góc độ công tác xã hội
3.2.1.1. Trợ giúp tại địa phương
Hiện nay, nhóm trẻ có hành vi lệch chuẩn ở mức độ cao là vi phạm pháp luật được coi là một trong 10 nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam [18]. Tuy nhiên, nhóm trẻ này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và trợ giúp phù hợp vì chính sách của nhà nước chưa có quy định hỗ trợ với nhóm trẻ này. Dưới góc độ công tác xã hội, việc trợ giúp trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn cần được thực hiện tại địa phương như sau:
- Hỗ trợ khi trở về địa phương: Trẻ em vi phạm pháp luật đã chấp hành xong thời hạn giáo dục và hình phạt mà không có nơi nương tựa được trợ giúp để đưa vào cơ sở trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng: Nhân viên công tác xã hội tại địa phương cần kết hợp với các tổ chức, chính quyền để trợ giúp các em hòa nhập cộng đồng. Trẻ rất khó hoặc không thể tái hòa nhập nếu không có sự tác động, tạo điều kiện từ phía chính quyền, gia đình, cộng đồng và xã hội. Để tái hòa nhập cộng đồng, trẻ cần được hỗ trợ học văn hóa, học nghề tại địa phương. Các trường học phải phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các em đi học tại trường. Ngoài việc học văn hóa và học nghề, tạo việc làm cho các em (đặc biệt là đối với trẻ trở về từ trường giáo dưỡng) cũng được coi là một bài toán khó trong hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Nhân viên công tác xã hội phải kết hợp với chính quyền, đoàn thể trợ giúp các em đến các cơ sở có nhu cầu lao động, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế… Có như vậy, việc tái hòa nhập cộng đồng mới mang lại kết quả bền vững.
- Tuyên truyền phổ biến về pháp luật: Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Các hành vi vi phạm pháp luật và các chế tài xử phạt; quy định vào trường giáo dưỡng… Hầu hết trẻ em làm trái pháp luật đều thiếu hiểu biết về pháp luật. Nhiều em còn không nhận thức được việc làm của mình là
phạm pháp, thậm chí còn cảm thấy vui và tự hào. Giáo dục thông qua việc tuyên truyền phổ biến về pháp luật góp phần hạn chế các hành vi làm trái pháp luật, và hơn cả là hình thành nên ý thức, tâm lý tuân thủ pháp luật. Có thể tuyên truyền, phổ biến về pháp luật thông qua: báo, phát thanh tại địa phương, các cuộc thi hiểu biết về pháp luật, qua hình thức sắm vai, làm việc nhóm… Các hình thức cần đa dạng, phong phú để thu hút đông đảo trẻ vị thành niên tham gia.
- Ngoài ra cũng cần đặt lên hàng đầu việc tuyên truyền, phổ biến về đạo đức, lối sống lành mạnh; về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong độ tuổi vị thành niên; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh thiếu niên. Ủy ban Nhân dân các tỉnh cần bố trí dự toán kinh phí phù hợp để tổ chức các hoạt động: mở lớp học giáo dục kỹ năng ứng xử pháp luật, xét xử lưu động vụ án điểm liên quan đến tội phạm là vị thành niên; tổ chức các sân chơi về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và xây dựng mô hình điểm trong giáo dục, trợ giúp trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn nói chung và trẻ vi phạm pháp luật nói riêng.
- Để đưa ra các hướng mới trong việc nghiên cứu quá trình tái hòa nhập xã hội của trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn, các nhà nghiên cứu cần quan tâm đến vai trò của các tổ chức tôn giáo và người truyền đạo, xem họ là một nhân tố tham gia trong quá trình tái hòa nhập của trẻ. Để hoạt động cải tạo trẻ em vị thành niên có hiệu quả cần giáo dục cơ bản như sau: Phân tích các diễn biến tâm lý của trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn thường có biểu hiện ngại học tập, ngại lao động, không tự chủ, thích ăn chơi đua đòi hoặc do bạn bè lôi kéo quen ăn trộm, nghiện hút, cờ bạc…; Xã hội hóa giáo dục trẻ vị thành niên từ gia đình, nhà trường, kết hợp giáo dục học văn hóa, học nghề, tham gia các hoạt động tập thể có lợi… từ đó cá nhân tự khẳng định về bản thân và trở thành nhân tố tích cực của xã hội.
- Thêm vào đó, cũng cần chú trọng việc nâng cao nhận thức của các em về quyền mà mình được hưởng và phương thức bảo vệ bản thân. Nhiều trường hợp, các em bị xâm hại nghiêm trọng về quyền và lợi ích mà không biết, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương; Đẩy mạnh phong trào thanh niên, phối hợp với các nhà trường trong địa phương và khu vực giáo dục đạo đức thanh niên.
- Tư vấn cho các bậc cha mẹ phương pháp giáo dục con cái, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật từ trong gia đình: Trước hết cần xác định gia đình và các thành viên trong gia đình, là đối tượng của công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức được vai trò, chức năng của mình trong việc chăm sóc, quản lý, giáo dục con em, coi trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt. Phải có kiến thức trong việc giáo dục trẻ em, thực hiện tốt cuộc vận động do mặt trận phát động: “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan” và “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”
- Chính quyền các cấp, nhất là cơ sở phải quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nhà trường Phổ thông, tạo điều kiện cho các cháu trong độ tuổi đến trường không có trường hợp nào bỏ học. Mặt khác, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác quản lý xã hội, làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, thường xuyên quan tâm giúp đỡ những gia đình khó khăn. Thực hiện tốt chính sách xã hội, thực hiện chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo, không phân biệt đối xử với gia đình và người lầm lỗi, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo
- Địa phương chú trọng đến quản lý tốt công tác dịch vụ, kinh doanh, các hoạt động văn hóa xã hội trên địa bàn dân cư. Mặt trận và các đoàn thể hoạt động mạnh, không để các em tiếp xúc với các loại văn hóa độc hại. Cần hoạt động tốt để các em tham gia đoàn thể, vui chơi, sinh hoạt lành mạnh. Đối với trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn, cần kết hợp giữa chính quyền, gia đình và nhà trường để quản lý giáo dục.
3.2.1.1. Trợ giúp tại Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình
Đối với trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình, hiện nay, đã có rất nhiều hoạt động thiết thực để trợ giúp trẻ vị thành niên như: học văn hóa, học nghề, học giáo dục công dân, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao… và đạt được nhiều thành quả nhất định. Tuy nhiên, dưới góc độ công tác xã hội, để việc trợ giúp này đạt được hiệu quả cao hơn nữa, cần có một mô hình công tác xã hội trợ giúp trẻ có hành vi lệch chuẩn tại trường.
Thứ nhất, trường giáo dưỡng cần xây dựng một trung tâm công tác xã hội, bao gồm hệ thống các phòng quản lý trường hợp dành cho học sinh trong trường với đội ngũ nhân viên công tác xã hội có kiến thức và kỹ năng làm việc về tâm lý và hành vi lệch chuẩn. Các phòng quản lý trường hợp có thể làm việc với cá nhân một trẻ, cũng có thể làm việc với một nhóm trẻ, tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của những trẻ đó. Khi làm việc với trẻ có hành vi lệch chuẩn cần chú ý không nên có thái độ dọa nạt, khinh thường trẻ. Đặc biệt không nhìn trẻ như kẻ phạm tội, cần giáo dục dạy dỗ hay trừng phạt. Tôn trọng trẻ ở đây được hiểu là tạo cơ hội cho trẻ bộc lộ bản thân, được lắng nghe mọi ý kiến. Luôn tỏ thái độ cởi mở, thân thiện để tạo lòng tin nơi trẻ. Có như vậy, việc tiếp xúc, thu thập thông tin ngay từ ban đầu và làm việc với trẻ mới đạt được hiệu quả mong muốn.
Thứ hai, ngoài việc xây dựng hệ thống các phòng quản lý trường hợp, trường cũng cần có phòng tham vấn – tư vấn tâm lý, tình cảm cho trẻ. Hoạt động tham vấn không thể tách rời với quản lý trường hợp, đặc biệt là với trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn. Ngoài việc tham vấn trực tiếp tại trường, hoạt động của phòng tham vấn cũng mở rộng ra các hoạt động khác như: tham vấn qua thư (nếu trẻ ngại nói ra vấn đề của mình) thông qua hòm thư của phòng tham vấn, hoặc tham vấn qua điện thoại (nếu trẻ đã ra khỏi trường mà vẫn có nhu cầu tham vấn). Chú ý ở đây là cán bộ làm công tác tham vấn là người làm việc độc lập, không kiêm nhiệm các chức vụ khác để hoạt động chuyên sâu, không bị chi phối bởi các hoạt động chuyên môn
khác. Các cán bộ tư vấn này cũng cần được bồi dưỡng về kiến thức, phương pháp, kỹ năng thường xuyên trong quá trình làm việc để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của đối tượng.
Phòng tham vấn cần có mạng lưới cộng tác viên là các giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề… để nhanh chóng nắm bắt tình hình để chủ động tư vấn hay tư vấn phòng ngừa. Mạng lưới những cộng tác viên cần xây dựng uy tín với trẻ vị thành niên, giúp xây dựng nhân cách cho các em, phải cải tạo tốt, tiến bộ; không sợ học tập, lao động, hiểu được giá trị của hoạt động lao động, học tập khi hòa nhập cộng đồng. Các cộng tác viên đều có sổ ghi chép, cập nhật, theo dõi nhằm đánh giá kết quả can thiệp với từng học sinh. Các cộng tác viên dành thời gian nhất định trong giờ làm việc của mình gặp gỡ, tìm hiểu về nguyên nhânn khách quan, chủ quan; hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội, giúp các em cùng xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề. Hoạt động này đã góp phần hỗ trợ tích cực và có hiệu quả cho hoạt động giáo dục chung của nhà trường.
