Cảm hứng về thế giới tâm linh

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 67)

5. Kết cấu luận văn

2.2.2. Cảm hứng về thế giới tâm linh

Đinh Hùng bước vào lãnh địa thơ ca với hành trang trĩu nặng trên vai là nỗi cô đơn bi phẫn và những mặc cảm dày vò tê tái. Từ trong cuộc đời riêng, nhà thơ đã phải đón nhận những mất mát đau thương in hằn lên tâm hồn thành một khối đau buồn bi thiết. Tâm trạng đó gặp gỡ quan điểm sáng tác của nguyên lý mỹ học tượng trưng, đặc biệt là chủ thuyết “thi sĩ thấu thị” của A. Rimbaud khiến Đinh Hùng hình thành nên cảm hứng tâm linh sâu sắc.

Có thể nói, khám phá thế giới bí ẩn đã trở thành mục đích và bản chất của thơ tượng trưng. Các nhà thơ tượng trưng tin tưởng vào thế giới tinh thần đầy bí ẩn, nằm sâu trong lòng sự vật, trong mỗi con người. Họ quyết liệt lên án lối thơ chỉ mô tả sự vật một cách đơn giản, hời hợt bên ngoài của chủ nghĩa lãng mạn hay hiện thực, đặc biệt là lối thơ to tiếng, lên gân dạy đời. Theo họ, thơ phải hướng tới một thế giới huyền diệu và nhiệm màu, phải khám phá và thể hiện được những gì nằm ẩn sâu dưới cái vỏ hiện thực. Mọi vật trong vũ trụ và con người có một mối liên hệ huyền bí, mơ hồ không thể nhận biết được bằng tư duy duy lý. Đến với địa hạt thơ, Đinh Hùng đã làm nổ tung bức thành trì luân lý để thâm nhập vào cái tôi vô thức, dùng tâm linh nối kết những đường dây giao cảm, khoả lấp những sai biệt giữa hai bờ hư thực. Đời sống trong thơ Đinh Hùng vì thế phảng phất khói sương mơ hồ của kiếp khác. Một loạt các bài thơ có tên như: Bài ca man rợ, Trời ảo diệu, Kỳ nữ, Ác mộng, Màu sương linh giác, Tìm bóng tử thần, Lạc hồn ca, Cầu hồn, Thần tụng ...

đã khẳng định một điều: thi giới Đinh Hùng là sản phẩm của trí tưởng tượng và hư cấu, nó tồn tại độc lập hoàn toàn với thực tại.

Trong cảm hứng tâm linh, tình yêu của Đinh Hùng là một thứ tình yêu dị biệt, vượt ra ngoài khuôn khổ của cuộc sống đời thường. Người đọc bị cuốn hút vào trong lạc thú yêu đương với những cuộc truy hoan bạo liệt và tàn khốc. Ở đó có sự hoà trộn giữa cái cao khiết với cái trần tục, giữa khát vọng thiêng liêng với khoái

cảm xác thịt, giữa địa đàng và cổ mộ, giữa kỳ nữ và ma quái. A. Rimbaud từng nói:

“Nhà thơ phải là người có thiên nhãn nhìn thấy được chiều sâu bí ẩn của bản thân mình”. Đinh Hùng dường như đã tự phân thân để có thể viễn du vào mọi ngóc ngách của tâm hồn, vừa đau khổ, điên cuồng, vừa ảo vọng và mê loạn. Cái tôi trữ tình luôn luôn chuyển động, luồn sâu vào từng khía cạnh u uất nhất của tiềm thức. Trong bóng tối, người thơ rượt đuổi, vui đùa cùng hồn ma hiện về từ đáy mộ và xem đó chính là hiện thực của cuộc đời mình:

Ta mê muội giữa một bầy yêu quái, Biết cười vui, nói những giọng êm đềm. Và than ôi! Tàn nhẫn cũng như Em, Từng nhan sắc ngẩn ngơ hay kiều lệ.

(Hương trinh bạch)

Thế giới thơ Đinh Hùng là cõi trời loạn, là cõi hỗn mang, hỗn độn, là nơi tử sinh chuyển hóa, đầy mê cung kỳ ảo với máu, sọ người, xương khô, cổ mộ, khăn liệm, điếu tang….xuất hiện với tần số và mật độ dày đặc:

Bừng mắt dậy, lửa hồi sinh đỏ rực Thịt xương về trong cổ mộ xôn xao Hỏa thiêu rồi làn tử khí lên cao

Chiều tái tạo bâng khuâng từng ngọn cỏ

(Mê hồn ca)

Người thơ phiêu linh vào không gian địa ngục, đó không phải là nơi con người chịu cực hình sau khi chết mà đó là một cõi giới sinh động có trăng, hoa, nhạc, hương, có “Mê Cung”, “Biển Giác”, “Non Thần”,“Xuân phương thảo cũng như Xuân tùng bách”. Tất cả đều tuyệt diệu như cõi thần tiên khiến người thơ lạc bước:

Ta đi lạc xứ thần tiên.

Hồn trùng dương hiện bóng thuyền U Minh.

(Gửi người dưới mộ)

Bước đi trên con đường bảng lảng màu sương huyền nhiệm tượng trưng, thi sĩ phiêu diêu trong giấc mơ dài tới những xứ sở ngoài cõi nhân gian, thoáng chốc đạt tới sự vĩnh cửu dù chỉ trong giây lát. Và từ sự vĩnh cửu này, nhà thơ nhanh chóng vươn

đến cõi siêu nhiên, trút bỏ được gánh nặng lo âu, khắc khoải về thời gian hữu hạn của đời người.

