cải thiện
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản thời gian qua vẫn là những mặt hàng truyền thống, vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, chứa đựng hàm lượng lao động hay nguyên vật liệu thô cao. Tỷ trọng của ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dầu thô, hàng hải sản, hàng dệt may vẫn lớn, khoảng 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. Tỷ trọng mặt hàng chế tạo linh kiện điện tử - ti vi, máy tính – linh kiện máy tính đã từ 1,2% lên 4,44% trong vòng 10 năm. Tỷ trọng của mặt hàng dây điện và cáp điện cũng tăng từ 6,88% lên 10,92% trong vòng 7 năm. Tuy nhiên, mức tăng tỷ trọng của các mặt hàng chế tạo, cũng như một số mặt hàng (giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, rau quả, hoa) còn thấp. Cơ cấu buôn bán này thể hiện sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với lợi thế so sánh về tài nguyên và lao động. Cơ cấu trên giúp Việt Nam thu được nguồn ngoại tệ đáng kể có thể chuyển thành hàng hoá, tạo ra vốn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chế tạo thông qua việc nhập khẩu nhiều thiết bị, máy móc từ Nhật Bản. Đây chính là cơ sở cho sự thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới. Mặc dù vậy, Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi cơ cấu xuất khẩu hiện tại để hạn chế những thua thiệt về kinh tế sau này do bán nhiều sản phẩm thô, tài nguyên thiên nhiên. Khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu, giá dầu trên thế giới tăng cao… là những điều mà Việt Nam cần tính đến để thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu hợp lý, tăng cường kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến và có giá trị gia tăng cao sang thị trường Nhật Bản trong tương lai.
Để đứng vững trên thị trường Nhật Bản, Việt Nam cần đầu tư để chế tạo ra những sản phẩm có kỹ thuật cao mang tính cạnh tranh nhằm tăng giá trị của sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu nhằm nâng cao tính cạnh tranh, để không phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vốn chiếm thị phần nhỏ bé trên thị trường Nhật Bản.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản còn thấp, cơ cấu mặt hàng nhập khẩu còn đơn giản vì Việt Nam chưa nhập được nhiều những thiết bị công nghệ hiện đại. Gần 10 năm qua, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Nhật Bản vẫn là linh kiện điện tử - ti vi, máy tính – linh kiện máy tính, máy móc thiết bị phụ tùng khác, sắt thép, vải các loại, ô tô các loại. Trong thời gian tới Việt Nam cũng cần thay đổi cơ cấu hàng nhập khẩu để giảm tốc độ tăng trưởng của kim ngạch nhập khẩu, thay đổi cán cân thương mại với Nhật. Năm 2007, Việt Nam bị thâm hụt thương mại với Nhật, nhập siêu cao nhất từ trước tới nay: 107,9 triệu USD. Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần đầu tư kỹ thuật, công nghệ để chế tạo những sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng như sản xuất trong nước nhằm hạn chế nhập khẩu. Mặt khác, Việt Nam cần nhanh chóng nhập khẩu những công nghệ nguồn từ Nhật Bản để phục vụ nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.