5. Kết cấu luận văn
1.2.3.2. “Đường vào tình sử”: thế giới tình yêu đầy hương sắc
Năm 1954, Đinh Hùng vào sống ở Sài Gòn . Năm 1961, ông cho in tập thơ "Đường vào tình sử " được chia thành hai phần : “Truyện lòng” và “Tiếc bướm”.
Vốn dĩ ban đầu, chúng là hai tập thơ khác nhau nhưng rồi Đinh Hùng đã quyết định nhập lại và lấy một cái tên chung là “Đường vào tình sử”. Sách được in tại Kim Lai Ấn Quán và do Nam Chi Tùng Thư phát hành, gồm 2000 quyển. Tập thơ đã đoạt giải thưởng thi ca miền Nam vào năm 1962. Thế Phong, nhà thơ, nhà văn, nhà biên luận đã nhận định: “Đinh Hùng trúng giải là làm vinh dự cho giải Thơ - còn giải thưởng thì không thể tạo vinh dự cho Đinh Hùng được!” [82].
Có thể nói, "Đường vào tình sử" đã đánh dấu một hướng mới trong sáng tác thơ ca của Đinh Hùng. Nếu như "Mê hồn ca" là câu chuyện thơ đầy mộng mị, ma quái và bí hiểm như trong truyện của Bồ Tùng Linh thì "Đường vào tình sử" đời hơn, thực hơn. Tập thơ bao gồm những bài thơ tình đẹp, không khí dịu nhẹ, ảo
huyền đầy lãng mạn, đưa chúng ta vào một thế giới tình yêu đầy hương sắc. Nhận xét về tập thơ này, nhà thơ Thi Vũ viết: "Mê hồn ca” là khuôn trời Liêu trai, là những đêm âm phần trộn lẫn với trưa dương thế. Thì “Đường vào tình sử” khác hơn, là những bài thơ tình của miên viễn chiêm bao, của những môi hôn trong mộng, của man mác hương trinh. Mộng vẫn còn mê ảo, nhưng thực đã có da có thịt trong ngôn ngữ tình yêu..." [theo 103]. Trong tập “Đường vào tình sử”, những nét độc đáo với dòng suy cảm quái đản được gọi về từ thiên cổ không còn thấy xuất hiện nữa. Những suy tư và hoài vọng của thi nhân được gói tròn lại nơi tình yêu đôi lứa với những rung cảm đầy lãng mạn. Đinh Hùng đã viết những câu thơ thật đẹp, làm rung động trái tim của bao người:
Em muốn đôi ta mộng chốn nào? Ước nguyền đã có gác trăng sao Chuyện tâm tình dưới hoa thiên lý Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào
(Tự tình dưới hoa)
Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại chọn bài thơ này để phổ vào đó những thanh âm trầm bổng, tạo thành một nhạc phẩm nổi tiếng mang tên "Mộng dưới hoa" làm say đắm bao nhiêu người yêu thơ, yêu nhạc.
Đọc 60 bài của tập “Đường vào tình sử”, chúng ta nhận thấy đây hoàn toàn là một tập thơ tình, hơn thế, còn là một tập thơ tình tuyệt hay với không khí ảo huyền, dịu nhẹ :
Cành tơ, lá ngọc cũng tương thân, Hạnh phúc ngày xưa đã tới gần. Đầu ngọn cây xoan, con bướm lượn, Hoa màu hy vọng, nắng chiều xuân.
