Đối với các doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (thời kỳ 1990 - 2007) (Trang 98)

- Các doanh nghiệp Việt Nam cần lựa chọn chiến lược phù hợp để thâm nhập thị trường Nhật Bản như xuất khẩu, liên doanh và đầu tư trực tiếp. Trong đó, hình thức liên doanh rất thích hợp với các doanh nghiệp Việt Nam. Hình thức này không chỉ giúp cho sự gia tăng xuất khẩu sang Nhật mà còn sang các thị trường khác mà các công ty Nhật Bản đang có mặt. Ưu điểm của hình thức này thể hiện qua việc có được các thông tin và điều kiện về thị trường, có sự xuất hiện trên thị trường, công nghệ phát triển và có ngay được hệ thống các kênh phân phối và khách hàng.

Hầu hết các liên doanh đều có hình thức là thành lập công ty thứ 3 riêng từ việc liên doanh giữa hai công ty mẹ với bất kỳ hình thức liên doanh, phân chia phần đóng góp, cổ phần, nhân lực, quản lý… Tuy nhiên đó cũng chính là những vấn đề cốt lõi cần được tính toán kỹ lượng bởi nó gắn liền với lợi ích, niềm tin và các vấn đề chung. Trong hầu hết các trường hợp, đối tác Nhật Bản sẽ kiểm soát hoạt động Marketing và phân phối.

Với các liên doanh có liên quan tới vấn đề về chuyển giao công nghệ hoặc ủy thác với các đối tác Nhật Bản cũng có cùng những điểm cần phải lưu ý như trong trường hợp ủy thác trực tiếp. Giá trị của liên doanh có thể sẽ giảm bớt đi khi mà một trong hai bên đối tác trở nên ít phụ thuộc hơn vào kỹ năng Marketing, khách hàng hoặc phát kiến công nghệ của bên đối tác còn lại.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên hiểu rằng các công ty thương mại lớn của Nhật Bản có một cơ sở vững vàng trong các mối quan hệ với khách hàng. Chính điều này sẽ có thể làm tăng lượng hàng tiêu thụ ngay lượt hàng đầu tiên, nhưng một khi thị trường đã được chia sẻ, đối tác Nhật Bản thường ít có lợi

trong việc tìm kiếm khách hàng mới, trừ khi sản phẩm nhập khẩu có nhiều lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ và giá cả.

- Các doanh nghiệp Việt Nam cần cố gắng thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty tại Nhật để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Các nhà xuất khẩu muốn thu thập thông tin hoặc muốn tạo các điều kiện thuận lợi cho các công việc tiếp xúc với đối tác và khách hàng tại Nhật nên có văn phòng đại diện của mình. Bởi nó sẽ trở thành cầu nối để có thể thực hiện việc thu thập các cơ sở dữ liệu và các thông tin khác đồng thời cung cấp các hình thức xúc tiến và dịch vụ kỹ thuật cần thiết. Văn phòng đại diện không bị đánh thuế và cũng không cần phải có các thủ tục xin phép phức tạp. Tuy nhiên, văn phòng đại diện không được can thiệp vào các giao dịch thương mại thậm chí cũng không được thực hiện nhận đơn đặt hàng một cách trực tiếp. Nhưng văn phòng đại diện có thể cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các đại lý và thực hiện tất cả các hoạt động marketing trừ việc bán hàng. Ngược lại, chi nhánh công ty tại Nhật lại có thể thực hiện được tất cả các hoạt động thương mại, sản xuất, bán lẻ, cung cấp dịch vụ và các tác vụ kinh doanh khác. Như vậy, chi nhánh công ty có thể nhận các đơn đặt hàng và thực hiện được tất cả chương trình Marketing, trong đó bao gồm việc sắp xếp kế hoạch quảng cáo, tuyển mộ đội ngũ bán hàng và thực hiện tất cả các hoạt động tiếp thị cần thiết. Chi nhánh công ty là đối tượng bị đánh thuế tại Nhật. Nhà xuất khẩu phải bổ nhiệm một đại diện tại Nhật và phải đăng ký với Văn phòng luật thương mại của Bộ Tư pháp. Chi nhánh công ty cũng được xem như là một hình thức đầu tư trực tiếp vào Nhật theo Luật Ngoại thương của Nhật và phải báo cáo cho Bộ Tài chính thông qua Ngân hàng Trung Ương trong vòng 15 ngày sau khi thành lập chi nhánh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần tổ chức hoặc tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ… để trưng bày và giới thiệu sản phẩm của mình trực

