Khái quát về tư duy thơ Đinh Hùng

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 41)

5. Kết cấu luận văn

1.2.4.1. Khái quát về tư duy thơ Đinh Hùng

Thơ mới chứa đựng nhiều nỗi niềm, gắn bó với những nỗi buồn riêng thấm thía và đau khổ nhưng cũng mang theo nó hơi thở chung của thời đại. Trào lưu thi ca này giống như một tâm hồn trĩu nặng ưu tư và sầu mộng. Đó là tiếng nói tâm tình của tầng lớp trí thức tiểu tư sản trước một thực tại không như mình mong muốn. Mỗi nhà thơ tìm cho mình một chỗ đứng, một tiếng nói riêng. “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên…và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” [20, tr.29]. Trong bối cảnh đó, tư duy thơ Đinh Hùng tìm đến một thế giới riêng đầy cám dỗ, huyền diệu và siêu thoát.

Trong thế giới ngôn ngữ thi ca đầy mê hoặc của Đinh Hùng, ta nhận thấy một khung trời liêu trai huyền ảo giữa suy tưởng và thực tế. Nhà thơ chẳng cần tra vấn hiện tại, phó mặc cho thời gian vận chuyển, hằng đêm, bên ánh toạ đăng, lắng nghe những tiếng thơ nức nở, âm vang theo từng sợi khói mong manh:

Em mộng về đâu? Em mất về đâu?

Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu,

Đấy màu hương khói là màu mắt xưa.

(Gửi người dưới mộ)

Thời gian tình tự ảo huyền trong cõi vô cùng, cõi vĩnh hằng của linh hồn và tình yêu bất tử phải chăng có liên quan tới sự mê hoặc của hương nha phiến mà thi nhân vẫn hàng ngày “dìu hồn theo cánh khói”, nương mình trong thế giới phù

dung? Sự kết duyên của thi sĩ với nàng tiên nâu từ khi mới trên dưới 20 tuổi không biết có ảnh hưởng gì tới tư duy thơ Đinh Hùng hay không? Nhưng đọc thơ ông, có cảm nhận rất rõ ràng chất tình ái trong thơ Đinh Hùng ở thời hiện tại có phần non yếu còn khi nhập mộng để trở về với quá khứ từ thời hồng hoang nguyên thủy thì lại trở nên da diết lạ kỳ:

Ta say ánh lửa tinh cầu

Dựng lên địa chấn, loạn mầu huyền không Trận cười tan hợp núi sông

Cơn mê kỳ thú lạ lùng cỏ hoa Hý trường đổi lớp phong ba

Mượn tay ngụy tạo xóa nhòa biển dâu

(Sông núi giao thần)

Có thể thấy, tư duy thơ Đinh Hùng chịu ảnh hưởng rất nhiều ở Baudelaire, nhà phù thuỷ ngôn ngữ của thi ca Pháp. Ngôn từ trong thơ Đinh Hùng trau chuốt, bóng bẩy, lời lẽ trang trọng với những ý tưởng thơ đầy kỳ lạ và bí hiểm:

Rượu pha mùi tóc hoài nghi

Ngoài khơi con mắt, hàng mi đoạn trường Thẳm sâu da thịt hoang đường

Tay năm móng nhọn, vết thương luân hồi Đèn nhòa kỷ niệm ma trơi

Đêm năm sắc máu, lửa ngời ánh son

(Vết son phai)

Tiếng thơ Đinh Hùng không phải tiếng thơ buông lơi, dễ dãi hoặc chọn lời lựa chữ cho suôn sẻ thanh âm. Thơ Đinh Hùng giống như một vì sao lạ treo chênh vênh giữa vòm trời thi ca hiện đại. Nếu thế giới “Điêu tàn” đầy sọ người, xương tuỷ của Chế Lan Viên tạo cho ta cảm giác rờn rợn của những hồn ma Chiêm nữ; nếu thế giới ràn rụa của máu, của hồn, của tinh lực trong thơ Hàn Mặc Tử có sự ngả nghiêng giữa hai bờ tượng trưng và siêu thực nên mang vẻ huyền ảo, vừa lạ vừa quen; nếu Bích Khê thi vị hoá cái tội lỗi, nhuốc nhơ, rùng rợn thành cái cao siêu, nhân đức, thơm tho, khoái lạc… thì thơ Đinh Hùng lại huyền ảo một thế giới hỗn

mang kỳ bí. Nó là tiếng kêu vò xé, là lời thảng thốt giữa cơn mê loạn, là nỗi đam mê, là tiếng thở dài ai oán thoát ra từ cõi lòng cô độc. Nó là thịt da, là xương máu của thi nhân. Nó là sự giao hưởng nhiệm mầu giữa thơ và tơ trời kết lại.

Tuy nhiên, thơ Đinh Hùng không phải bài nào cũng mang tính chất quái dị, lạ lùng. Xét ở một phương diện nào đó thì sự mê loạn chẳng qua cũng chỉ là sự hình dung những siêu thoát, những nhiệm mầu mà con người trong khi đau khổ thường bám víu lấy để cầu mong niềm an ủi. Vì thế cho nên, khi nỗi đau dường như đã nguôi ngoai, sức hấp dẫn của thơ Đinh Hùng dừng lại ở một tấm chân tình da diết và nồng cháy với nỗi khát khao, mê đắm của tình yêu mãnh liệt:

Tôi mải tìm thu mấy bữa nay, Mới nên sầu mộng, nhớ nhung này. Tưởng trong thao thức, lòng giăng gió Đều nói cùng em: Yêu lắm thay!

(Nụ cười thương nhớ)

Đinh Hùng sống để yêu, để ảo tưởng và để khát vọng được tìm về với cõi vô cùng, cõi vĩnh hằng của linh hồn và tình yêu bất tử. Hầu như cả tâm hồn của thi nhân đều dành cho tình yêu:

Anh vẫn còn yêu em kiếp sau Vầng trăng về núi sẽ quay đầu Bóng Em trên những vì sao lạ Sẽ ngả dài qua thế kỷ sâu

(Lời thông điệp gửi mai sau)

Nếu những tâm hồn yếu đuối tìm đến tôn giáo như một con đường giải thoát thì Đinh Hùng lại chủ trương một thứ đạo gọi là “đạo ái tình”. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy tiếng thơ của thi sĩ luôn là tiếng gọi kêu cầu ân ái, hay những tiếng than van, oán trách:

Tất cả em đều bắt ta khổ não

Và oán hờn căm giận tới đau thương Và yêu say mê mệt tới hung cuồng Và khát vọng đến vô tình vô giác

Thi sĩ chấp nhận tình yêu như một lẽ sống tối thượng để quên, để xa, để lẩn trốn nhưng chính tại cõi trú thanh sắc trong thiên đường tình ái, nhà thơ lại đau khổ thêm một lần nữa. Thế giới phấn hương, hoa bướm chẳng những không giúp nhà thơ quên bớt dằn vặt, vò xé mà nó còn tạo thêm hoàn cảnh để thi nhân nhìn rõ những đau thương, đày đọa. Ở mảnh đất đắm đuối truy hoan, Đinh Hùng càng thấu cảm thêm mệnh số cô đơn của một cái “ta” lạc loài:

Vầng trăng vừa ngả bóng chung đôi, Em đã xa như dĩ vãng rồị

Tình cũng quan san từ đáy mắt, Một hàng mi lặng, mấy trùng khơi.

(Bao giờ em lấy chồng)

Đinh Hùng tại thế chỉ hơn bốn mươi năm, cái thể chất ẻo lả cộng thêm sự tàn phá của nàng tiên nâu làm cho ông không có tuổi thọ nhưng tài thơ của Đinh Hùng thì không đợi tuổi, chỉ đợi được người đời tri âm và tri kỷ. Suốt mấy mươi năm, thi nhân vẫn phải chịu một tiếng buồn cho thân thế và sự nghiệp của mình bởi cho đến hôm nay Đinh Hùng vẫn gần như là "người lạ mặt" trong khi những nhà Thơ mới cùng thời với ông đã được nói đến nhiều. Tuy nhiên, thời gian đã làm xong công việc sàng lọc cay nghiệt của nó. Mặc dù thơ Đinh Hùng chưa được cặp mắt xanh của Hoài Thanh, Hoài Chân nhìn đến nhưng chẳng phải vì thế mà tầm vóc tư tưởng và nghệ thuật của thơ Đinh Hùng bị giảm sút.

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)