Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến việc trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn. Môi trường sống hiện nay của chúng ta có quá nhiều biến đổi, sự xuất hiện và xâm nhập của văn hóa ngoại lai, nền kinh tế thị trường, chạy theo giá trị vật chất nhiều hơn giá trị sống, … đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống con trẻ.
Thứ nhất, Công tác đoàn, đội ở địa phương còn nhiều yếu kém. Trẻ em, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi vị thành niên do những đặc trưng về tâm lý rất ưa thích các hoạt động như: văn hóa, văn nghệ, thể thao, cắm trại, hoạt động tập thể… và rất nhiệt tình tham gia nếu có cơ hội. Nhưng hiện nay các phong trào này ở địa phương đang còn yếu, mang tính hình thức, chưa thu hút được sâu rộng sự tham gia của các em học sinh. Nhiều học sinh còn “chê” các phong trào Đoàn Đội, cho rằng: “nhàm chán”, “không có gì hấp dẫn”, “năm nào cũng như năm nào”, hoặc “em chẳng bao giờ được tham gia, các thầy cô giáo lúc nào cũng chỉ chọn những bạn có năng khiếu hoặc học giỏi” (Nam, 15 tuổi, học lớp 7). Như vậy, công tác Đoàn Thanh niên, Đội cần phải khai thác nhiều hơn nữa nguồn nhân lực trong địa phương, huy
động tinh thần sáng tạo của thanh thiếu niên, luôn đổi mới trong tư duy, tránh tư tưởng chạy thành tích, hình thức… mới có thể hoạt động sâu, rộng trong đời sống thanh thiếu niên.
Thứ hai, do mặt trái của các các phương tiện truyền thông, phương tiện giải trí hiện đại. Ngoài những mặt tích cực các phương tiện này cũng mang đến nhiều hạn chế.Ccác thông tin xấu lan tràn với những nội dung không lành mạnh đã tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi của trẻ VTN. Phim ảnh bạo lực, kích dục, những bài báo câu khách với những tin giết người, cướp của, hiếp dâm… giật gân; những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, thủ thuật trộm xe… đã góp một phần nào đó trong bài học cuộc đời của trẻ, khiến nhiều trẻ vận dụng vào thực tế và vận dụng thành công, làm cho tính chất tội phạm ngày càng tinh vi, táo tợn, trốn tránh pháp luật ngày càng khéo léo.
Là người đã trực tiếp chỉ huy lực lượng cảnh sát hình sự đấu tranh với các loại tội phạm hình sự tại địa bàn trọng điểm, Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Hà Nội cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho số vụ án giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng là đạo đức xã hội đang xuống cấp [37]. Trong khi đó, lớp trẻ hiện đang bị “đầu độc” bởi quá nhiều thứ văn hóa nghe nhìn, giải trí có nội dung kích động bạo lực. Chỉ cần bật các kênh truyền hình được cấp phép hoạt động cũng thấy hàng ngày đang có quá nhiều phim bạo lực. Rồi Internet, game online có nội dung bạo lực tràn ngập. Đây chính là nguyên nhân xã hội đang từng giờ từng ngày tác động tới tâm sinh lý của một bộ phận thanh thiếu niên. Bởi ở độ tuổi đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, khi tiếp cận với quá nhiều thứ giải trí bạo lực sẽ khiến con người bị lệch lạc về nhân cách, hành động theo bản năng và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động. Bên cạnh đó, ma túy tổng hợp gây ảo giác cũng là một nguyên nhân khiến gia tăng các vụ trọng án.
Trẻ VTN hàng ngày, hàng giờ được tiếp xúc với những luồng thông tin trái chiều, nhận thấy nhiều nét văn hóa truyền thống bị mai một, nhiều giá trị bị xói mòn; trẻ không đủ khả năng để phân biệt đâu là tốt, đâu là chưa tốt, dẫn
đến lựa chọn những con đường đi sai lầm cho mình. “Xem phim, thấy siêu trộm lúc nào cũng thoát khỏi cái chết, thoát khỏi tù tội an toàn, vậy làm kẻ trộm cũng không có gì là xấu cả” (Nam, 14 tuổi, học lớp 5). Nhiều em học sinh bị hấp dẫn bởi thế giới ảo, mua bán đồ vật trong trò chơi, chat, facebook… và trở nên đam mê thái quá với những trò chơi đó. Để có tiền chơi game, mua đồ, vào quán Internet mà nhiều em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí còn giết cả người thân của mình để lấy tiền chơi game. Nhiều trường hợp, có em bị dụ dỗ, lôi kéo, lừa vào con đường phạm tội như mại dâm, cướp giật, vận chuyển ma túy…
Thứ ba, nguyên nhân ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ, đến hành vi ứng xử của lớp trẻ cũng là một phần do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Giới trẻ quan sát, chứng kiến điều chướng tai, gai mắt không được xử lý nghiêm nên họ mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào điều thiện, đôi khi coi thường pháp luật. Mặt khác, công tác xử lý, giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội còn chưa tốt, tỷ lệ tái phạm còn cao. Khảo sát tại trường giáo dưỡng số 2 cho thấy, 23 em học sinh (chiếm 23% trên tổng số 100 học sinh trả lời) đã tái phạm và phải vào trường lần thứ hai.
Khung hình phạt đối với trẻ vị thành niên cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều tội phạm phạm tội có tính chất man rợ, giết nhiều người cùng lúc nhưng vì chưa đủ 18 tuổi nên không phải chịu mức án cao nhất là tử hình hoặc chung thân. Đây cũng là kẽ hở khiến tội phạm lợi dụng. Vì vậy, bên cạnh việc phòng ngừa là tạo dựng những môi trường sống tốt cho giới trẻ thì cũng cần những hình phạt đủ để răn đe đối tượng phạm tội. Đối tượng phạm tội trẻ hóa đang ngày càng gia tăng, đã đến lúc các nhà làm luật cần tính tới sửa đổi bổ sung điều luật liên quan đến tội phạm vị thành niên để phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ tư, những mối quan hệ với bạn bè cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hành vi lệch chuẩn của trẻ. Mối quan hệ này có thể tồn tại bên trong hoặc bên ngoài nhà trường, nhưng nó thể hiện mối quan hệ
xã hội vô cùng cần thiết đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Theo điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và các tổ chức khác tiến hành cho thấy, có đến 47,3% trẻ vị thành niên thích tâm sự với người ngoài và đối tượng trẻ tâm sự nhiều nhất là bạn bè. Bạn bè là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu với trẻ vị thành niên, trẻ không thể sống và phát triển nếu thiếu đi bạn bè và một phần nào đó trẻ cũng chịu ảnh hưởng về tâm lý, nhân cách của những người bạn. “Bạn em đôi khi trộm được tiền của mẹ, nó mời bọn em đi ăn rồi đi đánh bi-a. Thấy nó tiêu tiền, ai cũng nể. Em cũng thích được như thế và thỉnh thoảng cũng có lấy trộm tiền”
(Nam, 16 tuổi, học lớp 8). Như vậy, hành vi dù tốt, dù xấu của trẻ cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhau, và tạo thành “hiệu ứng”. Với tâm lý muốn thử cảm giác mới, muốn độc lập, được chứng tỏ… mà nhiều trẻ vị thành niên đã học lẫn nhau và thực hiện những hành vi lệch chuẩn, đặc biệt là những hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy cha mẹ, thầy cô ngoài việc quan tâm đến gia đình, môi trường học còn cần quan tâm đến bạn bè, mối quan hệ ngoài xã hội của trẻ để nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn.