Đổi mới, hoàn thiện luật pháp và cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 109)

cạnh tranh và hội nhập quốc tế

3.3.1.1. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp vì vậy các hoạt động của ngành ngoài việc tuân thủ Pháp lệnh Du lịch còn phải phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam như Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật

Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Đất đai, chính sách về thuế, Quy chế quản lý di tích, Pháp lệnh hải quan, xuất nhập cảnh… Để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc nội dung các luật định trên và tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động du lịch, cần thiết phải nghiên cứu một số cơ chế chính sách phù hợp:

- Chính phủ cần tiếp tục duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Sau những ảnh hưởng của dịch SARS, cúm gà, thiên tai và đặc biệt là cúm H5N1 và đại dịch cúm H1N1 thời gian gần đây cho thấy ngành du lịch sẽ có thể phải tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn trong tương lai. Vì thế, sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ (đặc biệt là Tổng cục Du lịch), sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và tham gia tích cực của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tư nhân sẽ quyết định sự phát triển của ngành du lịch trong những năm tới.

- Trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò chủ yếu của Nhà nước là tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường và môi trường pháp lý thuận lợi cho cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh, xoá bỏ bao cấp, giảm dần hàng rào bảo hộ, vừa khuyến khích vừa hỗ trợ, vừa tạo sức ép buộc các doanh nghiệp từ bỏ thói quen thụ động, ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chủ động đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Do vậy, để tạo môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển nhanh, hội nhập hiệu quả vào ngành du lịch toàn cầu, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nói chung như chính sách tài chính, đầu tư, xuất nhập cảnh, hải quan và cơ chế chính sách về du lịch, du lịch quốc tế để vừa nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch phát triển kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch thế giới.

- Tư tưởng xuyên suốt trong Hiến pháp năm 1992, Luật Doanh nghiệp và Luật Du lịch là tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, ngành du lịch cần phải triệt để xoá bỏ cơ chế xin-cho, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này không chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép, mà được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Nhà nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh hoạt động thông qua vận động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, cung cấp thông tin định hướng cho kinh doanh du lịch, giảm chi phí đầu vào đối với hàng hoá dịch vụ

Nhà nước vẫn còn quản lý giá, xoá bỏ độc quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch…

- Chính phủ và ngành du lịch cần có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào du lịch, biến khu vực này thành khu vực năng động nhất, tạo sức bật cho du lịch Việt Nam phát triển và có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

- Nhà nước tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch. Chính phủ chỉ đạo ngành du lịch chủ động triển khai Luật du lịch, đẩy nhanh xây dựng Nghị định hướng dẫn để điều chỉnh hoạt động du lịch nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý du lịch, phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ, tập quán quốc tế, tăng cường hội nhập quốc tế. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp và đơn giản hoá thủ tục liên quan đến kinh doanh du lịch và khách du lịch.

3.3.1.2. Đổi mới và hoàn thiện chính sách xuất nhập cảnh, hải quan

- Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cần tiếp tục cải tiến quy trình thủ tục cấp thị thực và xét duyệt xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt theo hướng đơn giản, hiện đại hoá trang thiết bị kiểm tra hành lý và hành khách, giải quyết nhanh chóng thủ tục, tránh gây phiền hà cho khách.

- Tổng cục Hải quan cần đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy, đồng bộ, và đơn giản hoá nghiệp vụ hải quan thông qua các biện pháp như thực hiện nhanh chóng quy trình nghiệp vụ, công khai hoá thông tin về thủ tục hải quan.

- Tổng cục Du lịch phối hợp với các ngành tổ chức các khoá đào tạo, tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên làm thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan làm việc tại các cửa khẩu để nâng cao trình độ và thái độ đón tiếp, thể hiện sự cởi mở, lòng mến khách và tận tình giúp đỡ khách.

- Bộ Ngoại giao và Bộ Công an nghiên cứu, trình Chính phủ lộ trình áp dụng chính sách miễn thị thực cho công dân các nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, trước mắt là Pháp, Đức, Anh, úc, Mỹ, Canada để thúc đẩy nhu cầu của khách du lịch từ các nước này đến Việt Nam.

- Các bộ, ngành liên quan như công an, giao thông, địa phương cần giảm thiểu các giấy phép, thủ tục đối với khách du lịch khi tham gia các loại hình du lịch mới và mạo hiểm ở nước ta như loại hình du lịch ôtô, môtô, leo núi, lặn biển, khinh khí cầu, đua thuyền buồm…

3.3.1.3. Đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch

- Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế nói chung và cho du lịch nói riêng. Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn ngân sách tại các trung tâm du lịch và các điểm du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch ở những vùng xa để tạo động lực thu hút nguồn vốn đầu tư khác cho phát triển du lịch, góp phần xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, có cơ chế thúc đẩy xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch và các điểm du lịch tiềm năng còn hạn chế về kết cấu hạ tầng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Nhà nước cần đầu tư nhiều nguồn vốn hơn vào kết cấu hạ tầng cho phát triển du lịch nhưng theo hướng tập trung, không dàn trải như trước để tạo điều kiện thu hút đầu tư, xây dựng các khu du lịch tầm cỡ, đạt tiêu chuẩn quốc tế và có khả năng cạnh tranh cao với các khu du lịch nổi tiếng khác trong khu vực.

- Giao thông là lĩnh vực thiết yếu đối với du lịch. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là đối với du lịch quốc tế đòi hỏi ngành giao thông phải nâng cao chất lượng phương tiện phục vụ và tiếp đón khách ngay từ sân bay; tạo điều kiện đưa đón khách nhanh chóng và thuận tiện từ sân bay tới các thành phố và các điểm du lịch; nâng cao chất lượng hệ thống đường bộ phù hợp; xây dựng đồng bộ và hiện đại hoá hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại các đô thị, các tuyến đường giao thông huyết mạch; tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng bằng đường không, đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng tới các thành phố và điểm du lịch chính ở Việt Nam; cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường biển; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ I, đường Hồ Chí Minh và nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường tới các điểm du lịch tiềm năng. Cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông không chỉ mang lại lợi ích cho phát triển du lịch mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế và thúc đẩy du lịch trong nước.

- Đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các điểm du lịch trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch phát triển du lịch ở địa phương. Để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, đòi hỏi phải cải tạo, nâng cấp cơ sở lưu trú hiện có và khuyến khích đầu tư, xây dựng mới cơ sở lưu trú cao cấp, khu vui chơi giải trí ở những trung tâm du lịch

lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang… Các cơ sở lưu trú mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an ninh, vệ sinh, an toàn, chất lượng phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.

- Nhà nước cần sớm ban hành Luật đầu tư vào lĩnh vực du lịch, không phân biệt đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhiều nước phát triển như Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ… ngoài Luật đầu tư chung họ còn có Luật đầu tư riêng cho lĩnh vực du lịch để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. Vì vậy, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, Chính phủ cần chỉ đạo Tổng cục Du lịch sớm nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật đầu tư vào lĩnh vực du lịch để trình Quốc hội thông qua và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp du lịch Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để khẳng định sức mạnh và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

3.3.1.4. Về chính sách tài chính, ngân hàng

- Về chính sách tài chính, Bộ Tài chính cần nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội cho phép áp dụng một số chính sách sau:

+ Chính sách miễn thuế nhập khẩu phương tiện vận chuyển khách du lịch nhằm đổi mới hệ thống phương tiện vận chuyển khách du lịch quá lạc hậu để nâng cao chất lượng phục vụ du khách;

+ Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch quốc tế nhằm khích lệ khách mua hành hoá tại Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ để tăng nguồn thu;

+ Tăng ngân sách cho hoạt động marketing, xúc tiến du lịch quốc gia. Để thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu thị trường, marketing, đặt văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, Nhà nước cần dành một khoản ngân sách theo một tỷ lệ % ngân sách đóng góp của chính ngành du lịch hàng năm cho công tác này;

+ Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch nghiên cứu hình thành Quỹ xúc tiến du lịch quốc gia trên cơ sở huy động từ 3 nguồn: ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp du lịch và đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân quan tâm tới phát triển du lịch của đất nước. Tiền ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế nên được tập trung vào một khoản do Tổng cục Du lịch quản lý. Tiền lãi của nguồn tiền này được đưa vào Quỹ xúc tiến du lịch quốc gia.

- Về chính sách ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích mở rộng và hiện đại hoá hệ thống ngân hàng trên toàn quốc, đặc biệt là tại các đô thị,

trung tâm du lịch, các điểm du lịch đông khách; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở ngân hàng và chi nhánh ngân hàng trên toàn quốc; thúc đẩy thanh toán các sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua hệ thống lưu thông séc/hối phiếu, thẻ tín dụng và hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.

3.3.1.5. Hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch

Tổng cục Du lịch cần tiếp tục chủ động phối hợp với Tổng cục Thống kê hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch thông qua việc bổ sung, mở rộng biểu mẫu, chỉ tiêu thống kê về du lịch, nghiên cứu ứng dụng hệ thống tài khoản vệ tinh du lịch, xây dựng cơ chế cung cấp nhanh chóng và cập nhật các thông tin thống kê du lịch cần thiết phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch ngắn, trung và dài hạn cũng như chiến lược, kế hoạch marketing thu hút khách du lịch quốc tế.

3.3.1.6. Đổi mới, hoàn thiện công tác tổ chức quản lý hoạt động du lịch đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế

- Tách bạch hoàn toàn chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng kinh doanh trong hoạt động du lịch. Tổng cục Du lịch cần xoá bỏ việc xét duyệt và giao kế hoạch cho các doanh nghiệp trực thuộc Tổng cục Du lịch vì đây là sản phẩm của cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Du lịch là lĩnh vực dịch vụ, nhà nước không cần phải nắm quyền chi phối như các lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Vì vậy, cần đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đoàn thể hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xoá bỏ hoàn toàn cơ chế chủ quản nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch.

- Tổ chức lại Tổng cục Du lịch theo hướng đảm bảo đủ quyền lực và hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương, vừa có thẩm quyền về hành chính vừa có thẩm quyền về chuyên môn kỹ thuật để thực hiện tốt 3 chức năng chủ yếu là quản lý, kiểm tra giám sát và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và phát triển theo khuôn khổ luật pháp về du lịch.

- Ngành du lịch cần thực hiện tiêu chuẩn hoá và chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương tới địa phương. Có chính sách lựa chọn, chiêu mộ, sử dụng và đãi ngộ thích đáng những người có tài năng, kinh

nghiệm và chuyên môn về du lịch trong việc hoạch định chính sách phát triển du lịch của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)