Quan niệm về phản ánh hiện thực trong văn học

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu qua Di cảo (Trang 61)

Đề cao vai trò quan trọng của hiện thực đời sống để làm nên tác phẩm, Nguyễn Minh Châu cũng đã bày tỏ sự băn khoăn của mình về những biểu hiện cần phê phán khi phản ánh hiện thực trong văn học. Trước tiên, phải kể đến cái tội dễ dãi khi phô bày hiện thực đời sống một cách giản đơn: Thông thường đối với tác phẩm văn học chúng ta thường xuyên mắc với nó cái tội dễ dãi mức độ khác nhau: dễ dãi ở cách nhìn và phô bày đời sống một cách đơn giản và dễ dãi về nghệ thuật trình diễn đời sống chưa được khúc xạ qua lăng kính nghệ thuật. [12-tr.362]. Nhà văn đã thể hiện quan niệm văn học lấy hiện thực làm đối tượng phản ánh nhưng phải là sự sao chép hiện thực một cách

đơn giản và dễ dãi. Dù biết rằng vănhọc phải bám rễ vào mảnh đất hiện thực để sáng tạo nhưng hiện thực trong tác phẩm không phải là cái hiện thực y nguyên ngoài cuộc sống mà là hiện thực đã được khúc xạ qua lăng kính của người nghệ sỹ. Nghĩa là hiện thực thứ hai chứ không phải hiện thực ở dạng

sao chép. Nguyễn Minh Châu đã có những suy ngẫm tâm huyết, mang tính chất đối thoại và phản biện sâu sắc (Dẫu biết rằng đây là những điều ông viết cho mình-chưa công bố. Nếu đã trở thành bài tiểu luận, có thể, sẽ có những đẽo gọt cho hoàn chỉnh và an toàn hơn ). Quan niệm của Nguyễn Minh Châu có điểm rất gần với suy nghĩ của M.Gorki: Văn học cần phải vươn cao hơn hiện thực, nó phải nhìn hiện thực từ phía trên một chút, bởi vì nhiệm vụ của văn học không phải chỉ là phản ánh hiện thực. Mô tả cái hiên tồn chưa đủ, cần phải nhớ đến cái đang mong muốn, cái có thể có [6-tr.15]

Không chỉ phê phán cái tội đơn giản và dễ dãi trong việc phản ánh hiện thực, Nguyễn Minh Châu còn phê phán hai căn bệnh gần như đối lập khi mô tả hiện thực cuộc sống : mô tả một cách trần trụi hoặc mô tả một cách hoa lá cành : Lâu nay, náu dưới cái vẻ mới mô tả cuộc sống một cách trần trụi ( có cái nghệ thuật ấy thực ) mà đưa ra những mẫu người ngổ ngáo, viết những câu văn ngổ ngáo, không được nghệ thuật hoá – và được coi như đó là một nhà văn trần trụi không hoa lá cành. Hoa lá cành là một bệnh nhưng cái thứ “hiện thực nôm na đến loã lồ cũng là một thứ căn bệnh” [12-tr.362]. Căn bệnh mô tả cuộc sống một cách trần trụi, nôm na được hiểu là sự mô tả hiện thực một cách thô thiển với những mẫu người ngổ ngáo những câu văn ngổ ngáo, không khơi gợi được xúc cảm thẩm mỹ từ phía người đọc. Nhà văn đã sử dụng cách nói hình ảnh:“hiện thực nôm na đến loã lồ”thể hiện thái độ mỉa mai lên án gay gắt, tạo được sự chú ý và gây ấn tượng mạnh mẽ. Gần như đối lập với bệnh mô tả cuộc sống một cách trần trụi là thứ bệnh hoa lá cành. Phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn đề cập đến bệnh nhìn hiện thực ở cái vẻ đèm đẹp bên ngoài của nó mà không đi sâu vào khám phá bản chất. Đó là cái thứ văn chương kết hoa, vờn mây, không hề đem lại giá trị đích thực cho con người và cuộc đời..

