12]. Nhiều người đã gọi Đinh Hùng là thi sĩ của tình yêu cũng chính là vì thế.

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 82)