Góp phần từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của người dân; tạo sự quan tâm, chú ý của cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ môi trường nơi sinh sống, trong sinh hoạt gia đình hàng ngày và những hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt…
Phát huy quyền làm chủ, nâng cao tính tích cực, chủ động của người dân trong việc tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong đó có các quy định về môi trường làng nghề cũng như xây dựng các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nhiều hương ước đã ra đời tại các làng nghề, nhiều tổ chức tự nguyện hoạt động bảo vệ môi trường với sự đóng góp tài chính của từng hộ sản xuất đã hoạt động hiệu quả.
Tăng cường sự thống nhất hành động trong hệ thống Mặt trận, phối hợp với chính quyền, ngành chuyên môn trong việc huy động toàn xã hội tham gia công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường làng nghề nói riêng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, việc cần làm ngay.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong bảo vệ môi trường làng nghề, song vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập chưa được giải quyết, đáng quan tâm nhất là công tác quản lý. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho môi trường tại làng nghề trong thời gian qua chưa được cải thiện, nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất của những yếu kém là các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu và chưa cụ thể; chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề của các cấp quản lý chưa rõ ràng; chưa có quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung làng nghề; tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề còn yếu và chưa phát huy hiệu quả; nhân lực, tài chính và công nghệ cho bảo vệ môi trường làng nghề không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn; chưa huy động được đầy đủ các nguồn lực xã hội trong bảo vệ môi trường làng nghề.
Trong giai đoạn tiếp theo, làng nghề cần được phát triển theo định hướng bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn.