Nguyên nhân từ phía nhà trường

Một phần của tài liệu Trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn tiếp cận dưới góc độ công tác xã hội (Nghiên cứu trường hợp tại trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình (Trang 50)

Khi xem xét nguyên nhân dẫn tới hành vi lệch chuẩn của trẻ, ta cần nhìn nhận tổng quan các yếu tố bởi trẻ không thể phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần chỉ trong phạm vi gia đình mà còn bởi tổng thể các yếu tố khác thuộc yếu tố xã hội, trong đó có nguyên nhân thuộc về phía nhà trường. Trường học là nơi giáo dục học sinh toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh; và việc trẻ có hành vi lệch chuẩn cũng có một phần trách nhiệm từ phía Nhà trường.

Thứ nhất, việc học tập tại trường tạo cho học sinh thấy áp lực. Chương trình học quá tải khiến nhiều em cảm thấy sợ và căng thẳng khi đi học; Áp lực thành tích của nhà trường đè nặng lên vai mỗi học sinh; Không hiểu bài, không được giáo viên quan tâm khiến nhiều em học sinh sức học càng giảm sút; Trình độ và phương pháp sư phạm của giáo viên còn hạn chế... khiến việc học trở thành một gánh nặng và là nỗi sợ hãi của học sinh. Nhiều em trốn học, bỏ học, nghỉ học sớm... rồi sa đà vào các trò chơi online, bi-a, đánh bạc, trộm cắp... lúc nào không hay. Ngoài ra, vai trò của thầy cô giáo trong nhà trường cũng có ảnh hưởng lớn đến nhận thức, thái độ, hành vi của học sinh. Một số giáo viên vì chạy theo thành tích mà không thực hiện nghiêm túc việc coi thi, kiểm tra, chấm bài, có khi còn giúp học sinh trong việc gian lận. “Thi học kỳ chúng em được cô cho quay bài thoải mái, chẳng cần phải học cũng điểm cao, nhất là những môn học thuộc” (Nữ, 16 tuổi, học lớp 7). Những hành vi tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học sinh mà còn tạo ra một thế hệ học sinh lười biếng, gian dối.

Chính vì vậy, trong cơ cấu người chưa thành niên phạm tội, chủ yếu là người có trình độ học vấn thấp. Khảo sát tại Trường Giáo dưỡng số 2 cho thấy, trình độ học vấn cấp 1 là 150 em chiếm 18,9%, cấp 2 là 477 em chiếm 60,2 %, cấp 3 là 122 em chiếm 15,4%, mù chữ là 44 em chiếm 5,5% trên tổng số 793 học sinh. Trong số đó, 95% các em trước khi vào trường đã bỏ học. Hầu hết các em khi vào Trường đều không thích học, nhận thức kém... Khi hỏi về cảm nhận của các em đối với việc học tập trước khi vào Trường Giáo dưỡng, chỉ có rất ít em trả lời hứng thú với việc học tập, còn lại đa số đều có các cảm xúc tiêu cực.

Biểu đồ 6- Cảm giác khi học trên lớp trƣớc khi vào Trƣờng Giáo dƣỡng

Thích thú 6,8% Bình thường 35,2% Sợ và áp lực 18,2% Chán nản 39,8%

Nguồn: Khảo sát của tác giả luận văn, tháng 7 năm 2013

Khi được hỏi, hầu hết các em đều thể hiện thái độ tiêu cực với việc học tập. Có thể nói rằng, việc thiếu quan tâm, động viên của giáo viên là nguyên nhân chủ yếu khiến các em chán ghét, lười học, bỏ học.

- “Em chẳng bao giờ học bài cả, cô giáo biết vậy nên cũng bỏ qua, không bao giờ gọi em lên bảng” (Nữ, 16 tuổi, học lớp 7).