tiếp tại Nhật Bản. Ví dụ như trong khuôn khổ triển lãm thương mại và du lịch Intex Festa tại thành phố Osaka, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Nhật cùng Vietnam Airlines đã khai trương lễ hội Việt Nam vào ngày 2/2/2006. Tham gia lễ hội có hơn 20 doanh nghiệp và nghệ nhân Việt Nam, trưng bày và giới thiệu các mặt hàng như thủ công mỹ nghệ, quà tặng, may mặc, gốm sứ, đồ gỗ… đã thu hút hàng nghìn khách tham quan và mua sắm tại các gian hàng Việt Nam trong buổi sáng khai mạc. Cũng nhân dịp này, Bộ Thương mại Việt Nam đã chính thức khai trương Thương vụ Việt Nam tại thành phố Osaka.

- Các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng một chiến lược hoạt động kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Muốn vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư cho các mục tiêu dài hạn, mua sắm các trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý nhằm thích ứng cao với nhu cầu phát triển kinh tế. Hiện tại có rất nhiều tập đoàn điện và điện tử lớn của Nhật đang hướng đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao và phần mềm ở Việt Nam. Có thể kể đến là dự án đầu tư sản xuất máy in laser ở Việt Nam của Canon với trị giá khoảng 50 triệu USD; nhà máy sản xuất máy ảnh kỹ thuật số và những mặt hàng có liên quan của Sanyo với vốn đầu tư 13 triệu USD tại Đồng Nai; nhà máy sản xuất đĩa thủy tinh ở khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng về ổ cứng máy tính xách tay và những ổ đĩa nhỏ hơn trong máy iPod của hãng Apple của tập đoàn Hoya với vốn đầu tư 45 triệu USD. Một trong những nguyện vọng của các tập đoàn Nhật Bản là có thể mua một số linh kiện, chi tiết, phụ kiện ngay tại Việt Nam, để họ có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển và nhiều thứ khác, tức là họ có thể “nhập khẩu tại chỗ” những mặt hàng này để sản xuất hoạt động kinh doanh. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu đơn giản

của các công ty Nhật Bản. Giám đốc Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industries Việt Nam cho biết: "Nguyên tắc của Công ty là mua vật tư tại Việt Nam... Mong muốn của Công ty là có thể mua được tất cả các chi tiết tại Việt Nam"... và sự thật là không chỉ Sumitomo Heavy Industries Việt Nam mới có mong muốn ấy. Việt Nam bây giờ có không ít các khu chế xuất và khu công nghiệp, chỉ tính riêng KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã có 69 doanh nghiệp nước ngoài, nếu doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được linh kiện, phụ kiện cho họ thì đó sẽ là nguồn tạo ra nhiều chỗ làm việc và mang về mối lợi kinh tế không nhỏ? Nhưng vì sao các doanh nghiệp Việt Nam lại hững hờ với mối lợi ấy? Lý giải cho tình trạng này là nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược kinh doanh dài hạn ổn định, khả năng học hỏi và thích ứng chưa cao, chưa nắm bắt được xu thế phát triển kinh tế, nguồn vốn hạn hẹp, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu kém… Do đó, để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường nội địa cũng như vươn tới thị trường Nhật Bản trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng một chiến lược cạnh tranh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên cơ sở học hỏi và tích lũy kinh nghiệm của các công ty lớn trên thế giới. Trước tiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc xuất khẩu tại chỗ các thiết bị, nguyên liệu cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam rồi tiến tới xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Nhật Bản. Đó là một hướng đi vững chắc đảm bảo cho quá trình phát triển dài hạn của công ty, vừa giảm thiểu được các chi phí vừa đạt được doanh thu ổn định, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh. Tránh để xẩy ra trường hợp đáng tiếc như một doanh nghiệp nước ngoài đặt mua đồng phục của một doanh nghiệp Việt Nam thì 3 đợt trả hàng mỗi đợt một màu khác nhau.

Một phần của tài liệu Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản (thời kỳ 1990 - 2007) (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)