Vai trò của thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay (Trang 26 - 28)

* Thi hành án dân sự là phương tiện đưa bản án, quyết định của Tòa án, của Trọng tài thương mại vào thực tiễn cuộc sống

Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người phải thi hành án. Chính vì vậy, người phải thi hành án thường xuyên tìm mọi cách lẩn trốn, chây ỳ không tự nguyện thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, sau khi áp dụng các biện pháp giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án không đạt kết quả, cơ quan thi hành án sử dụng quyền lực nhà nước thông qua việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để tổ chức thi hành dứt điểm bản án. Do đó, thi hành án trở thành công cụ hữu hiệu để đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án và của Trọng tài thương mại được thực hiện trên thực tế.

* Thi hành án dân sự là thước đo kiểm nghiệm quá trình tố tụng

Trong các giai đoạn tố tụng trước đó như điều tra, truy tố, xét xử của Tòa án và quá trình giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại, các cơ

quan này mới chỉ xem xét nội dung vụ án dưới góc độ lý thuyết, vận dụng các quy định của pháp luật, phân tích về mặt pháp lý các sự kiện để xác định sự thật khách quan của vụ án, xác định ai là người có quyền, ai là người có nghĩa vụ, quyền và nghĩa vụ của mỗi người đến đâu và xác định ai là người có quyền, nghĩa vụ liên quan và kết quả của quá trình đó là bản án, quyết định của Tòa án và quyết định của Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, lúc này các quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan chỉ mới được xác định về mặt pháp lý, chưa được thực hiện trong thực tiễn. Đến giai đoạn thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó trên thực tế, yêu cầu các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Lúc này sự phù hợp hay không phù hợp giữa các quyền, nghĩa vụ được xác định trong bản án với thực tế sẽ được bộc lộ. Mặt khác, trong quá trình tổ chức thi hành án, để việc thi hành án được thuận lợi, cơ quan thi hành án nghiên cứu kỹ nội dung bản án, các tình tiết có liên quan đến vụ án để lên phương án và lựa chọn biện pháp thi hành án. Chính trong quá trình này, cơ quan thi hành án có thể phát hiện ra các sai sót của các giai đoạn tố tụng trước đó, từ đó sẽ kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định theo trình tự giám đốc thẩm hay tái thẩm.

Như vậy, có thể thấy rằng, thi hành án dân sự là công cụ, là thước đo, để kiểm tra tính đúng đắn của các giai đoạn tố tụng trước đó. Nếu tính đúng đắn của các giai đoạn tố tụng trước đó được đảm bảo ở mức độ cao, thì việc thi hành án sẽ thuận lợi, ngược lại nếu các giai đoạn tố tụng trước đó có vấn đề, thì quá trình thi hành án dân sự sẽ gặp nhiều khó khăn.

* Thi hành án dân sự là kênh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân

Quá trình thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình động viên, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án; tiến hành hòa giải để hai bên đương sự thỏa thuận với nhau về phương thức thi hành án. Để làm được việc này,

đòi hỏi chấp hành viên cơ quan thi hành án phải phổ biến, giải thích rõ các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan để các bên thực hiện. Do đó, trong quá trình thi hành án dân sự cơ quan thi hành án đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật nói chung đến người được thi hành án, người phải thi hành án. Mặt khác, do thi hành án là hoạt động mang tính chất đặc thù, quá trình thi hành án dân sự có sự tham gia của rất nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan, nên họ có điều kiện tiếp xúc, nắm bắt các quy định của pháp luật về thi hành án và các quy định có liên quan.

Đặc thù của thi hành án dân sự là sự kết hợp chặt chẽ giữa vai trò chủ động, phát huy trách nhiệm của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự phối hợp các cơ quan tổ chức có liên quan và sự đồng tình của quần chúng, tạo ra sức mạnh tổng hợp, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án không chỉ là hoạt động nghiệp vụ riêng của cơ quan thi hành án, Chấp hành viên mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể xã hội và mọi thành viên trong cộng đồng. Thông qua công tác thi hành án, ý thức pháp luật của nhân dân, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được nâng lên.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)