Môi trường kinh tế quốc dân

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ điện thoại di động của Công ty Dịch vụ Viễn thông (Vinaphone) (Trang 72)

Yếu tố kinh tế

Trong những năm qua, sau quá trình đổi mới, cải cách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nền kinh tế của Việt Nam đã thu được những thành quả to lớn đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng GDP ổn định ở mức 7,5% đến trên 8%/năm. Thu nhập bình quân theo GDP cũng tăng lên, mức sống của người dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống không ngừng nâng cao. Cơ cấu kinh tế đã có những bước thay đổi và chuyển dịch tích cực. Năm 2009, tỷ lệ lạm phát được kiềm chế và tương đối ổn định. Cùng với chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ, với sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, ngành du lịch và dịch vụ cũng theo đó phát triển không ngừng. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ tiên tiến kéo theo sự phát triển của một số ngành chủ đạo trong đó có ngành Bưu chính - Viễn thông và CNTT. Tất cả những điều này đã làm nhu cầu về trao đổi thông tin liên lạc và truyền thông ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Với thu nhập và trình độ dân trí ngày một nâng lên, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những phương tiện thông tin liên lạc, truyền thông hiện đại, nhanh chóng và tiện ích, nhu cầu sử dụng các loại hình dịch vụ viễn thông phong phú, đa dạng, và đòi hỏi ngày càng cao. Đây là

64

một trong những tác động tích cực tới các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động.

Yếu tố văn hoá xã hội

Cùng với chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đón nhận và du nhập nhiều xu hướng, trào lưu, phong cách sống và làm việc mới mẻ, phong phú và muôn hình, muôn vẻ. Tâm lý chung của người dân rất nhạy cảm và chuộng những cái mới lạ, tiên tiến, hiện đại. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ngày càng tăng và có sự đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Ngày nay xu hướng phát triển dịch vụ điện thoại di động chứa đựng công nghệ hiện đại, phù hợp, bắt kịp và thỏa mãn nhu cầu của toàn xã hội. Thông thường giới trẻ, khi sử dụng dịch vụ điện thoại di động, vấn đề giá cả dịch vụ không bị cản trở, cái quan tâm lớn nhất vẫn là thị hiếu mang tính thời trang hiện đại; Đối với doanh nhân lại là tính tiện ích với đa dạng dịch vụ giá trị gia tăng; Đối với tầng lớp người có tuổi và bị hạn chế tài chính, thường quen thuộc với các báo chí, truyền hình, điện thoại cố định... họ khó có thể thay đổi thói quen tiêu dùng, để đến với dịch vụ điện thoại di động. Ở khu vực nông thôn, miền núi trình độ dân trí chưa cao, do vậy nhu cầu dịch vụ điện thoại di động chủ yếu bằng tiếng Việt. Như vậy yếu tố văn hoá rất quan trọng trong việc đề ra các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ điện thoại của các doanh nghiệp.

Yếu tố dân số

Hiện nay dân số của Việt Nam khoảng hơn 84 triệu người, mật độ dân số 243 người/km2, thuộc quốc gia có mật độ dân số cao trên thế giới. Sự phân bố dân số giữa các vùng trong cả nước không đồng đều, mật độ dân số tại vùng Đồng bằng Sông Hồng cao nhất (1179,5 người/km2) vùng Tây Bắc thấp nhất (66 người/km2), tại các thành phố cao hơn rất nhiều so với các vùng nông thôn. Trong những năm gần đây và trong thời gian tới sẽ diễn ra xu hướng di

65

cư từ nông thôn ra thành thị và xu hướng đô thị hoá nhiều khu vực nông thôn. Vì vậy, nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông nói chung và dịch vụ điện thoại di động nói riêng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước chênh lệch nhau tương đối lớn. Mặt khác, Việt Nam được coi là nước có dân số trẻ. Số người dưới 14 tuổi chiếm tỷ lệ cao, số học sinh, sinh viên chiếm khoảng trên 20 triệu (theo www.edu.net.vn-thongke), đây chính là đối tượng phục vụ chủ yếu của dịch vụ điện thoại di động trong tương lai.

Yếu tố chính sách pháp lý và định hướng của Nhà nước

Môi trường pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ điện thoại di động thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Nhiều quy phạm pháp luật đã được Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, từng bước mở cửa thị trường, đẩy mạnh cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông về viễn thông; Nghị định về tần số vô tuyến điện; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và tần số vô tuyến điện, Chiến lược phát triển Bưu chính Viễn thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông, Internet,... Bên cạnh đó, với chủ trương hội nhập, Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về Bưu chính Viễn thông thông qua việc ký kết những hiệp định song phương và đa phương với nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam. Môi trường pháp lý về viễn thông đã tạo được một hành lang pháp lý đồng bộ, rõ ràng, minh bạch cho các hoạt động theo đúng quy định của các bộ luật chung trong nước; phù hợp với luật, thông lệ quốc tế về viễn thông.

66

Mặt khác hiện nay tình hình thế giới có nhiều biến động to lớn: những cuộc giao tranh quyết liệt giữa các sắc tộc, giữa các quốc gia và nạn khủng bố diễn ra tràn lan ở một số nước, nhưng tại Việt Nam vấn đề an ninh chính trị vẫn hết sức ổn định và được đảm bảo. Đây là một trong những điều kiện hết sức quan trọng và thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông tập trung mọi nỗ lực vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ điện thoại di động của Công ty Dịch vụ Viễn thông (Vinaphone) (Trang 72)