Trong tác phẩm văn học, tư tưởng của nhà văn chủ yếu được biểu hiện bằng hình tượng. Nói một cách cụ thể hơn, đặc điểm của tư tưởng trong văn học là tư tưởng – hình tượng. Trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, hệ thống nhân vật được xây dựng có sức biểu hiện khả năng chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật và đặc biệt là biểu hiện tư tưởng của nhà văn. Trong các sáng tác vào thời điểm những năm tám mươi, khi có dấu hiệu mở đầu thời kỳ đổi mới, nhà văn đã xây dựng thành công loại nhân vật tư tưởng- nhân vật thể hiện một cách tập trung tư tưởng của tác giả về vấn đề đổi mới tư duy nghệ thuật, về bản lĩnh và nhân cách con người muốn được sống trung thực với bản thân hoặc muốn nhận thức lại một số vấn đề về xã hội và con người trước những biến động của đời sống. Sự xuất hiện nhân vật tư tưởng trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu có ý nghĩa tiên phong, mở đường cho xu thế đổi mới của văn học, thể hiện những trăn trở, bản lĩnh và khát vọng tìm tòi, đổi mới văn học khi mà cơ chế bao cấp trong văn học đã tạo ra những bất cập, ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ. (Về sau, khi đổi mới đã trở thành xu thế tất yếu của văn học, cùng đồng hành với Nguyễn Minh Châu là đông đảo các tác giả như Lê Lựu - Thời xa vắng; Ma Văn Kháng- Đám cưới không có giấy giá thú; Nguyễn Huy Thiệp- Tướng về hưu…)
Nguyễn Minh Châu khẳng định: Tính tư tưởng không thuộc vấn đề hình thức hay kỹ xảo, mà “lẩn sâu vào bên trong các hàng chữ, như máu lưu thông trong mạng lưới vi ti huyết quản, khiến cho người đọc, khi đọc xong, có khi phải dùng lý lẽ để tiếp tục tranh cãi với tác giả, có khi người đọc phải tự khám phá mới thấy được một thứ cảm gíác nào đó, một sự liên tưởng nào đó vừa len tới ở trong con người mình, rất bền bỉ và dai dẳng [12-tr.344]. Tư tưởng của nhà văn không được bộc lộ một cách trực tiếp, không mang tính áp đặt một cách thô thiển mà ẩn sâu đằng sau ngôn từ, người đọc phải khám phá, phải liên tưởng, tưởng tượng thông qua sự vận động của cảm xúc và suy nghĩ. Một người viết có kinh nghiệm không bao giờ đặt ý đồ tư tưởng của mình ra một cách tênh hênh trước mắt người đọc [12-tr.344]. Văn học phản ánh đời sống bằng hình tượng. Trong văn học, tư tưởng không hiện ra bằng triết lý khô khan, bằng những phát biểu thuần tuý mang tính chất chính luận, mà là cái lấp lánh đằng sau những hình tượng nghệ thuật. Tư tưởng nghệ thuật không hiện lên ở những dòng chữ, mà hiện lên ở đằng sau những con chữ, ở giữa những dòng chữ. Tư tưởng phải thấm vào từng dòng, từng trang trong việc sử dụng ngôn ngữ, trong cách xây dựng nhân vật, trong cách dẫn dắt cốt truyện, và cuối cùng, điều quan trọng và quán xuyến nhất, trong chủ đề tư tưởng của tác phẩm[12-tr.339]. Có thể thấy điều này qua truyện ngắn Bức tranh, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng nhân vật người hoạ sỹ và quá trình đấu tranh tư tưởng với chính lương tâm mình diễn ra một cách phức tạp. Cuộc tự vấn của nhân vật hoạ sỹ được tác giả diễn đạt qua ngôn ngữ văn chương giàu sức gợi cảm, gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả đương thời. Nhà văn không bộc lộ tư tưởng của mình một cách trực tiếp nhưng qua hình tượng nhân vật hàng loạt tư tưởng về vấn đề lương tâm, trách nhiệm, đạo đức cá nhân về thói vô ơn và thái độ dửng dưng trước nỗi đau đồng loại…được đặt ra một cách chân thực và thẳng thắn. Ở truyện Sắm vai, Nguyễn Minh Châu đã diễn tả một cách sâu sắc và chân thực quá trình dần dần tự đánh mất mình của nhà văn T. và thái độ dứt khoá từ bỏ việc “sắm vai”. Chuyện đơn giản, bình
dị, xoay quanh những cái hàng ngày dường như rất vặt vãnh, nhỏ nhặt của một đôi vợ chồng. Ẩn đằng sau câu chữ, người đọc bằng vốn sống, sự hiểu biết và khả năng liên tưởng, tưởng tưởng đã khám phá và đồng cảm với bi kịch đáng mất bản thân và những tư tưởng của Nguyễn Minh Châu về ý thức và vai trò cá nhân-đặc biệt là tính trung thực của người nghệ sỹ trong sáng tạo nghệ thuật.
