Thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề nuôi rắ nở xã Vĩnh Sơn

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về làng nghề nuôi rắn ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (1986 - 2008 (Trang 50)

Xã Vĩnh Sơn có nghề nuôi rắn truyền thống lâu đời, Vĩnh Sơn vốn là xã sản xuất nông nghiệp thuần nông nghề nuôi rắn. Trước đây, các hộ làm nghề chỉ mang tính thủ công vì vậy hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm cổ truyền, tổ chức sản xuất với quy mô lớn, đưa máy móc vào sản xuất chủ động đầu tư các hệ thống máy móc hiện đại mang tính liên hoàn. Sự phát triển của làng nghề đã đem lại nhiều công ăn việc làm cho lao động trong xã. Hiện cả xã có 1304 hộ thì có tới 950 hộ làm nghề nuôi rắn truyền thống (chiếm 72,5%), trong tổng số 4055 lao động có tới 2145 lao động tham gia nghề rắn (chiếm 59,2%), thu nhập bình quân là 1.500.000đ/ lao động/ tháng.

Rắn là loại sản phẩm vừa tiêu dùng trong nước lại vừa xuất khẩu, 70% lượng rắn nuôi được bán cho những người làm nghề thu gom rắn tại xã, 15% là bán lẻ và 15% được bán trực tiếp cho các nhà hàng khách sạn . 63% số thu gom ở xã được bán ở các tỉnh khác như Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu và các tỉnh khác. Kể từ năm 1994, khi Nhà nước cho phép được kinh doanh gây nuôi, nhân giống các loài rắn tại các trại nuôi hợp pháp, nghề nuôi rắn của các hộ gây nuôi ở xã Vĩnh Sơn nói đã phát triển mạnh, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đây không chỉ là nơi cung cấp con giống mà còn cung cấp rắn thành phẩm cho khắp các nhà hàng lớn nhỏ của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Phần lớn sản phẩm rắn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Nhất là từ năm 2000 đến nay, việc buôn bán rắn giữa Việt Nam với Trung Quốc được thông thương mở rộng, sản lượng rắn xuất khẩu tăng gấp 5 lần.

Thế nhưng điều đáng nói là, từ trước đến nay chưa một sản phẩm rắn nào ở Vĩnh Sơn có thể đi ra nước ngoài bằng con đường chính ngạch. Thị trường tiêu

thụ rắn thịt ở Vĩnh Sơn xưa nay chủ yếu là Trung Quốc, thế nhưng để sang được Trung Quốc, rắn Vĩnh Sơn phải qua nhiều khâu trung gian. Đầu tiên, người dân bán cho các đầu nậu ở Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh), các đầu nậu lại gom hàng cho các đầu nậu lớn hơn và sau đó mới có thể xuất sang Trung Quốc. Qua nhiều trung gian, người nuôi rắn Vĩnh Sơn phải chịu thiệt thòi nhiều về giá. Giá bán ở Trung Quốc có khi lên đến 400.000 - 500.000 VND/1kg rắn thịt nhưng người gây nuôi vẫn phải bán với giá 230.000 VND vì họ không còn mối nào khác, nếu giữ rắn thêm một ngày thì phải chịu tiền cước vận chuyển hoặc không may rắn bị chết thì còn thiệt hơn rất nhiều.

Những năm gần đây, Nhà nước có chủ trương duy trì phát triển làng nghề, nhân dân trong xã đã được hỗ trợ vốn trong chăn nuôi rắn, thông qua các hình thức vay ưu đãi. Năm 2000, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xác nhận rắn Vĩnh Sơn là rắn nuôi chứ không phải rắn hoang dã đồng thời cấp giấy phép vận chuyển rắn đến nơi tiêu thụ. Hộ nuôi rắn vơi đi một lo ngại về việc bị tư thương, đầu nậu Lạng Sơn, Móng Cái chèn giá, ép giá, chuyện bị Kiểm lâm thu phạt rắn một cách vô lí … Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn ngày đang càng phát triển với quy mô đa dạng và nhiều hình thức đan xen. Xã đã thành lập Hội nuôi rắn, giúp bà con cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, về vốn và con giống, cùng bảo vệ lợi ích của người nuôi rắn và của làng nghề.

Ngày 24/ 11/ 2006 chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định số 3120/ QĐ - CT công nhận làng rắn Vĩnh Sơn là làng nghề truyền thống. Đặc biệt tháng 11 năm 2007 được hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận làng rắn Vĩnh Sơn là một trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc. Tiếp đó Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định số 2488/ QĐ- UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu làng nghề rắn Vĩnh Sơn – huyện Vĩnh Tường. Vĩnh Sơn sẽ được quy hoạch thành “ Làng nghề chăn nuôi rắn – du lịch – dịch vụ”. Dự án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một với tổng diện tích quy hoạch là 20,87 ha, được thực hiện trong hai năm 2007 – 2008. Quy hoạch làng nghề thành hai phân khu chính: Khu thứ nhất giành cho nuôi rắn sinh sản và rắn thương phẩm, khu

thứ hai giành cho giới thiệu sản phẩm và bán các sản phẩm từ rắn. Tuy nhiên do gặp phải một số vướng mắc nên hiện vẫn còn 35 hộ vẫn chưa giải phóng, hiện ủy ban nhân dân xã đang tiến hành đền bù bằng đất dịch vụ, thời gian tới các hộ còn lại giao đất cho dự án thì dự án sẽ sớm được hoàn thành. Vĩnh Sơn sẽ sớm trở thành nơi tham quan du lịch thu hút nhiều lượt khách tới tham quan ở trong và ngoài nước.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về làng nghề nuôi rắn ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (1986 - 2008 (Trang 50)