Giai đoạn ý thức của người cầm bút

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu qua Di cảo (Trang 108)

thể hiện ý thức của người cầm bút. Đây là một giai đoạn quan trọng, cần thiết mang ý nghĩa quyết định: Ấy là giai đoạn chúng ta đang trải qua một bước trưởng thành mới rất cần thiết và quyết định để trở thành nhà văn thực sự

[12-tr.334]

Giai đoạn ý thức là giai đoạn thử thách rất khó khăn của nhà văn: phải đối mặt với một cuộc đào thải lặng lẽ, tàn nhẫn và nghiệt ngã của thời gian. Liệu có vượt được những cái đã viết hay không ? Nguyễn Minh Châu suy ngẫm về cái sự “cắc cớ” của nghề văn: có người viết suốt một đời, sách chồng cao hơn người, tài năng ai cũng phải công nhận, thán phục, viết đến mờ cả mắt, trụi tóc mà vẫn không có tác phẩm nào vượt được lên trên cái ban đầu

[12-tr.334]. Nguyễn Minh Châu đã đặt ra vấn đề rất thực tế là : trong bước chuyển mình của cách mạng và của văn chương không ít cây bút bối rối do dự, thậm chí dừng lại trên con đường sáng tạo của mình dù rằng đã có những thành công nhất định. Nhà văn có vượt lên chính mình hay không ? có khẳng định được vị trí và khả năng sáng tạo của mình chính hay không ? có trở thành nhà văn thực thụ hay không ? chính là ở giai đoạn ý thức. Có những người chỉ ngẫu nhiên có được một số sáng tác đột xuất cũng được chuyên nghiệp hoá, rồi sau cứ “lẽo đẽo” theo đuổi mãi với nghề, song không bao giờ viết được cái gì khá hơn những cái ban đầu kia nữa. Hoặc có những người có năng khiếu, phải nói là rất có năng khiếu nữa, có thể trở thành một cây bút làm nghề thuần thục, nhưng sau một vài tác phẩm đầu, sinh ra lười biếng, làm dối, làm ẩu, sống bằng cái uy danh sẵn có của tác phẩm đầu tay mà không biết rằng nhà văn là người đời đời khởi nghiệp, cuộc đời người viết chỉ có nghĩa ở chỗ luôn luôn là những cuộc làm lại từ đầu… số người viết khoẻ, đều tay, cái sau hơn cái trước, số đó không phải là nhiều nếu như không muốn nói là còn rất khiêm tốn.

Đối tượng phục vụ của nền văn học mới là nhân dân lao động. Bản thân những người cầm bút trẻ phần lớn là con em của nhân dân lao động trưởng thành lên. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, tận trong tâm khảm

mọi người viết, bao giờ cũng khắc khoải một điều: phục vụ trước đã, tìm tòi làm chi vội, gắng viết làm sao để những người mới thoát nạn mù chữ cũng hiểu, thế là quý rồi. Bấy nhiêu lời dặn dò, điều tâm sự… là những yếu tố tạo nên cả một khí hậu văn học, nếu có thể nói như vậy. Chúng ta thường chỉ mới lưu ý tới ảnh hưởng của những điều kiện đó tới kết quả về mặt sáng tác. Rằng văn học ta sau 1945 mới chỉ có những tác phẩm lành mạnh phản ánh một cách khiêm tốn những biến chuyển của cách mạng. Rằng các nhà văn còn cần làm việc nhiều mới dần dần có được những tác phẩm tương ứng với tầm vóc của lịch sử v.v….và v.v…Tất cả những cái đó đều đúng, nhưng còn nhiều hệ luỵ khác, nhất là những hệ luỵ cô kết thành nếp sống nếp nghĩ, cái đó mới đáng lo. Chẳng hạn, việc miêu tả đời sống như một cách sao chép, không đào sâu tận đáy làm nổi lên những quy luật đời sống - ban đầu là một thực tế phải chấp nhận, sau trở thành một thứ khuôn thước gần như bắt buộc phải tuân thủ. Đúng là khi đã là người viết chuyên nghiệp, trong thâm tâm nhiều nhà văn cũng thấy phải phấn đấu để tạo ra cốt cách cho ngòi bút của mình, học thêm, trau dồi bản lĩnh thêm. Nhưng có cái lạ ở một số người viết văn là nét tâm lý đáng sợ sau đây: khi không làm được thì ngại, thì coi là việc không cần làm. Và nếu mình không làm được mà người khác có ý muốn làm thì ra công khích bác, chế giễu. Những lời châm chọc tương tự đã giết hại bao mầm mống tốt đẹp ở những người toan đi vào con đường tự rèn mình, những mong manh lại cho nghề văn một ý nghĩa cao quý như một thiên chức tốt đẹp. Viết văn, quả là một quá trình khổ luyện, đòi hỏi sự tìm tòi, kiên nhẫn. Chỉ những ai thực sự nghiêm túc mới gặt hái được thành công. Nguyễn Minh Châu không chỉ dừng lại ở những băn khoăn trăn trở về giai đoạn ý thức của người cầm bút mà bằng tài năng và tâm huyết của mình ông đã thể hiện một sự bứt phá mạnh mẽ, vượt qua giai đoạn bản năng bằng khẳ năng sáng tạo mãnh liệt. Nguyễn Minh Châu càng viết càng tỏ ra sung sức. Ông có sức viết ngày càng khỏe. Hầu như ai đã từng gặp Nguyễn Minh Châu đều ngạc nhiên, tự hỏi con người gầy gò, bề ngoài có vẻ nhút nhát ấy lấy đâu ra sức lực mà suy nghĩ, mà viết,

mà sáng tạo nhiều đến thế ? Câu trả lời thật đơn giản, bởi nhiệt huyết của ông với nền học nước nhà. Đáng nói hơn là nhà văn đã nhanh chóng bôc lộ bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Có thể ở điểm này, điểm kia, ở phương diện này, phương diện khác vẫn còn phải bàn thêm, đòi hỏi thêm ở ông, nhưng trên đại thể, dư luận thừa nhận và ca ngợi ông, người đọc yêu mến ông. Vậy điều gì trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã cuốn hút đông đảo bạn đọc? Có thể tìm thấy nguyên do trước tiên, nguyên do chủ yếu là từ những vấn đề con người và xã hội được nhà văn nhạy bén phát hiện, mạnh dạn đặt ra và góp phần giải quyết đúng đắn trong nhiều tác phẩm của mình. Đó thường là những vấn đề nóng hổi, trọng yếu và bức thiết. Đó cũng thường là những vấn đề có ý nghĩa về con người và xã hội mà khá phức tạp, gai góc. Để khám phá chúng, nhà văn, cố nhiên, phải nhanh nhạy, phải tỉnh táo. Song hơn bao giờ hết, nhà văn cần phải giàu nhiệt huyết, giàu dũng khí. Đó là biểu hiện tập trung trách nhiệm công dân của người cầm bút. Bởi lẽ, nếu không mạnh dạn nêu ra và trả lời những câu hỏi lớn của cuộc đời thì người nghệ sĩ trong chế độ chúng ta có thể làm điều gì khác hơn để tích cực cải tạo cuộc sống và thúc đẩy cuộc sống đi về phía trước.

Có thể dễ dàng nhận thấy Nguyễn Minh Châu quan tâm nhiều tới những vấn đề nóng hổi, bức xúc của cuộc sống ngày hôm nay. Ông đã khẳng định cần phải có đủ sáng suốt để nhìn thấy những vấn đề đang còn ẩn náu trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, những vấn đề về vận mệnh mệnh đất nước và dân tộc, những vấn đề về con người chúng ta [26-tr.19].Tính tích cực của người cầm bút có trách nhiệm đã khiến ông cảm nhận nhanh nhạy hơn cả đối với những vấn đề mang tính cấp thiết: phải xông vào mặt trận đạo đức.. Bởi lẽ, nhà văn tiên tiến ở bất cứ nơi nào và bất cứ thời nào bao giờ cũng hướng thẳng tới những vấn đề của cuộc sống đang diễn ra. Đây là đòi hỏi da diết của chính bạn đọc khi tiếp nhận nền văn chương của dân tộc mình, thời đại mình. Nhưng đây lại là thử thách lớn đối với bản lĩnh, tài năng của người cầm bút.

Nguyễn Minh Châu đã suy ngẫm và trăn trở rất chân thành và sâu sắc về giai đoạn ý thức của nghề văn: Liệu ý thức về nghề nghiệp và kiến thức về lý luận có trở thành gánh nặng trên lưng người nghệ sỹ và những lo toan về cuộc sồng hàng ngày có làm cho chúng ta giữ được tâm hồn trong sáng ?

[12-tr.334]. Cuộc sống vốn không xuôi chiều. Người viết văn vẫn còn bao trăn trở với cuộc sống, với nghề nghiệp của mình. Nghề viết văn là nghề không dễ dàng. Nhà văn phải có bản lĩnh chính trị, kiến thức rộng, độ sắc sảo, nhạy bén và một tấm lòng chân thành hướng về cuộc sống, hướng về con người. Áp lực nghề nghiệp là rất lớn, bởi chỉ đưa ra những thành phẩm thiếu tính tư tưởng là bạn đọc sẽ lãng quên. Nuôi dưỡng niềm tin của công chúng, dám đối mặt với những thử thách của cuộc sống, người cầm bút đối mặt với những hiểm nguy không phải dễ dàng có thể vượt qua. Mục đích của niềm đam mê và cũng lắm thách thức này là cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Mục đích đó không ngừng đòi hỏi mỗi nhà văn lao động hết mình đến khi họ thôi cầm bút. Sống trong sức ép như vậy, người viết có thể trưởng thành và chín chắn hơn nhưng đồng thời nó cũng đặt những người cầm bút trước những áp lực của trách nhiệm. Nó có thể mang lại hạnh phúc cho họ nhưng cũng có thể đẩy họ vào bất hạnh. Nó đồng thời tạo ra niềm vui, niềm vinh quang nhưng cũng dễ đưa đến những nỗi buồn mà chỉ những người sống chết với nghề mới hiểu và chia sẻ được.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu qua Di cảo (Trang 108)