a. Trồng trọt
Nông nghiệp là ngành sản xuất chính, có khoảng 90-95% người dân sống bằng nghề nông. Dân cư trên địa bàn gồm nhiều thành phần từ mọi miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp nên tập quán canh tác đa dạng mang màu sắc của nhiều vùng miền khác nhau. Hệ thống canh tác trong vùng đang chuyển dịch từ sản xuất độc canh sang xen canh giữa các loài cây ngắn ngày với cây dài ngày, giữa cây lương thực với cây ăn trái…nhưng mang tính tự phát, kém bền vững, năng suất thấp và
nhiều rủi ro. Ngòai ra, do giá cả thị trường luôn biến động, chưa có những dịch vụ đầu ra ổn định nên hiệu quả kinh tế không cao, kể cả những năm được mùa.
Một số loài cây thường được trồng ở địa phương:
Các loài cây trồng lâu năm chủ yếu là Điều, các loại xoài (Xoài ba mùa, Xoài cát Hòa lộc, Xoài tượng), và một số diện tích không lớn trồng một số cây ăn quả khác như: Nhãn, Chôm chôm, Sầu riêng, Cà phê, Cam, Quýt, Tiêu… Cây màu chủ yếu là Mỳ, Bắp, Đậu, Cây công nghiệp ngắn ngày có Mía. Có một số rẫy nằm sâu trong vùng lõi nên hoạt động canh tác dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính đa dạng sinh học bởi tiếng ồn và hoá chất phục vụ canh tác.
Cây Điều chiếm tỷ lệ chủ yếu trong số nông sản hàng hoá của địa phương. Tuy nhiên, vì đất xấu, giống cây trồng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và thiếu đầu tư thâm canh nên năng suất thấp. Cây Xoài đa phần là giống xoài ba mùa, nhanh thu hoạch, năng suất cao (7 - 9 tấn/ha) nhưng chất lượng và giá bán thấp. Từ khoảng năm 2000 đến nay, một số hộ dân đã chủ động phát triển giống xoài có chất lượng cao hơn như: Xoài cát Hòa lộc, Xoài Thái lan… do vậy giá trị của vườn cây cũng được nâng lên.
Cây ngắn ngày: Diện tích thuần cây ngắn ngày không lớn, cây trồng chủ yếu là mỳ ; diện tích trồng Mỳ chủ yếu là trồng xen trên diện tích trồng cây dài ngày và rừng trồng trong các năm đầu.
b. Chăn nuôi
Chăn nuôi cũng là ngành sản xuất đem lại nguồn thu quan trọng cho người dân địa phương, nhưng hoạt động chăn nuôi trong vùng còn chậm và kém phát triển, không cân đối với ngành trồng trọt. Hình thức chăn nuôi chủ yếu phát triển theo hướng chăn nuôi hộ gia đình, vật nuôi chính là gia súc, gia cầm. Những năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm và long móng lở mồm trong khu vực, cũng như biến động về giá cả thị trường nên các hộ dân dè dặt trong đầu tư chăn nuôi, do vậy ngành chăn nuôi tại địa phương chưa phát triển. Một số khu vực vẫn còn tình trạng nuôi gia súc, gia cầm thả rông, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn động vật hoang dã.
Ngoài ra tại vùng đệm thuộc xã Hiếu Liêm còn có 91 hộ người Kinh đầu tư chăn nuôi Hươu, Nai lấy nhung (555 Nai xám, 28 Hươu sao). Hình thức nuôi chủ yếu là tự phát, nhỏ, lẻ, đa phần các hộ nuôi 3-7 con, hộ nuôi ít nhất là 1 con, cá biệt có hộ nuôi nhiều nhất là 51 con. Có 14 hộ nuôi từ 10 con trở lên. Do mức đầu tư mua con giống và chăm sóc khá lớn: Trung bình 10.000.000 đồng/con giống Hươu, 20.000.000 đồng/con giống Nai, nên chỉ tập trung chủ yếu ở những hộ có kinh tế khá. Hiện có 07 hộ đã liên kết với nhau để thành lập Hợp tác xã Dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi Hươu, Nai với số vốn điều lệ ban đầu: 3 tỷ đồng. Hợp tác xã hoạt động phần nào kích thích hoạt động chăn nuôi Hươu, Nai ở đây phát triển do việc chăn nuôi trở nên ổn định hơn, giảm rủi ro và có hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ các hình thức hỗ trợ vốn và kỹ thuật giữa các xã viên, sản phẩm có thương hiệu, hoạt động chăn nuôi, kinh doanh có kế hoạch và định hướng phát triển rõ ràng…
c. Nuôi trồng thuỷ sản
Công tác nuôi trồng thuỷ sản chính trong lòng hồ Trị An là thả cá giống bổ sung để nuôi đại trà vừa nâng cao năng suất sản lượng thuỷ sản trong hồ, vừa thanh lọc nguồn nước, giảm thiểu mức độ nhiễm bẩn. Số lượng cá giống đã được thả nuôi qua các năm:
- Từ năm 1995 - 2010: 20,6 triệu con cá giống
Ngoài ra, trên lòng hồ còn có khoảng 699 bè nuôi cá của các hộ ngư dân, với các chủng loại cá nuôi như: cá Lóc, Diêu hồng, Chép… năng suất bình quân 45 - 60 kg/m3, tổng sản lượng bình quân hàng năm khoảng 700 - 800 tấn. Nghề nuôi cá bè đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nhưng do neo đậu tập trung, thiếu quy hoạch nên dẫn đến ô nhiễm cục bộ vùng nuôi, dịch bệnh lây lan nhanh gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế hộ dân nuôi cá bè. Việc khai thác cá giống, cá chưa đủ kích thước để nuôi các loài cá ăn thức ăn tươi sống như Lóc đồng, Lóc bông đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn lợi thủy sản của hồ. Đặc biệt là việc đưa các giống, loài thủy sản lạ nuôi trong bè làm phát tán ra môi trường tự nhiên như cá Hoàng Đế (Cichla ocellaris), cá Tỳ Bà (Hypostomus sp) cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt.