Cái tôi cô đơn, bi thiết

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 50)

5. Kết cấu luận văn

2.1.1.1. Cái tôi cô đơn, bi thiết

Trong bài viết nhan đề “Đinh Hùng với cơn mê trường dạ”, nhà nghiên cứu Tạ Tỵ có nhận định: “Nói đến Đinh Hùng là nói đến cô đơn, là nói đến khát vọng. Nỗi cô đơn và niềm khát vọng đó in hằn trong kích thước thi ca mà Hùng đã dấn thân như người lính cảm tử. Hùng đã sống trọn vẹn và chung thuỷ đến lúc lìa đời với hướng đi tự nguyện” [80, tr.231]. Đọc thơ Đinh Hùng, có một cảm nhận rõ rệt: ông là người ưa cô đơn, sống khép kín. Tâm trạng này đã được nhà thơ nói rõ hơn trong tập văn xuôi “Đám ma tôi”: “Mười mấy năm nay tôi nói cho những ai nghe? Làm gì có ai chịu nghe tôi nói! Cả bốn xung quanh hờ hững như bức tường câm, cũng không được thấy một lời không gian vọng lại”. Có thể nói, thơ Đinh Hùng tràn ngập sự hiện diện của cái tôi cô đơn. Thực ra, đây không phải là một điều ngoại lệ bởi trong thời đại của Thơ mới, cái tôi cô đơn được xem là một quan điểm thẩm mĩ; cái buồn, cái sầu gắn bó với thi nhân như một người bạn thiết thân. Chỉ có điều, với

Đinh Hùng, đó không phải là cái tôi cô đơn mang nỗi buồn thiên cổ như Huy Cận, không phải là cái tôi cô đơn muốn giao hòa với vạn vật như Xuân Diệu hay cái tôi cô đơn muốn trốn tránh đến “một tinh cầu giá lạnh” như Chế Lan Viên hoặc cái tôi cô đơn muốn “đi, đi mãi vào vô tận” như Hàn Mặc Tử. Cái tôi cô đơn trong thơ Đinh Hùng là một cái tôi cô đơn bi thiết, được khơi lên từ nỗi đau đớn tột cùng khi người yêu vội xa lìa trần thế:

Em đi hoài cảm một mình.

Hai lòng riêng để mối tình cô đơn. Hôm nay tưởng mắt em buồn:

Đã trông thấp thoáng ngọn cồn, bóng sương. Lạnh lùng chăng, gió tha hương?

Em về bên ấy, ai thương em cùng?

(Bài hát mùa thu)

Người con gái trong mộng của thi nhân vội về nơi âm giới khiến cho thi nhân mang cảm giác bơ vơ, lạc loài với tất cả niềm tiếc thương, hờn giận.“Chưa có một thi sĩ nào có thể đem cái riêng tư sầu kín phản ánh qua thơ trung thực hơn Đinh Hùng” [82]. Càng cô đơn, nhà thơ càng khát khao giao cảm với cuộc đời, với mọi người, mong lấp đầy những thiếu hụt trong tâm hồn mình: “Tôi mong một chiều nay hay một chiều mai hay một chiều kia xa nữa, người bạn thương tôi sẽ cô đơn tìm đến viếng mồ tôi, đem theo ít nhiều hoa trắng, và đừng khóc tôi bằng lệ, đừng nói thương tôi bằng lời, vì nước mắt người ta, tiếng nói người ta không phải là riêng của bạn gìn giữ cho tôi; của bạn cho tôi mà rõ riêng tây chỉ là một chút hương lòng mỏng manh, tôi xin tìm ở linh hồn của hoa cũng được. Với cái nhìn cô độc, Đinh Hùng không tin cõi đời hiện hữu là có thực, sự nghi ngờ được nâng lên thành nỗi ám ảnh về cái vô thường của cuộc đời. Vì thế, đến với thơ Đinh Hùng, ta có cảm

nhận cái tôi trữ tình luôn ở trong trạng thái bất an:

Đèn vàng lướt bánh xe qua,

Nhìn nhau sao rụng, canh tà như bay. Xin em một phút cầm tay,

Rồi mai cát bụi, gót giầy hư không.

