QUAN HỆ VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT NÓI CHUNG
Việc đảm bảo thi hành các bản án, quyết định của Tòa án một cách có hiệu quả đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 1992 như một nguyên tắc hiến định: "Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang, và mọi công dân tôn trọng những người và đơn vị cơ quan phải nghiêm chỉnh chấp hành" [36, Điều 136]. Với chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó cải cách tư pháp được coi là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ta đã có những chủ trương để hoàn thiện cơ chế pháp luật về thi hành án dân sự. Năm 1995, tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa VII), Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu yêu cầu sớm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thi hành án; Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cũng nhấn mạnh: "Tập trung thực hiện tót công tác thi hành án, nhất là thi hành án dân sự, khắc phục cơ bản tình trạng tồn đọng kéo dài" [27]. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/2/2005 về chiến
lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 và Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị đã xác định hoàn thiện pháp luật, đổi mới cơ chế thi hành án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp.
Pháp luật về thi hành án dân sự được phát triển và hoàn thiện qua các giai đoạn khác nhau đã thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Năm 2008, Luật Thi hành án dân sự được ban hành là mốc quan trọng đánh dấu sự hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự. Quá trình hai năm thi hành Luật Thi hành án dân sự đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận như hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan thi hành án dân sự đã được kiện toàn; trình tự thủ tục thi hành án có nhiều điểm mới tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho công tác thi hành án dân sự hiệu quả hơn; từng bước góp phần thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.
Bản án, quyết định của Tòa án có được thi hành một cách đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau. Về mặt pháp luật, ngoài yếu tố quan trọng là pháp luật thi hành án dân sự phải phù hợp, khả thi, cơ quan thi hành án dân sự vững mạnh còn đòi hỏi một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, hiệu quả thực thi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cần xem xét đến các yếu tố tác động đến hoạt động thi hành án, cụ thể
là: Thứ nhất, tính đồng bộ, thống nhất, đầy đủ của Luật Thi hành án dân sự
năm 2008 và các văn bản pháp luật có liên quan; Thứ hai, tính tương hỗ, góp phần hỗ trợ cho hoạt động thi hành án dân sự đạt chất lượng, hiệu quả tốt của các văn bản pháp luật. Trên cơ sở đó, trong phần này sẽ tập trung đánh giá một số vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành (chẳng hạn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Luật đất đai năm 2003, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật có liên quan) trong mối quan hệ với pháp luật về thi hành án dân sự (Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành).
Ở mức độ tổng quát, có thể nói rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện với những bước chuyển mình để hướng tới sự hoàn thiện đó, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật thi hành án dân sự trong mối quan hệ với pháp luật thuộc lĩnh vực khác vẫn chưa có được một mặt bằng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thực thi công lý của cơ quan thi hành án và các cơ quan có liên quan.
Trong mối quan hệ với hệ thống pháp luật nói chung, qua công tác thực tiễn thi hành án cho thấy còn nhiều điểm tồn tại bất cập, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật làm hạn chế đến chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án. Cụ thể: