Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 120)

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ với đặc thù là sản phẩm du lịch được sản xuất và phục vụ trực tiếp trong quá trình tiêu thụ. Hơn nữa, ngành du lịch còn sử dụng nhiều lao động và khả năng sẵn có của các nguồn nhân lực du lịch được đào tạo và có kỹ năng là yếu tố cốt yếu cho thành công của bất kỳ kế hoạch phát triển du lịch nào. Quan trọng hơn, con người cùng với các tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá tạo ra sự khác biệt cơ bản về tính hấp dẫn của một quốc gia như một điểm đến du lịch. Vì vậy, đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cốt yếu đối với ngành du lịch. Đào tạo nguồn nhân lực sẽ là một phần quan trọng trong việc xây dựng Việt Nam thành công như một điểm đến du lịch hấp dẫn. Hiện tại, có khoảng cách giữa số lượng các cơ sở du lịch, các khách sạn và phát triển du lịch với số nhân viên được đào tạo có khả năng làm việc và điều hành các doanh nghiệp du lịch. Đào tạo được đặt ra cho tất cả các cấp từ lãnh đạo du lịch trung ương tới nhân viên các doanh nghiệp du lịch của nước ta.

- Tổng cục Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung quy hoạch, phát triển hệ thống trường đào tạo nghề, đại học, sau đại học về du lịch tại các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ cũng như những khu vực có tiềm năng du lịch như Tây Bắc, Tây Nguyên.

- Thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa trường dạy nghề, trường đại học và các tổ chức du lịch để tạo thành hệ thống trong đó kỹ năng tiếp đón và phục vụ có thể được phát huy và yêu cầu đào tạo nhân viên tương lai có thể được đáp ứng. Tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng theo hướng đi thực tế, thực tập tại các khách sạn cao cấp trong và ngoài nước.

- Việc đào tạo cần chú ý ở các cấp trung ương, địa phương, doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh, nghiệp vụ du lịch. Nội dung đào tạo tuỳ theo cấp độ, phạm vi công việc của người lao động mà xác định cho phù hợp.

- Chú trọng đào tạo có hệ thống, chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên viên marketing du lịch cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương để xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược và kế hoạch marketing du lịch ở cấp quốc gia và địa phương.

- Tổ chức triển khai đúng tiến độ và hiệu quả các dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch do Luxemburg, EU tài trợ; Tổng cục Du lịch cần tăng cường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các dự án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để kêu gọi tài trợ của các tổ chức quốc tế. Có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học, trường đào tạo nghề du lịch ở Việt Nam với các trường đại học, trường đào tạo nghề du lịch nổi tiếng ở các nước phát triển về du lịch như Thuỵ Sỹ, áo, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, úc để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho Việt Nam như cấp học bổng cho sinh viên, công chức và nhân viên ngành du lịch nghiên cứu, học tập tại các trường này, cử giáo viên sang giảng dạy về du lịch tại các trường đại học và đào tạo nghề du lịch ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)