Trên cơ sở phân tích tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam cũng như xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, Đảng ta đã chỉ ra định hướng cho sự phát triển của ngành du lịch nói chung cũng như du lịch quốc tế nói riêng. Chỉ thị số 46/CTTW ngày 14-10-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: tập trung phát triển du lịch văn hoá, lịch sử cảnh quan môi trường, lịch sử truyền thống tạo sự hấp dẫn đặc thù, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc và nhân phẩm của người Việt Nam. Nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, thu hút nhiều du khách quốc tế, đáp ứng được nhu cầu du lịch ngày càng tăng của nhân dân, tạo việc làm cho xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phương hướng phát triển du lịch trên đây được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII nhấn mạnh “phát triển nhanh du lịch, từng bước đưa nước ta trở thành trung tâm du lịch thương mại - dịch vụ có tầm cỡ trong khu vực”.
Như vậy, quan điểm của Đảng ta về định hướng phát triển du lịch Việt Nam đã chứng tỏ rằng: nước ta đã đặt ngành này vào vị trí quan trọng. Vị thế này không chỉ thể hiện ở việc thu ngoại tệ, mà còn thông qua hoạt động du lịch, giới thiệu Việt Nam với thế giới, giúp các dân tộc trên thế giới hiểu rõ về dân tộc, con người, văn hoá Việt Nam. Du lịch phục vụ chính sách mở cửa của Đảng, thúc đẩy nhanh sự hoà nhập vào cộng đồng thế giới.
Hoạt động kinh doanh du lịch rất đa dạng và chịu sự tác động của các mối quan hệ liên ngành và nhiều chính sách, quy chế đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phát triển. Do vậy, sự cần thiết phải có một định hướng trong phát triển du lịch dựa trên mối quan hệ với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau trong sự tiếp cận, sử dụng, khai thác hợp lý đảm bảo gìn giữ môi trường lâu bền, cũng như lợi ích của nền kinh tế - xã hội của đất nước. Một số định hướng cụ thể:
- Phát triển mạnh ngành du lịch theo chính sách kinh tế mở cửa của Nhà nước, đảm bảo sau năm 2010 ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đạt hiệu quả kinh tế cao, tác động và hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác phát triển.
- Phát triển ngành du lịch thành một ngành công nghiệp trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đa dạng hoá sản phẩm, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, ổn định và hiệu quả.
- Tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là du lịch quốc tế gắn liền với tổ chức quản lý, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt phải phát huy và nâng cao truyền thống văn hoá và bản sắc dân tộc để phát triển du lịch Việt Nam lâu bền, lành mạnh.
- Điều chỉnh và tổ chức lại các doanh nghiệp Nhà nước về du lịch theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá:
+ Chỉ giữ lại và đầu tư cho một số doanh nghiệp Nhà nước về du lịch có đủ điều kiện phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và có quy mô tương đối lớn, tiềm năng về cơ sở vật chất kỹ thuật có đủ khả năng tạo ra những sản phẩm du lịch cao cấp, có khả năng cạnh tranh, phát triển và vươn ra thị trường ở nước ngoài.
+ Tiến hành cổ phần hoá một số doanh nghiệp, khách sạn Nhà nước để tạo nguồn vốn xây dựng, nâng cấp các cơ sở du lịch, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các thành phần kinh tế phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động du lịch đúng pháp luật, có hiệu quả.
+ Chỉ nên ưu tiên vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án có quy mô lớn, tạo ra được những sản phẩm du lịch cao cấp, các loại hình du lịch mới, hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước.
+ Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động du lịch, giải trí, thể thao, điều dưỡng, chữa bệnh và các hình thức khác mà ta còn thiếu hoặc chưa đủ điều kiện phát triển.
Trong định hướng quản lý du lịch cần quan tâm một số xu hướng mới phát triển như: xu thế chung của thế giới là du lịch đi lẻ sẽ thay dần hình thức du lịch có tổ chức, như vậy các doanh nghiệp lữ hành sẽ dần bị thu hẹp lại; nhu cầu thoả mãn về vui chơi, giải trí, thể thao, bảo vệ sức khoẻ… ngày càng nhiều thì các loại hình này sẽ phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.