Mô hình quản lý nhà nước về công tác thi hành án chưa hoàn chỉnh

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay (Trang 65)

hoàn chỉnh

Chủ trương đổi mới mô hình quản lý hoạt động thi hành án đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra gần 15 năm, thể hiện ở nhiều nghị quyết của Đảng năm 1997, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Trung ương Đảng lần thứ ba (khóa VIII) đã đề cập đến chủ trương "chuẩn bị các điều kiện để tiến tới giao cho một cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án" [24]. Ba năm sau, vấn đề thống nhất quản lý hoạt động thi hành án được nêu ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, báo cáo chính trị tại Đại hội đã nhấn mạnh: "Tổ chức lại cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án theo nguyên tắc gọn đầu mối" [27].

Một bước tiến tiếp theo trong quan điểm và nhận thức của Đảng ta về thống nhất quản lý thi hành án được thể hiện trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 của Bộ chính trị. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng vào tháng 4/2006 đã khẳng định: "Kiện toàn các cơ quan tư pháp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gọn đầu mối" [29].

Có thể nói rằng, chủ trương của Đảng về thống nhất đầu mối quản lý công tác thi hành án và định hướng xây dựng một bộ luật thi hành án đã được thể hiện rõ ràng và nhất quán trong gần 15 năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế còn có những quan điểm, cách hiểu khác nhau về đường lối, chủ trương của Đảng và đòi hỏi có những luận cứ khoa học, thực tiễn sâu sắc hơn, toàn diện hơn. để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự; tiếp theo đó, năm 2010, Luật thi hành án hình sự đã được thông qua. Trong bối cảnh như đề cập ở trên, việc ban hành hai đạo luật riêng biệt điều chỉnh hoạt động thi hành án dân sự và hình sự là giải pháp hài hòa trong giai đoạn trước mắt. Tuy nhiên chủ trương quản lý thống nhất công tác thi hành án vẫn chưa được thể chế hóa, cơ chế quản lý phân tán vẫn được duy trì, làm cho việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW gặp nhiều trở ngại, chậm trễ.

Đứng ở góc độ hoạt động thi hành án nói chung, cơ chế quản lý nhà nước phân tán dẫn đến tình trạng hoạt động quản lý một số loại bản án còn bị cắt khúc, buông lỏng, bỏ ngỏ, cụ thể là chưa có cơ quan thực thi các bản án, quyết định hành chính (không thuộc phần nghĩa vụ dân sự) của tòa án; việc thi hành các bản án, quyết định hình sự tuyên phạt án treo, cải tạo không giam giữ còn lỏng lẻo… Tình trạng phân tán hoạt động quản lý và tổ chức thi hành án như hiện nay còn dẫn đến nhiều hệ quả mang tính hệ thống. Chẳng hạn, việc Bộ công an vừa trực tiếp quản lý và thực hiện chức năng điều tra, vừa quản lý thi hành án hình sự làm hạn chế tính khách quan trong nhìn nhận của nhân dân. Sự phân tán hoạt động thi hành án giữa ba hệ thống cơ quan (Tư pháp, Công an, Quốc phòng) trong đó có hai hệ cơ quan liên quan đến rất nhiều yếu tố bí mật quốc gia sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của công chúng đối với hệ thống nhà tù và trại giam. Vì vậy, tính minh bạch của hệ thống thi hành án chưa thực sự được đảm bảo và thực tế cũng có những vấn đề cần được khắc phục.

Trên thực tế, công tác quản lý thi hành án hiện nay đang ở trong tình trạng thiếu tập trung thống nhất do có nhiều cơ quan khác nhau quản lý, tổ

chức thực hiện (Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp; Ủy ban nhân dân cấp xã…) nên dẫn đến nhiều khó khăn trong việc tổng kết, đánh giá, nắm tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành án. Công tác thi hành án dân sự gặp nhiều vướng mắc trong những trường hợp cùng một bản án hình sự có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm ra quyết định và tổ chức thi hành (cơ quan Thi hành án hình sự chịu trách nhiệm thi hành hình phạt, cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm thi hành phần án phí, tiền phạt và phần dân sự). Sự chưa gắn kết đó cản trở cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người bị kết án, thực hiện các thủ tục thông báo về thi hành án liên quan đến phần nghĩa vụ dân sự…Mặt khác, khoản 3 Điều 180 Luật Thi hành án dân sự quy định cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành dân sự thu tiền thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, khi cơ quan thi hành án dân sự có văn bản hướng dẫn của Bộ Công an, mới thực hiện. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, quyền của người phải thi hành án (trong các đợt xét đặc xá, xét giảm thời gian chấp hành hình phạt tù cho các phạm nhân), gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự, nhất là các trại giam, trại tạm giam không đóng trên cùng một địa bàn tỉnh.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay (Trang 65)