Nếu như Xuân Diệu xây dựng thế giới nghệ thuật của mình trên mảnh đất trần gian thì Đinh Hùng xây dựng thế giới nghệ thuật trong những cơn mê cuồng loạn. Ở đó, cái thực và cái mộng trộn lẫn vào nhau nhưng cốt để làm nổi bật lên cái hư ảo, mơ hồ do tâm linh dẫn lối. Và khởi phát của trạng thái hồn mê là khát vọng về một tình yêu không thoả trong kiếp nhân sinh. Nhà văn Huyền Viêm viết: “Những cái tang thủơ thiếu thời, và sau này là cái chết của người yêu tên Liên đã ảnh hưởng đến rất nhiều tâm tính của Đinh Hùng, nên thơ anh thường đượm vẻ ảm đạm bi thương…”[33]. Bích Liên đã mất nhưng hình ảnh của Liên, giọng nói của Liên mãi mãi còn âm vang trong tâm hồn nhà thơ, không phút giây nào quên lãng. Nỗi đau đớn được nhà thơ đem vào trong giấc mơ nghệ thuật hòng làm thoả mãn khát vọng yêu đương. Chúng ta hiểu vì sao, nếu như Tản Đà lấy cảm hứng ở cõi bồng lai tiên giới thì Đinh Hùng lại tìm về với cõi âm phần, ở đó hồn ma là bóng dáng người đẹp lãng đãng trong màn sương huyền nhiệm:

Phất tay áo, tìm bắt hương Hồ Điệp Ta thoát hồn về nhập xác em xưa Trong giấc mộng hai lần giai nhân đẹp Cùng một đêm biến ảo trăng xuân thu

(Mê hồn ca)

Sự giao hòa vào lúc này đã vượt qua sự giao hòa của thể xác để đạt tới trạng thái đồng nguyên của linh hồn. Dường như Đinh Hùng không đi tìm đơn thuần một người con gái đã từ bỏ cõi trần mà ở ông, đó là khát vọng được hòa nhập với vũ trụ, với thế lực tối thượng. Cái chết không còn bị chia cắt, bị giới hạn với sự sống bởi không gian vật lý vì ở trong cõi tâm linh của thi sĩ, khát vọng giao hoà, đồng điệu với con người đã vượt qua mọi ranh giới để hướng đến những khoảng cách tưởng chừng như vô tận. Cũng dễ hiểu vì sao thi sĩ thích thác lời những linh hồn ở thế giới bên kia, có khi chuyện trò với hồn ma một cách thân mật:

Hồn hỡi hồn!

Hồn lại còn “cặp má hồng nâu”. Hồn cho đơn thuốc nhiệm mầu, Khêu lên ngọn lửa, tiêu sầu thế nhân.

(Cầu hồn)

Trong thế giới thơ của Đinh Hùng, hình ảnh người con gái thường không có một dáng hình cụ thể, không tài nào nắm bắt, người con gái ấy chỉ có trong thế giới huyền bí và màu nhiệm. Không chắc rằng khi còn sống người con gái đẹp ấy có thể thỏa mãn được thẩm mỹ tuyệt đối của Đinh Hùng nhưng rõ ràng rằng khi là bóng ma, nàng đã quay trở về trạng thái của “Gái Muôn Đời”:

Mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu Hỡi ơi hồn chuyển kiếp về đâu Ta xin giữ trọn lòng trinh bạch Ngưỡng vọng em như Nữ Chúa Sầu

(Gặp em huyền diệu)

Đinh Hùng đã thành công khi cho ta cảm tưởng giáp mặt với linh hồn trinh nữ mà thời gian đã tàn nhẫn cướp mất, để lại trong chúng ta những ngậm ngùi, những dư âm thảng thốt, những mùi hương đã tàn bay theo từng cánh bướm, như sắc hoa phù dung sớm nở tối tàn.

Tác giả Trần Đình Sử khi bàn về thơ tượng trưng trong cuốn “Những thế giới nghệ thuật thơ” đã khẳng định: Chủ đề của thơ tượng trưng là "tiếng nói của thế giới, là khát vọng tìm kiếm cái bí ẩn ở đằng sau, bao gồm bản chất thế giới, các hiện tượng của tâm linh con người, của thế giới cảm giác và vô thức" [88, tr.68]. Còn tác giả Nguyễn Bá Thành thì khẳng định: “Nói rằng các nhà Thơ mới ở ta, người thì thoát li vào cõi Tình, người thì thoát li vào cõi Mộng, cõi Tiên, người thì tìm về cõi Âm…nhưng chung quy lại, họ chỉ có một con đường là thoát li vào chính mình, tâm sự với mình, với một cái Tôi viết hoa thật là trọng vọng” [49, tr.181]. Đinh Hùng không hoàn toàn tạo nên vũ trụ riêng mình, ông chỉ hóa giải thế giới của con người bằng những thành tố tâm linh trộn hòa cùng đời sống và tạo vật. Sự giao cảm bí mật với vũ trụ, với thế giới tâm linh đã trở thành một đặc điểm của thơ tượng trưng và là một cảm hứng quan trọng trong thơ Đinh Hùng.

Nhiều người cho rằng thơ Đinh Hùng khó đọc nhưng đó là những kẻ đọc vội vàng. Cảm nhận bằng tâm hồn và lắng nghe tiếng dội nơi sâu thẳm trái tim sẽ thấy thơ của ông bàng bạc mùi vị của hư vô, điều rất hiếm thấy ở những nhà thơ khác.

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)