Chính sách đối ngoại mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (thời kỳ 1990 - 2007) (Trang 35 - 37)

Việt Nam

Sự hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam vào khu vực và quốc tế (gia nhập ASEAN, AFTA, WTO…) khiến quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng phát triển. Nếu năm 1986 Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu với 43 quốc gia, năm 1995 là 100 quốc gia, năm 2000 là 192 quốc gia thì hiện nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết 86 hiệp định thương mại song phương, 46 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 40 hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu bình quân từ năm 1986 đến năm 2005 là 20,7 tỷ USD/1 năm (gấp 7 lần so với năm 1985). Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mỗi năm trung bình trên 20%, có năm tăng 30%. Năm 1990, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 2,4 tỷ USD thì năm 2003 con số này là 20,176 tỷ USD, tăng 39% so với kim ngạch xuất khẩu năm 2000. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, gấp 8 lần so với năm 1990. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đạt 32,4 tỷ USD, tăng gần 40 lần so với năm 1986. Tính hết quý 1 năm 2007, tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của cả nước đạt gần 10,5 tỷ USD, tăng 117,9% so với cùng kỳ năm 2006.

Tốc độ tăng bình quân của kim ngạch nhập khẩu trong 20 năm đổi mới (1986 – 2005) là 16,1%. Năm 1986, kim ngạch nhập khẩu là 2,155 tỷ USD thì năm 2005 là 37 tỷ USD, tăng gấp 16 lần. Quý 1 năm 2007, tổng giá trị nhập khẩu hàng hoá của cả nước đạt khoảng 11,8 tỷ USD, tăng 133,6% so với cùng kỳ năm 2006.

Số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng tăng lên nhiều lần. Nếu năm 1987 chúng ta có 12 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, năm 1991 có 495 doanh nghiệp thì hiện nay chúng ta đã có hơn 16.000 doanh nghiệp tham gia

xuất khẩu. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng theo thời gian. Nếu năm 1995, tỷ trọng trên là 27% thì đến năm 2000 tăng lên đạt 47% và năm 2005 đạt 57,2%. Tính hết tháng 3 năm 2007, xuất khẩu hàng hoá của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 5,9 tỷ USD, chiếm 56% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, tăng 113,5% so với cùng kỳ năm 2006.

Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng có sự thay đổi rõ rệt. Tỷ trọng hàng thô hay mới sơ chế đã giảm và tỷ trọng hàng chế biến hoặc đã chế biến tăng dần qua từng năm. Năm 1995, tỷ trọng hàng thô là 67,2% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hoá. Nhưng đến năm 2005, tỷ trọng hàng thô giảm xuống còn 49,6% và tỷ trọng hàng chế biến tăng lên 50,4% so với 32,8% năm 1995. Thị trường hàng xuất khẩu cũng có sự chuyển biến rõ nét. Giai đoạn 1986 – 1990, xuất khẩu sang châu Âu đứng đầu với tỷ trọng 51,7% thì giai đoạn 2001 – 2005 chỉ còn 20,7%. Tỷ trọng thị trường của châu Á và châu Mỹ tăng khá nhanh. Giai đoạn 2001 – 2005, tỷ trọng châu Á là 50,9%, tăng cao hơn nhiều so với 30,4% của giai đoạn 1986 – 1990. Tỷ trọng của châu Mỹ cũng tăng từ 1% lên 18,9% trong hai giai đoạn tương ứng.

Hòa nhập với xu thế khách quan chung của thế giới, Việt Nam đã coi hội nhập kinh tế quốc tế là một bộ phận không thể tách rời của quá trình đổi mới. Thông qua các văn kiện của các kỳ đại hội, Đảng ta đã khẳng định chủ trương mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, củng cố và từng bước nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế, phát huy nội lực đồng thời tranh thủ các nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững.

Không chỉ dừng lại ở nhận thức, chủ trương, Việt Nam chúng ta đã liên tục thực hiện các bước hội nhập kinh tế quốc tế. Tháng 10 năm 1994, Việt

Nam chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và ngày 28 tháng 7 năm 1995 Việt Nam đã chính thức là thành viên của hiệp hội này, thực hiện CEPT, AFTA. Tháng 12 năm 1994, Việt Nam gửi đơn xin gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức là thành viên đầy đủ thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu. Tháng 6 năm 1996, Việt Nam gửi đơn xin gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và ngày 14 tháng 11 năm 1998 Việt Nam được chính thức công nhân là thành viên của APEC. Tháng 6 năm 1996, Việt Nam cũng đã tham gia Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) với tư cách là thành viên sáng lập. Những thành quả trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự phát triển hơn nữa của quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (thời kỳ 1990 - 2007) (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)