Nguyễn Minh Châu quan niệm: Không phải cứ nhà văn có ý đồ tư tưởng tốt là có được tác phẩm văn học tốt ngay được. Điếu quan trọng có ý nghĩa quyết định là khả năng biểu hiện tư tưởng của nhà văn. Khả năng biểu hiện của nhà văn giống như một thứ ma lực mà ta thường gọi là sức thuyết phục, khiến một người đọc khó tính cũng bị dẫn dắt và chi phối, mỗi một hình tượng của nó sẽ in dấu vào tâm hồn người đọc như một làn roi quất xuống da thịt, đem đến cho người đọc một cảm giác sảng khoái của sự thưởng thức nghệ thuật [12-tr.344]. Truyện của Nguyễn Minh Châu, phần lớn thường hướng về những sự kiện đơn giản, bình thường, không có nhiều xung đột, biến cố, rất đời thường, dung dị như những bức tranh đời sống, như sự tái hiện dòng đời đang trôi chảy. Nhưng từ những cái bình thường, tưởng như chẳng có gì hấp dẫn đó, nhà văn nêu lên những vấn đề hiện đang tồn tại trong đời sống hàng ngày để người đọc cùng bàn luận và suy ngẫm. Nhà văn đã tạo được một thứ ma lực, hấp dẫn người đọc bởi những tư tưởng mang tầm khái quát, triết lý về nhân sinh, chiêm nghiệm về lẽ đời và cảnh tỉnh những suy thoái và băng hoại về đạo đức.
Để tính tư tưởng có ý nghĩa sáng tạo, có giá trị nhân bản, Nguyễn Minh Châu tâm niệm : Phải nắm chắc vấn đề nào đó - phải là vấn đề nghiêm túc và thiết yếu trong đời sống hiện tại và lấy nó làm chủ để tư tưởng, như vậy mới dọn được một miếng “đất” rộng rãi để cho các nhân vật quen thuộc tới hoạt động [12-tr.340]. Có thể nhận thấy xu hướng truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau 1975 là loại truyện bàn luận về những vấn đề đạo đức mang tính chất tâm lý xã hội. Bản thân nhà văn cũng tự nhận xét mình đang xông vào
mặt trận đạo đức. Trái tim nhân hậu, giàu tình yêu thương và luôn trân trọng con người cùng với lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút khiến ông đặc biệt chú trọng vào vấn đề thiết yếu có ý nghĩa xã hội lúc bấy giờ là những biểu hiện băng hoại đạo đức sau chiến tranh, những vấn đề về nhân sinh, thế sự ẩn chứa những bi kịch, những nghịch lý, đòi hỏi phải có những đổi mới, những điều chỉnh trong cách nhận thức xuất phát từ nền tảng tư tưởng là tính nhân bản.
Nguyễn Minh Châu khẳng định: Muốn có tác phẩm lớn văn học phải chấp nhận những tầm tư tưởng lớn của những ngòi bút dám nói thẳng, nói thật dù những điều đó không phải dễ nghe thậm chí đảo lộn mọi quan niệm đã lỗi thời. Nhìn lại nhiều sáng tác của nhà văn ta nhận thấy một Nguyễn Minh Châu tài năng và tâm huyết, luôn trăn trở, dằng xé trong tần bi kịch đánh mất bản thân. Ông đã dũng cảm gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thất thiệt to lớn của văn nghệ minh hoạ: nhà văn đánh mất cái đầu và tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng. Dám nói thẳng, nói thật, dám tự dò dẫm, tự mày mò, tự đổi mới trước khi làn sóng đổi mới xuất hiện trong đời sống tinh thần của dân tộc, Nguyễn Minh Châu đã vượt qua mọi trở lực một cách chậm chạp nhưng mạnh mẽ và kiên quyết. Tư tưởng đổi mới của Nguyễn Minh Châu đã vấp phải vô số những phản ứng trái chiều nhưng ông đã làm bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết tìm kiếm chân lý, tìm kiếm sự đổi mới cho văn học nước nhà. Ông đã dám nói những điều không phải dễ nghe, đảo lộn những quan niệm, những cách nhìn nhận đã lỗi thời, lạc hậu, bảo thủ và phiến diện về con người, cuộc đời và nghệ thuật. Đọc Chiếc thuyền ngoài xa ta hiểu được tư tưởng của nhà văn về trách nhiệm của người nghệ sỹ. Sự thật nghiệt ngã, trớ trêu trong câu chuyện đã đặt ra vấn đề về cách nhìn đời nhìn người đa diện, tránh lệch lạc. Bởi lẽ chiến tranh đã đi qua nhưng cuộc đời vẫn còn đó rất nhiều nôĩ đau và những cảnh đời bất hạnh. Với Khách ở quê ra, Sống mãi với cây xanh, lần đầu tiên Nguyễn Minh Châu đặt lại vấn đề tiếp nhận chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu đặc biệt là của người đàn ông mang tính gia trưởng.
