Bài học kinh nghiệm

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 37)

Từ kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động về du lịch của 3 nước trên đây, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau cho Việt Nam:

* Xây dựng chiến lược, kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh:

Để cạnh tranh thu hút khách du lịch một cách hiệu quả trên thị trường du lịch quốc tế, cần thiết phải xây dựng chiến lược cạnh tranh du lịch quốc gia, từ đó triển khai kế hoạch và chương trình cạnh tranh cho từng thời kỳ, phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch. Đây là bài học quan trọng rút ra từ chính những nước thành công trong phát triển du lịch nêu trên. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhu cầu và xu hướng đi du lịch của khách ngày càng đa dạng và luôn thay đổi, vì thế, đối với nước đang phát triển du lịch như Việt Nam càng cần sớm phải xây dựng chiến lược cạnh tranh và có kế hoạch, chương trình cụ thể trong từng giai đoạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách du lịch, khẳng định vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế.

* Xây dựng thương hiệu và khuếch trương hình ảnh điểm đến

Nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, cả 3 nước trên đều coi trọng tới việc xây dựng thương hiệu và khuếch trương hình ảnh điểm đến thông qua biểu tượng (logo), khẩu hiệu, thông tin, quan hệ công chúng, marketing trực tiếp và hỗn hợp, phát triển sản phẩm và dịch vụ... nhằm tạo dựng hình ảnh và vị thế của du lịch các nước này trên thị trường quốc tế. Khẩu hiệu Malaysia-Truly Asia, Amazing Thailand thực sự gây ấn tượng và thiện cảm với khách du lịch. Chính những chương trình khuếch trương này đã góp phần đáng kể vào việc thu hút khách quốc tế đến các nước này trong thời gian qua.

Ngày nay, mọi điểm đến du lịch đều có các khách sạn cao cấp, các điểm du lịch hấp dẫn và có di sản văn hóa độc đáo, người dân giàu lòng mến khách và ngành du lịch rất quan tâm đến du khách. Dịch vụ và tiện nghi gần như không có sự khác biệt nhiều, vì vậy, các điểm đến khác nhau cần tạo sự độc đáo, khác biệt với các điểm đến khác, điều đó thực sự trở thành cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của điểm đến. Do đó, các nước quan tâm phát triển du lịch đều phải tạo dựng và khuếch trương hiệu quả thương hiệu điểm đến trên thị trường thế giới. Thương hiệu điểm đến không chỉ là những yếu tố hữu hình như khẩu hiệu quảng cáo, logo, tập gấp, trang web mà còn bao gồm các yếu tố vô hình như thông tin quảng cáo, quan hệ công chúng và marketing trực tiếp, các sự kiện

đặc biệt, các chiến lược bán và thực hiện sản phẩm/dịch vụ. Thương hiệu luôn là hỗn hợp của tất cả các yếu tố này trong mối liên kết chặt chẽ với nhau.

Tạo dựng thương hiệu là một quá trình xây dựng và nhận dạng tính khác biệt, độc đáo và đặc trưng của điểm đến du lịch. Xây dựng thương hiệu là sự phối hợp tất cả sản phẩm và dịch vụ của các ngành khác nhau như nông nghiệp, du lịch, thể thao, nghệ thuật, đầu tư công nghệ, giáo dục... liên quan đến điểm đến. Mục tiêu là để nắm được bản chất của điểm đến trong một thể thống nhất. Tuy nhiên, ý tưởng để tạo dựng thành công thương hiệu điểm đến đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng và mất nhiều năm. Thương hiệu điểm đến không chỉ tạo ra mà còn khuếch trương những gì đất nước, vùng hoặc thành phố đã cung cấp. Nếu một nước, khu vực hoặc điểm du lịch có các sản phẩm tương tự rồi thì sức mạnh của thương hiệu nhanh chóng biến mất. Vì vậy, luôn chú ý tới đối thủ cạnh tranh, nghiên cứu phương pháp nâng cao vị thế của nước bạn để xây dựng thương hiệu của mình phù hợp.

* Đẩy mạnh công tác thị trường, marketing, xúc tiến du lịch

Công tác thị trường, marketing và xúc tiến du lịch được coi là chìa khóa để chiếm lĩnh thị trường, đẩy mạnh hoạt động thu hút khách du lịch. Để đạt được mục tiêu thu hút khách, phải hiểu rõ thị trường, đặc điểm, tâm lý, thị hiếu, khả năng chi tiêu của từng đối tượng khách, từ đó có biện pháp đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Muốn vậy, phải xây dựng chiến lược marketing du lịch quốc gia, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xác định được thị trường trọng điểm, trên cơ sở đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp và tổ chức xúc tiến hiệu quả cả trong và ngoài nước.

