Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất là ảnh hưởng bất lợi của nền kinh tế: Do sự ảnh hưởng của nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng làm cho tốc độ tăng trưởng giảm, tỷ lệ lạm phát tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp lớn, tỷ giá có sự thay đổi…. đã làm cho lượng tiền huy động của dân cư chưa thực sự đúng với năng lực thực có của NHNo&PTNT Hà Nội, làm cho lượng tiền nhàn rỗi của dân cư bị hạn chế, và dân cư có tâm lý không yên tâm khi gửi tiền vào Ngân hàng. Đến năm 2010, mặc dù nền kinh tế đã khởi sắc tuy nhiên hậu quả mà nó để lại vẫn gây những khó khăn và bất lợi đối với hoạt động của các thành phần kinh tế trong nước từ đó tác động thu hẹp quy mô nguồn vốn huy động.
Bên cạnh đó thị trường chứng khoán, thị trường vàng, bất động sản trong năm qua cũng có nhiều biến động, thu hút nhiều nhà đầu tư tập trung vốn vào các lĩnh vực này, vì thế ảnh hưởng đến việc huy động vốn của chi nhánh, đặc biệt khi mà lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn so với việc gửi vào
ngân hàng.
Chịu ảnh hưởng của chính sách lãi suất Ngân hàng Nhà Nước: Mặc dù những năm gần đây chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà Nước đã có tính chất linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Nhưng vẫn còn có những khuyết điểm nhất định đó là: Chính sách lãi suất được đưa ra không thực sự kịp thời, đúng thời điểm, đưa ra mức lãi suất trần làm cho các NHTM bị động, chưa thực sự thống nhất trong chính sách lãi suất được đưa ra.
Thứ hai là do tâm lý, thói quen của người dân: Người dân thì chưa hoàn toàn đặt niềm tin vào Ngân hàng vẫn có tâm lý lo sợ mất tiền khi gửi tiền vào Ngân hàng. Họ vẫn chưa có thói quen sử dụng các tiện ích mà Ngân hàng cung cấp, họ không hiểu hết được những lợi ích mà các dịch vụ đó đem lại. Vẫn còn thói quen để tiền tại nhà, cất giữ vàng để tiện cho việc sử dụng, tâm lý lo sợ đồng tiền gửi bị trượt giá. Hơn nữa, do nền kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao làm cho người dân có thói quen tiêu dùng hàng hoá nhiều hơn, giảm lượng tiền tiết kiệm.
Thứ ba là do sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng: Do môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực Ngân hàng ngày càng gay gắt, khốc liệt. Mật độ các ngân hàng và chi nhánh phát triển quá lớn, các ngân hàng trong nước không ngừng tăng vốn điều lệ, mở rộng mạng lưới trên các điạ bàn, cạnh tranh về lãi suất, sự gia nhập của các ngân hàng nước ngoài cộng thêm vào đó là các tổ chức phi tài chính ngân hàng như các công ty bảo hiểm nhân thọ, các công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng… với tiềm lực lớn về vốn, công nghệ, lao động cũng là những đối thủ cạnh tranh của ngân hàng trong việc thu hút nguồn tiền nhàn rỗi.Hơn nữa, các ngân hàng đều đưa ra rất nhiều các giải pháp để thu hút lượng tiền gửi của khách hàng trong khi lượng tiền nhàn rỗi thì có hạn.
Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, hình thức huy động vốn đã đa dạng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế: Các hình thức huy động vốn từ dân cư chủ yếu vẫn là các hình thức huy động truyền thống là chính, và cũng đưa ra được một số hình thức huy động mới nhưng vẫn chưa thực sự phong phú, đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mạng lưới huy động là rất rộng lớn chính vì vậy chưa phát huy được hết năng lực hiện có trong huy động, chưa hoàn toàn thống nhất trong đưa ra các chính sách huy động, phong cách phục vụ, sự quán triệt sứ mệnh, mục tiêu chiến lược chưa thực sự gắn với từng khu vực.
Thứ hai, chính sách lãi suất chưa thực sự mềm dẻo: Sự điều chỉnh lãi suất huy động nhiều lúc còn chậm chạp so với các NHTM khác, các Ngân hàng ngoài quốc doanh. Mức lãi suất mà chi nhánh huy động còn thấp hơn so với các ngân hàng trên cùng địa bàn làm cho khả năng cạnh tranh trong huy động tiền gửi gặp nhiều khó khăn. Mặt khác lãi suất của Chi nhánh bị kiểm soát bởi NHNo&PTNT Việt Nam nên làm cho chi nhánh không chủ động trong việc ra quyết định lãi suất.
Thứ ba, các biện pháp hỗ trợ cho huy động vốn còn nhiều hạn chế: Công tác tuyên truyền quảng bá các sản phẩm nghiệp vụ, dịch vụ Ngân hàng tuy đã có nhiều cố gắng và mang lại hiệu quả nhất định song vẫn còn hạn chế về chất lượng, mẫu mã, phương thức quảng bá, quảng cáo, phương pháp tiếp thị….đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động huy động vốn từ dân cư. Hơn nữa, chi nhánh chỉ làm công tác quảng cáo, tiếp thị khi có nhu cầu huy động vốn cấp bách trong một thời kỳ nào đó. Do đó, chủ yếu vẫn là khách hàng tìm đến ngân hàng chứ ngân hàng chưa chủ động tìm đến khách hàng, do đó mà có thể ngân hàng đã bỏ lỡ rất nhiều khách hàng tiềm năng, có tiền nhàn rỗi nhưng đã không tìm đến ngân hàng do không rõ thủ tục, hoặc không có thời gian tìm hiểu…
Thứ tư, trình độ khoa học công nghệ thông tin dù đã được cải thiện song vẫn cón lạc hậu: Việc áp dụng công nghệ hiện đại trong triển khai các sản
phẩm dịch vụ của Chi nhánh trong việc huy động vốn từ dân cư nói riêng và trong việc huy động vốn nói chungcòn hạn chế so với các NHTM khác đang hoạt động trên địa bàn. Các phần mềm áp dụng trong công tác huy động vốn, công tác thống kê còn kém phát triển, máy móc thiết bị kém hiện đại, tốn nhiều thời gian giao dịch. Sự kém phát triển về công nghệ thông tin thể hiện như: thẻ ATM của ngân hàng chưa được sử dụng để thanh toán ở bệnh viện, hay khách sạn.. . thẻ chưa có tính năng gửi tiền trực tiếp tại Post như ngân hàng khác như Đông Á… Do vậy sự kém phát triển của công nghệ đã làm hạn chế số lượng khách hàng đến với chi nhánh, làm giảm lượng vốn vào ngân hàng.
Thứ năm, đội ngũ cán bộ của chi nhánh chưa được đào tạo đồng bộ:
Về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức tin học chủ yếu chỉ ở mức đơn giản nên việc triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại, các phần mêm tiện ích gặp nhiều khó khăn.
Tuy còn có những tồn tại, hạn chế trong hoạt động HĐV, nhưng nhìn chung NHNN&PTNT Hà Nội đã cố gắng rất nhiều để thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng ngày một cao trên thị trường. Hiệu quả từ hoạt động HĐV của NHNN&PTNT Hà Nội đã góp phần giúp hoạt động kinh doanh của chi nhánh có hiệu quả. Trong thời gian tới, chi nhánh cần phát huy những điểm mạnh và hạn chế khắc phục những điểm yếu để tồn tại và phát triển bền vững.