Trong Mảnh đất tình yêu ông lại cảnh tỉnh với độc giả về những thất thiệt to lớn của của cách mạng khi những con người chân chính mất cảnh giác để cho lũ cơ hội, nhân cách kém cỏi chiếm chỗ…Khi mô tả cái ác, tư tưởng chủ đạo của nhà văn là khơi gợi, thức tỉnh lương tri, đem lại tính nhân bản sâu sắc. Để thể hiện được tính tư tưởng trong các tác phẩm văn chương, Nguyễn Minh Châu tâm niệm: Phải rèn luyện tư tưởng lập trường và tình cảm của mình luôn tốt, luôn luôn trong sáng. Tư tưởng người viết không dứt khoát, không rành rẽ, không mãnh liệt thì không thể nào thổi bùng lên ngọn lửa chủ đề tư tưởng tác phẩm định viết …[12-tr.340]. Có thể nói nhà văn đã có một sức làm việc dẻo dai, một lòng dũng cảm, một nghị lực và sức chịu đựng bền bỉ để đặt ra sau mỗi trang viết, những vấn đề nghiêm túc và thiết yếu của thời đại .Tính tư tưởng trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã bộc lộ cách thức nhận thức, phản ánh cuộc sống hiện thực một cách đặc thù của nhà văn. Nhà văn phải huy động toàn bộ những năng lực tinh thần của mình để tạo ra hệ thống các hình tượng nghệ thuật. Tư tưởng nghệ thuật thể hiện trực tiếp lý tưởng thẩm mỹ nảy sinh do sự cọ xát, sự va chạm giữa trí tuệ, tâm hồn của nhà văn với hiện thực khách quan của đời sống. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, hệ thống các hình tượng nghệ thuật chính là nơi thể hiện tính tư tưởng thông qua cách cảm, cách nghĩ, thái độ của nhà văn đối với cuộc đời. Có thể nói Nguyễn Minh Châu đã thể hiện trong các tác phẩm của mình tính tư tưởng một cách bản lĩnh, thể hiện được quá trình đổi mới tư duy nghệ thuật và khát khao sáng tạo của người nghệ sỹ. Tuy nhiên, không thể không nhận thấy rằng đôi khi nhân vật do phải đảm trách quá nhiều chức năng chuyển tải tư tưởng của nhà văn nên phần nào mang tính minh hoạ. Chính ông cũng đã từng nói về truyện ngắn của mình: Quá chú trọng tính chất luận đề đạo đức…, tôi chưa đưa được vào cái hơi thở và nhịp điệu của cuộc sống [54-tr.104]. Người đọc nhiều khi có cảm giác nhân vật thiếu đi tính chân thật, sinh động vì phải luôn thể hiện những tư tưởng mới mà nhà văn muốn gửi gắm. Thời gian đầu, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu đã gặp không
ít những phản ứng nghi ngờ về cách thể hiện tư tưởng của nhà văn và nghi ngờ tính chân thật của tác phẩm. Dẫu vẫn còn hạn chế trong cách biểu hiện, song tính tư tưởng mà Nguyễn Minh Châu thể hiện trong các sáng tác của mình đã chứng tỏ khả năng tìm tòi, sáng tạo và đóng góp to lớn của nhà văn cho tiến trình đổi mới của văn học nước nhà. Những tư tưởng sâu sắc được thể hiện qua các sáng tác của ông mang ý nghĩa thức tỉnh người đọc, nói như G.S. Phong Lê…ở trong đó mọi cái đang vỡ ra tạo nên những khoảng trống phải nghi ngờ, suy nghĩ…đòi hỏi chúng ta phải có sự tỉnh táo trong nhận thức xuất phát từ nền tảng tư tưởng nhân đạo.
Chương 3
Quan niệm về nhà văn của Nguyễn Minh Châu
qua Di cảo
Nhà văn là yếu tố trung tâm của quá trình sáng tạo. Quan điểm đề cao vai trò của nhà văn, coi nhà văn là yếu tố trung tâm của quá trình sáng tạo văn học đã chi phối hệ thống lý luận văn học của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Vì vậy, vai trò của nhà văn đã được bàn đến với nhiều điểm nhìn khác nhau. Nhà văn không chỉ là một yếu tố của quá trình sáng tạo trong tương quan với tác phẩm và người đọc mà còn nhìn nhà văn trong tương quan với đời sống xã hội, với trách nhiệm của một con người xã hội mà trước tiên là việc xác định sứ mệnh của nhà văn. Bởi lẽ, là chứng nhân của thời đại, nhà văn không thể đi ngược lại với thực tế, không thể che đậy, giấu diếm với bất cứ giá nào, không thể phản bội thiên chức của mình để đánh lừa độc giả ngày nay và mai sau. Vận mệnh nhà văn không thể tách biệt và luôn gắn với vận mệnh dân tộc. Ý thức, trách nhiệm trước sự tồn vong của dân tộc cũng là một chuẩn giá trị để người đọc đánh giá nhà văn.
Nhà văn là ai ? Nhà văn có vai trò gì trong sự phát triển của văn học nghệ thuật? và có những sứ mệnh nào với xã hội và con người? Đây là
những vấn đề mà bất cứ người cầm bút nào cũng đều có thể tự đặt ra cho mình. Tất nhiên, sẽ có nhiều cách trả lời khác nhau, từ mọi đối tượng khác nhau trong xã hội nhưng không phải nhà văn nào cũng có thể trả lời một cách thấu đáo. Chỉ ở những nhà văn thật sự tài năng, thật sự tâm huyết với văn chương, với nghề cầm bút mới coi những câu hỏi trên là nỗi trăn trở, day dứt và thể hiện chúng trong những trang viết với chân dung tinh thần và cái nhìn mang tính chất phản biện, thậm chí là phản tỉnh của mình về nhà văn và nghề văn. Nguyễn Minh Châu là một người như vậy. Ông là người rất coi trọng nghề văn. Ngay từ khi còn tham gia chiến tranh với tư cách là một người lính ông đã tuyên bố với bạn bè một cách rất nghiêm túc: sau này tớ sẽ viết văn.
Việc chọn nghề là một định hướng, là một thuộc tính của con người. Ai định hướng đúng, biết rõ mình là ai, bao giờ cũng có một kết quả tốt đẹp và ngược lại. Đối với nghề Văn và nói chung là nghề giấy mực, cái định hướng ấy càng cần nghiêm túc nhất là khi anh đã trở thành chuyên nghiệp thì trách nhiệm chủ thể của anh rất lớn. Anh phải là người của công chúng và chịu trách nhiệm với thiên chức của mình. Ai thực tài thì "anh hoa phát tiết" ai không đủ tài chắc chắn sẽ bị chính anh tự đào thải anh...Từ khi chưa thành danh, Nguyễn Minh Châu đã coi viết văn là một nghề với đấy đủ tính nghiêm túc của một nghề nghiệp chứ không phải là một thú chơi hay là nghề tay trái. Nhà văn quan niệm: Không có một nghề nào mà kết quả công việc lại có thể cắt nghĩa rõ rệt chân giá trị của người làm ra nó như nghề viết văn. Trong mối quan hệ văn học (nhà văn - tác phẩm - bạn đọc), nhà văn - với tư cách một chủ thể sáng tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu. Văn học Việt nam đang có những bước chuyển mình, đánh giá lại và đề cao vai trò của cá tính sáng tạo. Với cái nhìn mang dấu ấn của tư duy lý luận hiện đại, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện qua Di cảo một cách nhìn về nhà văn với những hệ thống quan điểm mới trên cơ sở tôn trọng tài năng nghệ thuật, phát triểncá tính sáng tạo và lấy hiệu quả nghệ thuật trong tác phẩm làm trung tâm, làm điểm xuất phát trong quan niệm của mình.
3.1. Quan niệm về tài năng của người cầm bút
3.1.1.Tài năng của người cầm bút gắn liền với cá tính sáng tạo