- “Em có làm bài đúng cô giáo cũng cố tìm ra lỗi để trừ điểm, em thấy cô chấm điểm không công bằng, em chẳng thích học nữa” (Nam, 14 tuổi, học lớp 6)

Thứ hai, Nhà trường còn buông lỏng việc quản lý học sinh và chưa phối hợp tốt với gia đình trong việc giáo dục trẻ. Nhà trường hiện chỉ nắm bắt

số lượng học sinh ngồi trên lớp, không quản lý được học sinh nghỉ học vì lý do gì, đặc điểm tâm sinh lý của từng em ra sao, có những biểu hiện bất bình thường nào mới xuất hiện… Nhiều học sinh trốn học đi chơi, sa đà vào các tệ nạn xã hội, tham gia vào nhóm xã hội tiêu cực nhưng nhà trường không kịp thời phát hiện và báo với gia đình, khiến nhiều chuyện gia đình biết cũng đã quá muộn. “Nhiều hôm nghỉ học, em thấy thầy giáo không nói gì nên cứ trốn ra ngoài chơi điện tử. Gặp mấy anh, thỉnh thoảng anh hay trả tiền cho nên thích lắm! Có hôm các anh còn rủ đi đánh bi-a, đi bar nữa. Lâu rồi thành quen, không đi cứ thấy thiếu thiếu”(Nam, 16 tuổi, học lớp 9). Ngoài ra, hình thức kỷ luật tại trường còn chưa đủ nghiêm để răn đe học sinh vi phạm nội quy học đường, nhưng cũng chưa đủ bảo vệ học sinh trước những hiện tượng lệch chuẩn hiện nay.

Thứ ba, nhà trường chưa thực sự chú trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh mà chủ yếu là giảng dạy kiến thức. Cụ thể là môn giáo dục công dân, môn đạo đức, môn kỹ năng sống… lại được coi là môn phụ, ít tiết, không được nhà trường quan tâm trong chương trình giảng dạy. Những môn học này, các em học sinh cũng coi là môn học thuộc lòng, không học cũng chẳng sao, đôi khi giáo viên cũng coi đó là môn tay trái, không cần đầu tư công sức. Việc coi nhẹ một môn học giáo dục nhân cách, đạo đức như vậy trong nhà trường sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc trong nhận thức, thái độ và hành vi của học sinh. “Môn học giáo dục công dân là môn phụ mà, chúng em không cần phải học. Hôm nào có giờ học giáo dục công dân thì được coi là nghỉ giải lao, rất thoải mái” (Nam, 17 tuổi, học lớp 9)

Ngoài ra, công tác phổ biến pháp luật trong nhà trường cũng chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả khảo sát của Vụ Phổ biến Giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp cho thấy [15], 93,4% học sinh phổ thông trung học và phổ thông cơ sở có nhu cầu học pháp luật. Thực tế, có những trường hợp do không hiểu biết về pháp luật nên các em không biết rằng mình đã thực hiện hành vi mà pháp luật cấm. Theo tác giả Đinh Đức Lập [14], hơn 81 % ý kiến người dân

được hỏi cho rằng, ý thức tôn trọng pháp luật trong thanh, thiếu niên hiện nay chưa tốt, trong đó có nguyên nhân do thiếu hiểu biết pháp luật. Việc phổ biến kiến thức về pháp luật giúp cho học sinh định hướng được hành vi của mình của mình trong gia đình, nhà trường và xã hội sao cho đúng mực.

Như vậy, hiện nay vai trò của nhà trường trong việc giáo dục, hình thành nhân cách học sinh vẫn chưa thực sự được quan tâm. Phương pháp dạy học nhồi nhét, chạy theo thành tích nhiều hơn là dạy các em về nhân cách, văn hóa ứng xử, về trách nhiệm của công dân với xã hội đã dẫn đến nhiều hệ lụy, nhiều học sinh ra đời với nhân cách méo mó, thờ ơ, vô trách nhiệm, văn hóa ứng xử xuống cấp, chưa chuẩn mực với thầy cô, cha mẹ. Ngoài các nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân từ phía môi trường xã hội cũng tác động khiến trẻ có hành vi lệch chuẩn.

Một phần của tài liệu Trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn tiếp cận dưới góc độ công tác xã hội (Nghiên cứu trường hợp tại trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình (Trang 50)