Nguyễn Minh Châu còn phê phán mạnh mẽ cách nghĩ, cách viết về hiện thực một chiều, phiến diện, thiếu tính chân thực, mang tính minh hoạ, chủ quan, áp đặt đã và đang tồn tại trọng văn học nước nhà- đặc biệt là văn học

trước thời đổi mới : Chúng ta,do minh hoạ, cái gì cũng chỉ nhìn sự vật, nhìn con người có một mặt, rồi máu cực đoan bốc đồng lên, bảo đấy là sự vật [12- tr.372 ]. Ông đã đưa ra những ví dụ cụ thể: Chiến tranh: về một phía khác phủ định tất cả hai mặt của chiến tranh; Cải cách ruộng đất: không được nhìn nông dân bằng cả hai phía. [12-tr.373]. Nhìn lại văn học viết về chiến tranh của nước nhà, ta thấy hiện thực mà văn học phản ánh là hiện thực theo hướng có lợi cho cách mạng. Đó là hiện thực được mở ra từ chiến trường đến hậu phương, từ đồng bằng đến trung du, lên miền núi…, từ hậu phương ra tiền tuyến, đến vùng địch hậu …với muôn vàn con người thuộc đủ mọi tầng lớp: bộ đội, công nhân, nông dân, trí thức …đang ngày đêm nhiệt tình chiến đấu, bảo vệ và dựng xâyđất nước, đóng góp phần sức lực nhỏ bé cho xã hội. Các nhà văn đã ghi chép lại những điển hình xã hội phong phú và đa dạng, những nguyên mẫu đẹp nhằm khẳng định vẻ đẹp của con người Việt Nam. Sự định hướng các tác phẩm viết trong chiến tranh như trên, không phải là không có phần hợp lý của nó. Muốn đánh lại kẻ thù mạnh hơn, người ta phải không biết sợ. Phải suy nghĩ khác với cách nghĩ thông thường. Phải cứng cỏi sắt đá mà không dễ mềm lòng trước mọi mất mát đau thương. Có thể nhận thấy các sáng tác mang tính chất tuyên truyền cổ động, lãng mạn cách mạng trở nên nhẹ bỗng đi nếu nhìn từ góc độ phản ánh hiện thực và nghệ thuật biểu hiện. Nguyễn Minh Châu đã dũng cảm phê phán thứ văn học chỉ phản ánh hiện thực một chiều theo lối minh hoạ, mang tính công thức và lý tưởng hoá. Có thể nói ông là người đầu tiên dùng cách nói nền văn nghệ minh hoạ để nói về nền văn học cách mạng 1945 – 1975. Bài tiểu luận nổi tiếng Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ gây xôn xao dư luận của ông đã thể hiện tập trung cách nhìn nhận, đánh giá những giá trị tích cực và đặc biệt là chỉ ra những hạn chế của văn học cách mạng. Văn học Việt Nam từ 1945- 1975 đã được khai sinh và kiến tạo theo kiểu Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận ( Hồ Chí Minh ) cùng với kiểu nhà văn mới: nhà văn - chiến sỹ. Khuynh hướng, tư tưởng chủ đạo của văn học là tư tưởng cách mạng.- văn

học phải là vũ khí phục vụ cách mạng. Gắn bó với dân tộc, với nhân dân và đất nước, dùng ngòi bút để phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, cổ vũ chiến đấu là đòi hỏi là yêu cầu cao nhất của thời đại và cũng là tình cảm, ý thức tự giác, tự nguyện của nhà văn. Các nhà văn đều ý thức rất rõ rằng trong hai cuộc kháng chiến, chúng ta phải đương đầu với những kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn gấp bội phần. Vận mệnh nhà văn bao giờ cũng gắn với vận mệnh dân tộc và ý thức của nhà văn trước sự tồn vong của dân tộc cũng là một chuẩn giá trị để người đọc đánh giá nhà văn. Người sáng tác cần khẳng định dứt khoát và mạnh mẽ ý thức trách nhiệm của mình trước vận mệnh dân tộc, Số phận nhà văn không thể tách biệt khỏi số phận chung của đất nước. Ý thức sâu sắc về trách nhiệm công dân khiến họ phải gác lại việc phản ánh tất cả những gì không trực tiếp tạo nên chiến thắng hoặc ảnh hưởng đến chiến thắng - dù đó là hiện thực đang hiển hiện trước mắt nhà văn. Những tổn thất, hy sinh, những cái chết đau lòng, những mất mát không thể nguôi ngoai, những số phận đầy bi kịch, cái giá phải trả cho những chiến thắng, những thiệt thòi, đau khổ của những người ở hậu phương….tất cả đều phải lảng tránh để không nhụt lòng các chiến sỹ ngoài mặt trận. Người viết văn tự nguyện, tự giác chỉ phản ánh những điều tốt đẹp, thậm chí còn lãng mạn hoá, thi vị hoá hiện thực: do nhu cầu cổ động và không nắm chắc đời sống nên một số văn thơ đã trình bày hiện thực dưới một cái dạng nhiều chất thơ, lãng mạn hoá [39-tr.190]. Người đọc thì cũng dễ dàng chấp nhận, cảm thông với người sáng tác- bởi lẽ người đọc cũng cần phải khẳng định tình yêu Tổ quốc của mình. Thị hiếu của đông đảo công chúng đã đón nhận nồng nhiệt với cách viết mà Nguyễn Minh Châu gọi là tráng lên một lớp men trữ tình. Như thế hiện thực được phản ánh trở nên thi vị, lý tưởng hoá và cũng vì thế mà sơ lược, đơn giản, lâu dần trở thành thói quen cả ở người sáng tác và người thưởng thức. Cách viết như thế đã tạo lực cản và sức ỳ, không kích thích được sức sáng tạo ở người cầm bút.

Nói đến minh hoạ là nói đến việc làm rõ thêm, sinh động thêm để làm sáng tỏ một vấn đề nào đó. Hiểu rộng ra văn nghệ minh hoạ là nền văn nghệ có ý nghĩa cụ thể hoá, làm rõ thêm, sinh động thêm những quan điểm, đường lối, tư tưởng của Đảng. Xem nội dung là cái có trước rồi từ đó thiết kế một hình thức phù hợp càng khiến cho hoạt động sáng tác dễ rơi vào khuynh hướng minh họa. Sáng tác văn học trở nên giảm đi tính chất tự do cá nhân và mang tính chất một công việc quan phương. Không phải là không có những sự đa dạng và những tìm tòi trong phong cách, trong cá tính sáng tạo nhưng tất cả hầu như phải ở trong một khuôn khổ đã định sẵn. Nếu minh hoạ mà có được những tác phẩm hay, đặc sắc, phản ánh chân thực con người và cuộc sống thì cũng chẳng cần phải bàn. Vấn đề là ở chỗ vì minh hoạ nên người viết thường theo theo những khuôn khổ có sẵn chứ không phải là phản ánh hiện thực trong sự đa dạng, muôn màu, muôn vẻ và trong chiều sâu khôn cùng của nó. Và cũng vì minh hoạ nên văn chương giống như một dàn đồng ca, thiếu đi tính chất đa thanh, đa giọng điệu, tính nhân văn và tính xác thực, đa dạng của nhân tình thế thái.

Không chỉ dừng lại ở việc phê phán thứ văn nghệ minh hoạ, Nguyễn Minh Châu đã phân tích những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự tồn tại quá lâu thói quen minh hoạ trong văn học. Trước tiên là sự kéo dài quá bao cấp tư tưởng văn học [12-tr.373]. Rồi đến thói quen tự nguyện, tự giác của chính những người cầm bút. Cuối cùng là sức ỳ, thiếu sáng tạo của những người cầm bút : Chúng ta tìm tòi nhưng vẫn chỉ tìm trong bờ bụi chung quanh nhà mà thôi [12-tr.373]

Nguyễn Minh Châu cũng không ngần ngại chỉ ra cái sức ỳ, cái quán tính trong sáng tác của các nhà văn có thói quen được bao cấp tư tưởng, khiến họ bị thui chột sức sáng tạo. Ông đã thể hiện rất rõ: Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối, chính sách bằng hình tượng văn học sinh động và …các nhà văn cũng tự nguyện, tự giác…Từ đấy thành thói quen khiến cho nhà văn đánh mất cái đầu, tác phẩm văn học đánh

mất những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn [39-tr.133]. Ông nhận thấy cũng có những người cầm bút cảm thấy thiếu thốnbức bối nhưng không thắng nổi thói quen và quán tính : tự dụ dỗ mình, khuyên nhủ lẫn nhau, tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềng càng và cũng để an toàn họ vừa muốn phô diễn tư tưởng…để cảnh tỉnh với đời một cái gì đó tiên cảm nhưng rồi lại dấu nó đi [39-tr.133]. Qua những dòng nhật ký ghi ngày 14/7/1977, Nguyễn Minh Châu đã tâm sự rất chân thành về việc các nhà văn rất khó khăn trong việc phá bỏ sở trường, thay đổi cách viết dù biết đó là việc rất nên làm: Trong cái công việc phá bỏ sở trường của chúng ta hàng chục năm nay thì cho đến bây giờ, cho đến khi chúng ta phải phá bỏ đến cái cuối cùng là chính bản thân mình, thì chúng ta lại thấy khó khăn, không thể nào làm được, không thể nào phá bỏ được. [12- tr.346].Nhà văn đã thẳng thắn chỉ ra thói quen minh họa kéo dài trong văn chương đã ăn sâu vào nếp nghĩ của chính người cầm bút, làm giảm đi ý chí sáng tạo và dũng khí đổi mới.

Tất nhiên, không thể nói bừa rằng Nguyễn Minh Châu phủ nhận hoàn toàn văn nghệ minh hoạ. Chính hiện thực cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cũng đã đem đến nguồn cảm hứng lớn và những phẩm chất mới cho văn học. Bản thân Nguyễn Minh Châu cũng đã khẳng định: Có người bảo đó là tô hồng. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Chính không khí thời đại đã tác động đến ngòi bút của tôi[25-tr.82]. Là một nhà văn chiến sỹ, trên mặt trân tư tưởng của Đảng hơn ai hết Nguyễn Minh Châu đã sống và viết với tâm nguyện dùng ngòi bút phục vụ hết mình cho cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc. Nhân vật trong các sáng tác của ông mang vẻ đẹp lý tưởng với cảm hứng ngợi ca. Tập thể chiến sỹ trong Dấu chân người lính, sẵn sàng hy sinh tất cả cho tổ quốc; Cô giáo Thuỳ hiền dịu nết na vừa hết lòng trong sự nghiệp trồng người vừa là một cô dân quân dũng cảm, quan tâm đến mọi người dân trong ngôi làng nhỏ nằm sát sông Kiều trong Cửa sông ….Nhưng khi lịch sử đã sang trang, chính bản thân nhà văn đã nhận ra giữa hiện thực trong tác phẩm

và hiện thực cuộc sống có một khoảng cách. Khoảng cách đó dễ làm cho nhà văn đánh mất mình, đánh mất cá tính sáng tạo (Nếu nói theo cách của Nguyễn Tuân là nhà văn không còn có thể đóng dấu triện vào tên mình bằng các tác phẩm nữa). Và như thế, văn học phải trở về với chức năng chính của mình: văn học là nhân học- nếu không sẽ mất đi ý nghĩa đích thực của nó.

Phê phán văn nghệ minh hoạ, Nguyễn Minh Châu mong muốn thu hẹp cái khoảng cách giữa văn học với hiện thực, để văn học không phải như đi sơ tán vậy và những người cầm bút không phải đi ở ẩn ngay trong tác phẩm của mình. Chúng ta vô cùng khâm phục sự dũng cảm, sự thành thực và đặc biệt là tâm huyết của ông với mong muốn thúc đấy sự phát triển của văn học nước nhà thời đổi mới.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu qua Di cảo (Trang 61)