0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (128 trang)

Chất lượng hàng hóa xuất khẩu chưa cao

Một phần của tài liệu QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - NHẬT BẢN (THỜI KỲ 1990 - 2007) (Trang 88 -88 )

Trong những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng tăng: năm 2001 đạt 351 tỷ USD, năm 2004 đạt 454 tỷ USD, năm 2006 đạt 580 tỷ USD, năm 2007 đạt 621 tỷ USD (tăng 7,2% so với năm 2006). Trong đó, nông thủy sản, thực phẩm là 51 tỷ USD (chiếm 8,3% kim ngạch nhập khẩu), hải sản là 14,6 tỷ USD (chiếm 2,4%), may mặc là 30 tỷ USD (chiếm 4,9%)… Điều này cho thấy, Nhật Bản vẫn là một thị trường xuất khẩu tiềm năng mà Việt Nam cần quan tâm trong tương lai. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam muốn đứng vững trên thị trường này cần nâng cao chất

lượng hàng hóa xuất khẩu – yếu tố mà người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm nhất.

Ví dụ, năm 2004, Nhật Bản đã áp dụng các tiêu chuẩn hạn chế nhập khẩu tôm từ Ấn Độ sau khi phát hiện có kháng sinh bị cấm trong một số lô hàng. Một mặt, đây là cơ hội cho hàng thủy sản của Việt Nam tăng trưởng tại thị trường này. Mặt khác, các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng cần chú trọng kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu Nhật Bản. Năm này, Nhật Bản nhập từ Việt Nam trên 55 nghìn tấn tôm, tăng 3% so với năm trước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải chịu sức ép từ hai đối thủ cạnh tranh lớn là Ấn Độ - nước có lợi thế về giá và tôm nguyên liệu, Inđônêxia “mạnh” hơn về hàng chế biến. Lợi thế của Việt Nam so với hai nước này chính là chất lượng – yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các nhà nhập khẩu Nhật cũng như các doanh nghiệp Việt Nam mà chúng ta không thể để tuột mất. Bởi nếu chỉ có một dư lượng nhỏ chất kháng sinh bị cấm bị phát hiện trong một lô hàng thì doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bị thiệt hại trong lô hàng xuất khẩu đó, mà còn có thể bị mất uy tín lâu dài cũng như doanh thu lớn trong tương lai. Từ tháng 10 năm 2005 đến 31 tháng 3 năm 2006, Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra các mặt hàng tôm và những loại thuỷ sản nuôi nhập khẩu vào thị trường nước này. 30 mẫu tôm của Việt Nam đã được kiểm tra trong đợt này và đều đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản. Nhưng đến tháng 9 năm 2006, Nhật cũng phát hiện ba lô hàng của hai doanh nghiệp có dư lượng chất kháng sinh không được phép tồn đọng trong thực phẩm nên bị kiểm tra 50% lô hàng. Điều này không chỉ gây tổn hại uy tín cho từng doanh nghiệp riêng lẻ mà còn gây tổn hại đến ngành thủy sản của Việt Nam, khiến người tiêu dùng Nhật có ấn tượng xấu với các sản phẩm khác của Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng trúng thầu gạo lần thứ 2 và 3 (tổng số 31.050 tấn), lô hàng 700 tấn gạo đầu tiên của Việt Nam đã vi phạm quy định của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản về dư lượng chất acetamiprid nên Nhật Bản quyết định tăng cường kiểm tra 30% gạo Việt Nam về dư lượng chất acetamiprid và gạo Việt Nam đứng trước nguy cơ bị Nhật Bản áp dụng lệnh kiểm tra 100%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương thông qua Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên việc thực hiện hợp đồng trúng thầu đã hoàn thành tốt đẹp và tránh được lệnh áp dụng kiểm tra 100% của Nhật Bản.

Để hàng hóa Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý đến thủ tục xin dấu chứng nhận chất lượng JIS, JAS và Ecomark cũng như chế độ xác nhận trước về thực phẩm nhập khẩu. Đây là việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và thực phẩm, mặt hàng mà ta có thế mạnh, vào một thị trường có đòi hỏi cao như thị trường Nhật. Thái Lan đã đi trước ta một bước trong lĩnh vực này.