Dường như nỗi bất an chưa bao giờ chịu buông tha cho Đinh Hùng. Chúng hiện diện thường trực, trở đi trở lại để nhắc nhở thi nhân rằng, trong cuộc đời lúc nào cũng có những thiếu hụt mà người ta không tài nào san lấp, đổ đầy. Sự thiếu hụt ấy rõ ràng đến mức ngay cả khi ngồi kề bên người con gái bằng xương bằng thịt với mùi hương quyến rũ, thi nhân cũng thấy nàng vụt chốc bỗng trở thành xa lạ:

Ôm nhan sắc với hai bàn tay sắt Ta nhìn ai, ôi khóe mắt ta nhìn Em có là ma, là quỷ, là tiên?

Em có mấy linh hồn bao nhiêu mộng? Em còn trái tim nào đang xúc động? Em có gì trong xác thịt như hoa?

(Bài ca man rợ)

Trong bóng tối mênh mông dày đặc của hiện tại, người thơ không trông mong tìm thấy những gì mình chờ đợi. Đinh Hùng nhắm mắt lại để ru hồn vào quá khứ:

Tàn ác, thời gian giục vó câu Mình ta lạc mộng, đứng trong sầu Ngẩn ngơ tình tứ, lòng hoang dại Mờ ảo dung quang, tóc đổi màu

(Vô thường)

Thật đúng như Octavio Paz từng viết: “Những khổ đau của ái tình đều là những khổ đau của nỗi cô đơn”. [76, tr.116]. Cái chết của Liên không chỉ là cái chết của một người kiều nữ, đó còn là cái chết của “hoa và ánh sáng”, của “nắng và mặt trời”. Nó khiến thi nhân “vĩnh viễn hoài nghi và phủ nhận”. Thậm chí, có những lúc, tình yêu trở thành nỗi oán giận, đau đớn, điên cuồng:

Tất cả em đều bắt ta khổ não,

Và oán hờn căm giận tới đau thương, Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng, Và khát vọng đến vô tình, vô giác.

Liên đã mất, Đinh Hùng đau đớn tưởng như điên dại. Cái tôi cô đơn càng thu mình lại, xa lánh cuộc đời ồn ã để chiêu niệm, vọng tưởng hình bóng giai nhân :

Ta hằng nghe rõ

Tiếng buồn trong sương Hằng thấy trên tường, Hình ma, bóng nhớ Chỗ em ngồi cũ Lên màu khói hương

(Màu sương linh giác)

Quả đúng như Phạm Việt Tuyền nhận xét: “Lòng thương tiếc người yêu đã chết khiến cho thi nhân ”đem phòng làm cổ mộ”, “hằng nghe”, “hằng thấy” “hình ma bóng nhớ” và có những cảm nghĩ điên cuồng, mặc dù lời thơ lúc nào cũng chỉnh tề chững chạc” [55]. Cái tôi cô đơn của Đinh Hùng mang sắc màu bi thiết và ai oán. Nhiều lúc, thi nhân tưởng như trở nên điên loạn trong nỗi đau đớn chất ngất trời mây:

Lòng ta man rợ

Không còn xót thương. Chết đi ta phá Thiên Đường, Kinh động trái tim Thần Nữ.

(Màu sương linh giác)

Với những lời thơ rớm máu, đầy ma lực, thực và mộng trong thơ Đinh Hùng luôn luôn xáo trộn tạo nên tiếng kêu vò xé, thảng thốt giữa cơn mê loạn. Và hơn ai hết, Đinh Hùng hiểu rõ: cô đơn chính là định mệnh của đời mình. Phải chăng vì thế mà thi nhân buồn bã thốt lên:

Tôi sẽ đi như giấc mộng buồn, Và đi như vệt nắng cô đơn.

(Nét chữ xuân thu)

Thi nhân cất lên lời thổn thức đầy kiêu hãnh của một trái tim đa tình rớm máu, muốn nép mình vào một góc tối để nương náu cho hết một kiếp người:

Trái tim hoa! Hãy đón lòng này yếu Tôi về đây ước chết giữa quê tình Mắt ai buồn soi nắng động rung rinh Hàng mi lặng đưa mây vào giấc ngủ

(Trở bước quê tình)

Và ngay trong cõi âm phần, thi nhân vẫn đau đớn khi thấy mình cô độc: “Chao ôi! Linh hồn của tôi bây giờ đi ở phương nào? Vui làm chi nhiều non nước lạ! Linh hồn của tôi! Linh hồn của tôi! Sao không một ngày trở lại thăm tôi đi! Khóc tôi đi! Cỏ xanh đã mọc lên trên mộ tôi rồi đấy! Chao ôi! Linh hồn của tôi còn nỡ bỏ tôi, còn dám trách gì những ai phai nhạt!” (Đám ma tôi)

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)