Cái tôi cuồng nhiệt và mê đắm

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 54)

5. Kết cấu luận văn

2.1.1.2. Cái tôi cuồng nhiệt và mê đắm

Mặc dù cô đơn bi thiết nhưng cái tôi trữ tình trong thơ Đinh Hùng vẫn là một cái tôi tha thiết yêu thương. Đó là tấm chân tình, là tiếng lòng, là thế giới nội tâm của thi nhân mở ra và ngỏ với mọi người. Tình yêu dưới ngòi bút của Đinh Hùng hiện lên với đủ mọi cung bậc của cảm xúc, cuồng nhiệt và mê đắm.

Nếu tình yêu trong thơ Nguyễn Bính dịu dàng như hương đồng giónội, mộc mạc đơn sơ như mối tình chân quê và ngọt ngào như lời ru của mẹ thì tình yêu trong thơ Đinh Hùng lại rạo rực, tha thiết đến vô cùng. Trái tim đa tình của thi sĩ luôn tràn đầy khát vọng được yêu, được tìm về với cõi vô cùng, cõi vĩnh hằng của linh hồn và tình yêu bất tử. Ngọn lửa tình lúc nào cũng rực cháy, nóng bỏng, hun đúc thành những dòng thơ da diết, mãnh liệt, đầy nhục cảm:

Nhớ bàn tay thẹn, mê từng ngón Môi nhớ làn môi, vai nhớ vai Hơi thở gọi nhau, hồn nhớ xác Nhớ như thần phách lạc hình hài

(Trái tim hồng ngọc)

Tình yêu trong thơ Đinh Hùng mang tính hiện đại, không gò bó, ước lệ, biểu hiện đúng trạng thái say mê, rạo rực của một người đang yêu và được yêu, đòi hỏi sự giao hòa đến vô biên, tuyệt đích. Sự đòi hỏi này của Đinh Hùng khác hẳn với Xuân Diệu:

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài! Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!

(Xa cách, Xuân Diệu)

Bởi lẽ, cái tôi trữ tình trong thơ Đinh Hùng không bám chặt vào mảnh đất trần gian như Xuân Diệu mà có lúc chếnh choáng giữa hai bờ thực - mộng, giữa hai trạng thái tỉnh - say. Cái đẹp tình yêu trong thơ Đinh Hùng là sự choáng ngợp, mê dại của tâm linh trước thế giới kỳ diệu của ái tình:

Em Mẫu Tượng của lòng anh hải cảng Cho anh phiêu lưu biển mộng muôn trùng Những thủy nữ pha sương phai mờ bóng dáng Thuyền anh trôi và sóng mắt em rung

(Những vì sao buồn giữa không trung) Chữ “tình” trong thế giới thơ của Đinh Hùng đa dạng và lung linh muôn màu sắc. Cái tôi tha thiết yêu thương luôn nồng nàn, mãnh liệt:

Trong im lặng tôi rùng mình nín thở Cầm tay em, nâng từng ngón tay hoa Tình yêu tràn trong thớ thịt, làn da Tình yêu rợn từ đầu mày chân tóc.

(Giáp mặt phù dung) Cũng có lúc đó là cái tôi sẵn sàng nâng niu, chiều chuộng hết mình:

Xin em ngồi trên nhung cỏ, Nghe suối ca vui nhịp nhàng. Anh ru cho hồn em ngủ, Bằng điệu ca sang dịu dàng

(Xuôi dòng mộng ảo)

Có lúc là lời tâm sự của một tâm hồn cô lẻ mãi hoài vọng trong quá khứ hình ảnh của bóng mộng tri âm:

Hoa nở cô đơn, bóng động thềm, Vườn xưa còn thoảng chút hương em. Xót xa lá cỏ vương mùi tóc,

Tà áo bay về, nhớ suốt đêm.

(Bao giờ em lấy chồng) Cũng có lúc lại là lời van xin đến tội nghiệp:

Xin hãy yêu tôi, những lòng thiếu nữ! Tôi chép thơ ca tụng miệng hoa cười. Ôi những nàng như liễu, mắt xa xôi! Yêu tôi nhé, tôi vốn người mê đắm!

(Xin hãy yêu tôi)

Nhưng cũng có lúc tác giả dường như chán chường với những niềm vui trần thế mà tìm đến một thế giới khác ngoài hiện thực quen thuộc của cuộc đời. Đó không phải là chốn tiên cảnh như trong thơ Thế Lữ mà là thế giới âm phần đầy bí ẩn:

Hồn anh gửi những tinh cầu lữ thứ Vừa gặp hồn Em nét nhạc long lanh Muôn vạn nỗi niềm chuyển thành vân vũ Chìm trong đáy mắt nỗi buồn thiên thanh

(Tâm sự kinh đô)

Thơ Đinh Hùng giống như những nét bút vờn, phác họa nên hình tượng cái tôi trữ tình tha thiết yêu thương, mang mang, bàng bạc một tinh thần Đông Phương trên đường tìm về cõi mộng, lấp lánh vũ trụ miên trường. Tâm trí thi nhân bềnh bồng, ký ức phiêu du trên những nẻo đường tình yêu huyền nhiệm. Và nếu đọc hết những bài thơ của Đinh Hùng, chắc chắn người ta sẽ gán cho ông tên gọi “thi sĩ của tình yêu” như họ đã gọi nhà thơ Xuân Diệu.

Một phần của tài liệu Thơ Đinh Hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)