JIS (Japan Industrial Standards) là hệ thống tiêu chuẩn chất lượng áp dụng cho hàng công nghiệp.

JAS (Japan Agricultural Standards) là hệ thống tiêu chuẩn chất lượng áp dụng cho nông sản, thực phẩm.

Hàng hóa đáp ứng được tiêu chuẩn JIS, JAS sẽ dễ tiêu thụ hơn trên thị trường Nhật bởi người tiêu dùng rất tin tưởng chất lượng của những sản phẩm được đóng dấu JIS hoặc JAS. Nhà sản xuất nước ngoài có thể xin dấu chứng nhận này cho sản phẩm của mình tại Bộ Công thương và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản. Trong quá trình xem xét, Nhật Bản cho phép sử dụng kết quả giám định của tổ chức giám sát nước ngoài nếu như tổ chức giám định đó

được Bộ trưởng Bộ Công thương hoặc Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản chấp thuận. Nếu thực phẩm được cấp xác nhận này thì việc tiêu thụ trên thị trường Nhật sẽ trở nên dễ dàng hơn, thủ tục nhập khẩu cũng được giải quyết nhanh hơn (trong vòng 1 ngày thay vì 7 ngày);

Hiện nay Thái Lan rất quan tâm đến chế độ này và 8 nhà xuất khẩu của Thái đã được Chính phủ Nhật cấp giấy chứng nhận cho 27 chủng loại thực phẩm. Thái Lan là nước thứ tư, sau Mỹ, Austrailia và Đài Loan, được Chính phủ Nhật cấp giấy chứng nhận này.

Ecomark là dấu chứng nhận sản phẩm không làm hại sinh thái, ra đời năm 1989. Do vấn đề môi trường đang ngày càng được dân Nhật quan tâm nên ta nên khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xin dấu chứng nhận này của Nhật, đặc biệt là cho các sản phẩm gỗ.

Việc này không chỉ đòi hỏi nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp mà còn là cố gắng của Bộ Thương mại, các cơ quan xúc tiến thương mại trong việc hợp tác với Chính phủ Nhật Bản về việc cấp những giấy chứng nhận trên.

Sở dĩ quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản còn hạn chế là do: - Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại song phương. Trong khi đó, Nhật Bản đã ký hiệp định thương mại song phương với Inđônêxia, Chilê, Thái Lan, Philíppin, Malaixia, Xingapo… Bởi vậy, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật chưa được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi thương mại của Nhật. Điều này gây khó khăn đáng kể cho hàng hoá Việt Nam khi thâm nhập thị trường Nhật Bản. Tháng 5 năm 1999, Nhật Bản đã dành cho hàng hoá Việt Nam chế độ Tối huệ quốc (MFN) nhưng chỉ đối với thuế xuất – nhập khẩu. Vài năm gần đây, Nhật Bản đã và đang dành cho hàng hoá Việt Nam chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) nhưng hàng hoá Việt Nam vào thị trường Nhật vẫn gặp phải khó khăn là hệ thống

kiểm tra phi thuế quan chặt chẽ, đặc biệt là các quy định khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh, kiểm dịch.

- Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương ứng trước làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư Nhật Bản. Bởi vậy, theo báo cáo tháng 6/2006 của Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), các nhà sản xuất Nhật Bản cho rằng, do công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn chậm phát triển nên tỉ lệ nội địa mới của các nhà sản xuất của Nhật Bản tại Việt Nam mới chỉ đạt 22,3% năm 2003, thấp xa so với mức trên 45% của Malaixia và Thái Lan.