(Hy vọng chiều xuân)
Ở toàn bộ tập thơ, hầu như lời và ý đều dung dị, mang vẻ đẹp của thứ ngôn ngữ như làn ánh sáng diễm ảo, từng nỗi băn khoăn, từng niềm ước vọng chạy xôn xao như tiếng thời gian đuổi nhau trên rừng cây trút lá. Thơ Đinh Hùng không còn mang tính chất quái dị với cảm giác siêu thoát, nhiệm mầu mà con người trong khi thất vọng
thường bám víu lấy để cầu mong an ủi như ở “Mê hồn ca” nữa. Ở đây, người thơ đã đi tìm bản thân trong chiều sâu tâm giác, trong thứ ngôn ngữ xuất thần với suy tư dấy loạn nội tâm. Do đó, lời thơ Đinh Hùng đã vượt qua được bức trường thành nhân thế để chiếu từng tia sáng mong manh nhưng sắc bén giữa những tâm hồn đồng điệu:
Một bài thơ
Có tiếng thở dài đôi hồn tình tự, Vần điệu dìu nhau đi trong giấc mơ, Sông núi trập trùng lượn theo nét chữ, Những chữ thương yêu,
Những chữ đợi chờ, Đẹp như
Dáng em e lệ chiều xưa.
(Đường vào tình sử)
Tình yêu vẫn có uy lực dẫn dắt thi nhân đi vào muôn ngàn lối ân tình. Dù trái đất có tan vào cơn mộng ảo, dù mỗi buổi chiều đều ảm đạm sắc thê lương, dù mùa thu phôi pha hay mùa đông úa tàn, sầu mộng, thi nhân vẫn tình nguyện vì em mà sống đời ngư phủ, “thả con thuyền trên mái tóc em buồn lênh đênh” và sau cùng để chiêm ngưỡng em như chiêm ngưỡng một hành tinh xa lạ. Có thể thấy, trong tập “Đường vào tình sử”, dường như Đinh Hùng đã phần nào lả buông cung điệu, chất liêu trai, ma mị của trường phái tượng trưng không còn nữa mà thay vào đó là chất men say tình ái, nỗi đau thương, sầu mộng đượm buồn và dễ gợi nỗi cô đơn quen thuộc của phong trào Thơ mới:
Anh say ngất tình em trong khóe mắt Say hương thầm trên mái tóc tơ nhung. Cặp môi em, xuân thắm nét hoa rừng, Anh mê uống nhụy thơm tràn vị ngọt.
(Ân tình dạ khúc)
Nếu tính từ năm Đinh Hùng in “Mê hồn ca” (1954), cho tới “Đường vào tình sử” (1961) thì hai thi phẩm cách nhau gần 7 năm trời. Tuy nhiên, “Đường vào tình
sử” không phải là tập thơ bao gồm các bài được sáng tác trong cùng một thời điểm mà là sự góp nhặt nhiều bài thơ ở nhiều thời kỳ đã đăng tải rải rác từ trước đó. Có lẽ vì vậy mà tập thơ không gây được ấn tượng sâu đậm trong tâm thức người đọc như “Mê hồn ca”. Tuy nhiên, ở “Đường vào tình sử” vẫn có cái “chất” riêng của Đinh Hùng, cái “chất” đã đưa ông vào ngôi vị xứng đáng của nền thi ca Việt Nam. Nhận định về tập thơ này, ông Du Tử Lê viết: “Nhận xét đầu tiên của tôi khi đọc xong tập “Đường vào tình sử” là ở tập này, Đinh Hùng không đều tay. Ông không tạo được cho mình một cõi riêng. Một vùng bao la thần kỳ mang tên Đinh Hùng. Ở tập thơ này, theo thiển ý của tôi, nó mang nhiều tính cách đánh dấu giai đoạn, ghi khắc kỷ niệm chứ không hoàn toàn mặc khoác một dòng tư tưởng. Tuy thế với “Đường vào tình sử,” người đọc cũng bắt gặp cái nguồn mang mang, bàng bạc tinh thần Đông Phương. Tinh thần tìm về cõi mộng, lấp lánh vũ trụ miên trường” [5].
Là một thi sĩ có mặt từ thời tiền chiến sau đó di cư vào Nam, Đinh Hùng vẫn tiếp tục sự nghiệp văn học của mình và “Đường vào tình sử” chính là tập thơ đánh dấu sự thành công của ông ở mảnh đất phương Nam khi nó được trao Giải thưởng Văn chương toàn quốc về thi ca năm 1962.