Ngoài ra, trung tâm cần thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm thanh niên, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản... để tư vấn chung cho học sinh trong trường, giải đáp mọi thắc mắc, tạo điều kiện cho học sinh được đặt câu hỏi, nói ra tâm tư, nguyện vọng của mình. Nhà trường cần xây dựng hòm thư góp ý, đặt trong khu nội trú, khu học tập, khu nhà ăn, nhà thăm gặp… tạo thuận lợi cho học sinh được tham gia đóng góp, được góp ý và nêu những thắc mắc, bức xúc của bản thân về những vấn đề xung quanh cuộc sống.
Trung tâm công tác xã hội cũng cần xây dựng các nhóm giáo dục đồng đẳng, trong đó là các nhóm viên tích cực trong tuyên truyền phòng tránh hiệu quả các bệnh xã hội, truyền nhiễm. Ngoài ra, nhóm giáo dục đồng đẳng này cũng hỗ trợ giúp đỡ những bạn khác trong trường về học tập, tâm lý, giao tiếp xã hội…
Thứ ba, công tác giáo dục học sinh tại trường được đề cao hơn bao giờ hết, vì đây là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng giúp các em
nhận thức được cái đẹp, cái hay, phân biệt được tốt xấu, đúng sai và qua đó giúp các em sống có mục đích và định hướng, có thêm kiến thức, sự hiểu biết, sự chia sẻ hỗ trợ giúp nhau cùng tiến bộ. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần làm tăng hiệu quả hỗ trợ cho từng đối tượng hay nhóm đối tượng tại trường. Các hoạt động giáo dục chung cần được thực hiện như học văn hóa, đạo đức, pháp luật, tổ chức đọc sách báo, xem phim (Tòa tuyên án, các phim về pháp luật khác…)… kết hợp với tổ chức thi đua, sơ kết đánh giá, khen thưởng với học sinh tiến bộ.
Các hoạt động thể dục – thể thao trong trường cũng cần được duy trì đều đặn như thể dục giữa giờ ở khu học văn hóa, thể thao buổi chiều và các ngày nghỉ như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… để các em tăng cường thể lực, dành thời gian cho các hoạt động của lối sống lành mạnh.
Công tác lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cũng là công tác quan trọng nhằm giúp các em ý thức về nghĩa vụ lao động, biết ý nghĩa và giá trị lao động, đồng thời chọn nghề nghiệp phù hợp, tạo điều kiện cần thiết để học sinh tái hòa nhập cộng đồng.
- Về lao động: các em được lao động với một số ngành nghề như: chăn nuôi, trồng rau, dệt chiếu, dệt khăn mặt, khâu thảm, đan cói mỹ nghệ, đan lồng… vừa tăng gia sản xuất, vừa giúp các em ý thức về lao động, có kỹ năng tự phục vụ bản thân. Nhân viên công tác xã hội cần chú ý, công tác lao động cho học sinh phải đảm bảo thời gian, ngày lao động theo quy định của pháp luật, các em lao động phải trong môi trường và điều kiện bảo hộ lao động tối thiểu.
- Về dạy nghề: Các em được dạy nghề để có tay nghề ổn định ở các lĩnh vực: cơ khí, xây dựng, cắt may, cắt tóc, sửa xe máy,…Tuy nhiên, Nhân viên công tác xã hội cần tư vấn thêm cho nhà trường các nghề khác đáp ứng với nhu cầu cao của thị trường và nhu cầu của học sinh như: Nấu ăn; tiếp thị; Nhuộm tóc, uốn tóc, duỗi tóc; lái ôtô… nhằm định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp và tăng cơ hội việc làm cho các em khi ra trường.
Nhân viên công tác xã hội cần chú trọng vào việc trẻ thực sự gặp vấn đề gì? Nguồn gốc của vấn đề đó và cách thức giải quyết như thế nào? Qua kết quả điều tra bằng bảng hỏi, ta cũng nhận thấy, trẻ thường gặp vấn đề tâm lý như: Lo lắng về gia đình, nhớ nhà; Bị bạn tẩy chay, bắt nạt; Lo lắng về việc bị kì thị khi trở về cộng đồng; Lo lắng về tương lai sau khi ra trường… Nhân viên công tác xã hội cần kết hợp việc tham vấn tâm lý với định hướng nghề nghiệp, giúp các em có cái nhìn tổng quan nhất về tương lai sau khi ra trường.