- Các doanh nghiệp Việt Nam còn thụ động trong việc tìm hiểu thị trường Nhật Bản, trong việc tìm kiếm đơn hàng cũng như cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo công ty nghiên cứu thị trường TSN (Taylor Safres Nelson) thì các doanh nghiệp Việt Nam ít nghiên cứu thị trường nhất thế giới. Tổng chi phí nghiên cứu thị trường tính trên đầu người chỉ đạt 0,12 USD; tổng chi quảng cáo trên đầu người vào khoảng 2,4 USD, thấp nhất trong số 60 quốc gia được điều tra. Trong khi đó, Nhật Bản dẫn đầu châu Á và đứng thứ 7 trên thế giới.

Một ví dụ minh hoạ là sản phẩm túi xách các loại của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản. Trước đây, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản nhiều sản phẩm này vì khách hàng Nhật ưa chuộng túi xách Việt Nam nhưng hiện nay đã có sự thay đổi. Khoảng 70% sản phẩm túi xách cao cấp được Nhật Bản nhập khẩu từ EU với những thương hiệu nổi tiếng. Phần còn lại là sản phẩm túi xách phổ thông được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm túi xách Việt Nam tại thị trường Nhật Bản đã bị suy giảm do sản phẩm đã mất tính hấp dẫn, không còn bắt mắt người tiêu dùng.

Chuyên gia Nhật Bản, bà Yoko Kawaguchi cho biết: “Để có thể chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng với sở thích của người Nhật và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày. Hàng hoá sản xuất ra nên phát triển theo hướng đa dạng hoá sản phẩm bằng cách đa dạng hoá chủng loại, giảm về số lượng thành phẩm để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng”.

* * *

Tóm lại, từ những phân tích về thực trạng và đặc điểm của quan hệ

thương mại Việt Nam – Nhật Bản cũng như những vấn đề đặt ra trong quan hệ giữa hai nước hiện nay và trong những năm sắp tới, có thể rút ra một số nhận xét sau đây:

Thứ nhất, quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản trong gần hai thập

kỷ qua luôn nằm trong xu hướng phát triển đi lên với mức tăng của tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân hàng năm đật 20 – 30%. Hiện nay và trong những năm sắp tới, cùng với Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản vẫn luôn giữ vị trí là một trong 3 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.

Thứ hai, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nói chung đã và đang phát triển

lên một tầm cao mới với việc hai nước đã đồng ý xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược”, đã và đang xúc tiến đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện

(CEPA). Các cuộc đàm phán này được bắt đầu từ tháng 1 năm 2007 với nhiều phiên họp diễn ra ở cả hai nước và đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Nếu như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản được ký kết thì có thể khẳng định rằng quan hệ thương mại giữa hai nước – một trong những lĩnh vực chủ yếu của quan hệ hợp tác kinh tế - sẽ có những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ ba, thị trường Nhật Bản với hơn 120 triệu dân được coi là một thị trường có tiềm năng lớn ở Đông Á, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dầu thô, hàng hải sản, hàng dệt may, sản phẩm gỗ… Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ khai thác được một khoảng thị phần rất nhỏ so với các nước khác trong khu vực tại thị trường Nhật Bản. Nếu chỉ cần chiếm được mức thị phần tại thị trường Nhật Bản tương đương với mức mà các nước Đông Nam Á khác như Xingapo, Thái Lan, Inđônêxia và Malaixia đã đạt được (từ 2 đến 4%) thì mức xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đã có thể tăng gấp 3 hoặc 4 lần so với mức hiện nay. Chính vì vậy, có thể nói rằng tiềm năng cho sự phát triển hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản vẫn còn rất lớn.

Thứ tư, về phía các doanh nghiệp Việt Nam, trong những năm gần đây,

các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thâm nhập thị trường Nhật Bản bằng các biện pháp như: thay đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại… Tất cả những việc làm này đã đem lại những kết quả đáng kể trong quan hệ thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận mà nói, quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập cần được tháo gỡ để quan hệ thương mại giữa hai nước có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm sắp tới. Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tháo gỡ những hạn chế và bất cập này là nội dung sẽ được đề cập đến trong Chương 3.


Một phần của tài liệu QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - NHẬT BẢN (THỜI KỲ 1990 - 2007) (Trang 88 -88 )

×