Nghĩa của thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay (Trang 28 - 30)

* Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đảm bảo công bằng xã hội

Như trên đã nêu, thi hành án luôn đụng chạm trực tiếp đến lợi ích về vật chất và tinh thần của cả người phải thi hành án và người được thi hành án, nên quá trình thi hành án sẽ trực tiếp tác động đến đời sống sinh hoạt của cá nhân, tổ chức được thi hành án và phải thi hành án đến người có quyền và nghĩa vụ liên quan, thậm chí ảnh hưởng đến cả những thành viên trong gia đình của cá nhân và tổ chức đó. Trên thực tiễn có rất ít trường hợp người phải

thi hành án tự nguyện thi hành án, luôn chây ý tìm đủ mọi cách gây khó khăn cho cơ quan thi hành án và không chịu thi hành án, điều đó đồng nghĩa với việc quyền lợi của người được thi hành án không được đảm bảo và kéo theo hàng loạt các vấn đề khiếu nại kéo dài, án tồn đọng và các vấn đề về an ninh trật tự, tính nghiêm minh của pháp luật và niềm tin của nhân dân. Mặt khác, cũng có nhiều trường hợp, người phải thi hành án không thỏa mãn với kết quả xét xử của Tòa án do quá trình xét xử không khách quan, hoặc có sự không rõ ràng về pháp lý, nên người phải thi hành án tìm mọi cách để trì hoãn, chống đối việc thi hành án. Chính vì vậy, thi hành án dân sự sẽ là một cơ chế hữu hiệu để các bên thi hành án thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, thi hành án dân sự không chỉ bảo vệ riêng quyền lợi của người được thi hành án, mà thi hành án dân sự còn bảo vệ cả quyền lợi của người phải thi hành án, những người có quyền lợi liên quan đến việc thi hành án. Một bản án, quyết định của tòa án được đảm bảo thực hiện trên thực tế, điều đó cũng chính là công bằng xã hội được đảm bảo.

* Thi hành án dân sự đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương an toàn xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa

Công tác thi hành án nói chung, thi hành án dân sự nói riêng có một ý nghĩa, vai trò quan trọng trong hoạt động Nhà nước. Thông qua hoạt động thi hành án, những phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước, thể hiện ý chí của Nhà nước được trở thành hiện thực, công lý xã hội được thực hiện. Quá trình giải quyết một vụ án chỉ kết thúc khi bản án quyết định của Tòa án được thi hành kịp thời và đầy đủ. Nếu công tác thi hành án dân sự không được quan tâm và không có hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực, tác động đến toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, trật tự kỷ cương xã hội bị vi phạm, quyền lực nhà nước bị xem thường, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm hại. Thi hành án dân sự đạt hiệu quả sẽ mang lại niềm tin cho nhân dân đối với tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần lập lại kỷ

cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, một bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không được thi hành trên thực tế cho thấy sự thiếu nghiêm minh của pháp luật, dễ gây ra sự mất đoàn kết, xung đột kéo dài trong nhân dân, tạo kẽ hở để các phần tử phản động lợi dụng tuyên truyền lôi kéo nói xấu chế độ, kích động thù hận, gây chia rẽ trong nội bộ nhân dân.

Bản án, quyết định của Tòa án nếu không được tổ chức thi hành, thì toàn bộ kết quả của cả quá trình tố tụng trước đó trở nên vô nghĩa, dẫn đến kỷ cương phép nước bị coi thường. Thông qua thi hành án dân sự, các mối quan hệ xã hội bị xâm hại được khôi phục lại tình trạng ban đầu, trật tự pháp luật được lập lại. Bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành một cách triệt để sẽ có tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của người được thi hành án, người phải thi hành án nói riêng và nhân dân nói chung, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, làm cho mọi người hiểu và làm theo pháp luật, góp phần nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay (Trang 28 - 30)