Phương pháp điều chỉnh

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 34)

Phương pháp điều chỉnh của Luật Thi hành án dân sự là tổng hợp những cách thức mà Luật Thi hành án dân sự tác động lên các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của nó. Do đối tượng điều chỉnh của Luật Thi hành án dân sự khá đa dạng và trong thi hành án dân sự các đương sự vẫn có quyền quyết định quyền lợi của họ nên Luật Thi hành án dân sự Việt Nam điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự bằng hai phương pháp là mệnh lệnh và định đoạt.

Luật Thi hành án dân sự điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự bằng phương pháp mệnh lệnh thể hiện ở chỗ quy định địa vị pháp lý của cơ quan thi hành án dân sự hoàn toàn khác với địa vị pháp lý của các chủ thể khác. Trong quá trình thi hành án dân sự, các chủ thể khác đều phải phục tùng cơ quan thi hành án dân sự. Quyết định của cơ quan thi hành án dân sự được đưa ra trong quá trình thi hành án dân sự các chủ thể khác đều phải thực hiện, nếu không sẽ bị cưỡng chế thực hiện. Sở dĩ pháp luật thi hành án dân sự quy định các chủ thể khác phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định của cơ quan thi hành án dân sự là xuất phát từ yêu cầu của công tác thi hành án dân sự. Trong thi hành án dân sự, việc can thiệp của của cơ quan thi hành án dân sự là rất cần thiết, là yếu tố bảo đảm cho việc thi hành án dân sự được thực hiện. Thực tế đã chứng minh, trong nhiều trường hợp nếu không có sự can thiệp của cơ quan thi hành án dân sự thì việc thi hành án dân sự sẽ không thể thực hiện được. Ngoài ra, cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án dân sự và được thực hiện quyền lực của Nhà nước để tổ chức thi hành án dân sự. Để các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện được chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao

thì các cơ quan này phải có những quyền lực pháp lý nhất định đối với các chủ thể khác. Do đó, ở các quan hệ do Luật Thi hành án dân sự điều chỉnh không có sự bình đẳng giữa cơ quan thi hành án dân sự với các chủ thể khác.

Ngoài phương pháp mệnh lệnh, Luật Thi hành án dân sự Việt Nam cũng điều chỉnh các quan hệ phát sinh quá trình thi hành án dân sự bằng phương pháp định đoạt. Theo đó, trong quá trình thi hành án dân sự các đương sự vẫn được tự quyết định quyền, lợi ích hợp pháp của họ và việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Khi bản án, quyết định được thi hành, các đương sự có quyền tự quyết định việc thi hành án dân sự như yêu cầu đương sự bên kia hoặc cơ quan thi hành dân sự tổ chức thi hành án. Trong quá trình thi hành án dân sự, các đương sự vẫn có thể thương lượng, thỏa thuận việc thi hành án, tự thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án nữa. Sở dĩ Luật Thi hành án dân sự điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự bằng cả phương pháp định đoạt vì bản chất của thi hành án dân sự là việc các đương sự thực hiện các quyền dân sự của họ. Trong giao lưu dân sự, các đương sự có quyền tự quyết định quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì khi thực hiện quyền dân sự trong thi hành án dân sự họ cũng phải có quyền tự quyết định quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Như vậy, Luật Thi hành án dân sự điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án bằng cả phương pháp mệnh lệnh và phương pháp định đoạt. Tuy nhiên, do yêu cầu của thi hành án dân sự nên phương pháp mệnh lệnh là phương pháp được sử dụng chủ yếu nhất.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 34)