Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (thời kỳ 1990 - 2007) (Trang 33)

Ngày nay, toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một đặc trưng của sự phát triển trên thế giới. Tất cả các quốc gia, dù ở trình độ phát triển nào cũng không thể ở ngoài xu thế khách quan này, bởi mỗi nước muốn phát triển kinh tế, muốn bảo toàn các lợi ích của mình đều phải tham gia vào xu thế chung của thời đại. Thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, không một quốc gia nào có thể phát triển với một nền kinh tế khép kín. Hội nhập kinh tế quốc tế càng cao thì các nền kinh tế càng phụ thuộc nhau, sự liên kết trong thương mại, sản xuất… càng diễn ra sâu rộng. Điều này dẫn đến sự hình thành của hàng loạt các thể chế kinh tế, định chế kinh tế, liên kết kinh tế

khu vực, liên kết quốc tế… có ảnh hưởng và sức mạnh chi phối toàn cầu, điển hình như: GATT (WTO), IMF, WB, EU, …

Vì lợi ích lâu dài của mỗi nước, các quốc gia phát triển đã tích cực sớm tham gia và cổ vũ cho làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế này từ nửa đầu những năm 90. Về sau, các quốc gia kém phát triển hơn đã nhận thức được xu thế này cũng đã tích cực hội nhập theo các cấp độ khác nhau (đơn phương, song phương, đa phương) nhằm tận dụng cơ hội để phát triển. Sự tham gia mạnh mẽ của các nước đã khiến khối lượng và tốc độ tăng trưởng của thương mại thế giới tăng cao. Chỉ trong vòng 50 năm cuối của thế kỷ XX, tổng khối lượng thương mại thế giới đã tăng lên 17 lần. Trong 1 thập kỷ, từ 1987 đến 1997, tỷ trọng của thương mại trong GDP thế giới đã tăng thêm 9%, đạt 29,6%. Kim ngạch xuất khẩu chiếm 1/2 tổng sản phẩm thế giới. Tỷ trọng thương mại trong mỗi nước cũng được bổ sung do xu hướng tăng cường chu chuyển thương mại nội bộ trong các công ty xuyên quốc gia. Quy mô hoạt động, kinh doanh của các công ty xuyên quốc gia ngày càng tăng lên. Nếu ở thập kỷ 70, toàn thế giới có khoảng 7.000 công ty xuyên quốc gia thì đến thập kỷ 80, con số này là 12.000 và thập kỷ 90 là 35.000. Đến nay, con số này đã tăng gần gấp đôi, lên 65.000 công ty. Sự lớn mạnh của chủ thể chính trong hoạt động thương mại quốc tế này cũng đi cùng luồng vốn đầu tư dồi dào. Năm 1967, tổng lượng FDI trên toàn thế giới là 112 tỷ USD thì năm 1999 đã tăng vượt trên 4.000 tỷ USD, tức tăng gần 40 lần.

Xu thế hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng được đẩy mạnh đã tác động đến sự phát triển hơn nữa của quan hệ kinh tế nói chung cũng như quan hệ thương mại nói riêng giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (thời kỳ 1990 - 2007) (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)