Coi trọng bảo vệ môi trường cảnh quan du lịch

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 122)

3.3.7.1. Đối với môi trường tự nhiên

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường trong ngành du lịch. Tổng cục Du lịch cần chủ trì thực hiện việc đánh giá tác động môi trường trong công tác quy hoạch phát triển du lịch và thẩm định các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch;

thiết lập chiến lược và chính sách quốc gia và địa phương liên quan đến phát triển du lịch và khách sạn, trong đó tính đến ảnh hưởng môi trường của các dự án và giới hạn điều này đối với năng lực kết cấu hạ tầng của khu vực.

- Tổng cục Du lịch phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ làm sạch môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng, nước sạch và tái sử dụng chất thải tại các cơ sở kinh doanh du lịch; ban hành chính sách khuyến khích phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, du lịch bền vững và thực hiện quản lý tiết kiệm năng lượng tại các khách sạn, nhà hàng, đẩy mạnh quản lý chất thải theo chiến lược 3R (tái sử dụng, giảm xả thải và tái chế). Tổ chức hướng dẫn, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường. Đưa giáo dục môi trường du lịch vào trường phổ thông.

- Bộ Tài nguyên Môi trường tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hệ thống xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch, cảnh báo kịp thời những điểm du lịch có nguy cơ ô nhiễm và thực hiện các biện pháp mạnh tay, nhằm ngăn ngừa, đình chỉ ngay các dự án đầu tư có nguy cơ hủy hoại tài nguyên, môi trường cũng như các hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch.

3.3.7.2. Đối với môi trường xã hội và nhân văn

- Ngành du lịch cần thường xuyên trao đổi với cộng đồng dân cư địa phương để cùng nhau giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển du lịch để đảm bảo gìn giữ, bảo vệ tài nguyên cho phát triển bền vững. Cần lồng ghép nội dung bảo vệ tài nguyên và môi trường trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch.

- Chính quyền địa phương xây dựng chương trình giáo dục, tăng cường nhận thức và hiểu biết của người dân địa phương về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phổ cập các nguyên tắc của du lịch bền vững và bảo tồn thiên nhiên.

- Giảm thiểu các hoạt động trộm cắp, cướp giật của khách du lịch, ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách tại các điểm du lịch. Ngành công an cần tổ chức lực lượng bảo vệ khách du lịch tại các trung tâm du lịch, điểm du lịch đông khách. Tổ chức đường dây nóng để khách du lịch cung cấp thông tin kịp thời khi gặp các vấn đề nêu trên để kịp thời giải quyết, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

- Phát huy tính nhân hậu, lòng hiếu khách của người dân Việt Nam. Đây là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Cần giữ gìn những giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong các loại hình du lịch văn hóa đặc thù. Những điều này đòi hỏi sự tuyên truyền giáo dục của chính quyền các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng và các phương thức xã hội hóa du lịch; có cơ chế thích hợp, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch, gắn lợi ích của du lịch với mọi người dân địa phương, đảm bảo tính văn minh, bền vững.

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 122)