Để thực hiện tốt công tác marketing, xúc tiến du lịch ở nước ngoài, cần tổ chức chiến dịch xúc tiến du lịch trong từng giai đoạn. Mỗi chiến dịch có khẩu hiệu và biểu tượng riêng, kéo dài từ 1-3 năm. Để tổ chức chiến dịch này có hiệu quả, cần có sự tham gia của Chính phủ, Cơ quan Du lịch quốc gia, các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Cơ quan Du lịch quốc gia phải có đội ngũ chuyên nghiệp, năng động, có kinh nghiệm về marketing, hiểu biết thị trường nước ngoài. Trước khi phát động chiến dịch, cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung và cách thức tổ chức, huy động lực lượng chuyên nghiệp tham gia, thuê các tổ chức quảng cáo du lịch lớn, có uy tín xây dựng logo, khẩu hiệu và làm phim quảng cáo về chiến dịch. Tập trung tổ chức tốt các sự kiện như lễ hội ẩm thực, lễ hội truyền

thống, các sự kiện thể thao, các chiến dịch xúc tiến bán hàng, tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế về du lịch. Tổ chức các tour làm quen cho nhà báo, hãng lữ hành nước ngoài, quảng cáo thường xuyên trên các kênh truyền hình quốc tế lớn như CNN, TV5, ZDF. Tận dụng lợi thế của mạng Internet để xúc tiến du lịch.

* Phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ theo

hướng tiêu chuẩn hóa

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, sản phẩm phải dựa trên nhu cầu thị trường, phải bán những sản phẩm thị trường cần chứ không phải những sản phẩm mình có. Vì vậy, sản phẩm du lịch chào bán trên thị trường phải là kết quả từ nghiên cứu thị trường, từ mong muốn của du khách. Sản phẩm du lịch đơn điệu, kém hấp dẫn khó có thể thu hút và lưu chân được du khách. Vì vậy, đa dạng hóa sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt để đẩy mạnh hoạt động du lịch, thu hút ngày càng nhiều khách. Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc đều đặc biệt coi trọng tới yếu tố này và đã thành công trong việc lôi cuốn khách. Phát triển du lịch chuyên đề, du lịch MICE, mua sắm, nghỉ dưỡng, leo núi, lặn biển... đã mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút khách du lịch đến các nước trên trong thời gian qua.

Để tăng sức hấp dẫn của các điểm du lịch, cần chú trọng đổi mới chất lượng các điểm đó, đặc biệt là những điểm du lịch lớn; thiết lập mối liên kết du lịch với các nước láng giềng để tăng cường hợp tác kinh tế và du lịch. Nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa dịch vụ du lịch trên cơ sở nhấn mạnh tới an toàn, loại trừ đeo bám khách du lịch; ngăn ngừa tai nạn và bảo vệ khách du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh; tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên đạt tiêu chuẩn quốc tế.

* Thiết lập văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở nước ngoài

Kinh nghiệm rút ra là, để phát triển du lịch quốc tế cần phải thiết lập văn phòng đại diện du lịch ở những thị trường trọng điểm và tiềm năng. Đây là yếu tố then chốt trong chiến lược marketing du lịch quốc gia nhằm thực hiện tốt công tác nghiên cứu, thâm nhập thị trường, thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác với các hãng và đại lý lữ hành nước ngoài, cung cấp, hướng dẫn và giải đáp thông tin kịp thời cho du khách và triển khai các chiến dịch xúc tiến đa dạng tới khách du lịch tiềm năng. Do đó, trong định hướng, hoạch định chính sách phát triển du lịch và xây dựng chiến lược marketing du lịch quốc gia, việc nghiên cứu, thiết lập văn phòng đại diện du lịch ở

nước ngoài phải được đề cập đến như một biện pháp quan trọng, góp phần đẩy mạnh hoạt động du lịch quốc tế của Việt Nam trên thị trường thế giới.

* Chính sách tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế

Để tạo thuận lợi cho du khách, việc miễn thị thực song phương và đơn phương cho khách du lịch từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng là chính sách có tính chiến lược nhằm thu hút khách quốc tế. Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc đã áp dụng thành công chính sách này và đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần quan trọng vào việc tăng nhanh lượng khách quốc tế đến các nước này.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, miễn thị thực vẫn được coi như một trong những giải pháp mang tính đột phá nhằm kích thích nhu cầu và thúc đẩy khách du lịch lựa chọn điểm đến thay vì phải xin thị thực để tới điểm du lịch khác. Một trong những lý do châu Âu trở thành khu vực đứng đầu thế giới về thu hút khách du lịch vì công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) được đi lại tự do tới các nước khác trong khối không cần thị thực, và công dân các nước khác nếu có thị thực vào một nước EU đều được tự do đi lại tới tất cả các nước thành viên còn lại. Đông Á - Thái Bình Dương cũng trở thành khu vực tăng trưởng thứ hai thế giới về lượng khách du lịch một phần do nhiều nước trong khu vực đã áp dụng chính sách này. Việt Nam cũng đã miễn thị thực song phương cho công dân 6 nước ASEAN và miễn thị thực đơn phương cho công dân Nhật Bản, Hàn Quốc và 4 nước Bắc Âu. Tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN năm 2006 đã thông qua chủ trương tất cả công dân các nước ASEAN được tự do đi lại tới các nước trong khối không cần thị thực. Vì vậy, chính sách miễn thị thực cần được coi như một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch.

* Tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách vào mùa thấp điểm

Malaysia, Thái Lan là những nước điển hình áp dụng thành công việc tổ chức các sự kiện để thu hút khách trong mùa thấp điểm như tổ chức chiến dịch siêu giảm giá, giảm giá vé máy bay, giảm giá cơ sở lưu trú và các dịch vụ mặt đất... Đây là bài học kinh nghiệm quan trọng nhằm giảm tính chất mùa vụ của du lịch, kích cầu du lịch, tăng xuất khẩu tại chỗ và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú.

CHƢƠNG 2:

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)