2.2.1.1. Tích hợp trong môn học
Tiếng Việt là một trong ba phần nội dung cấu thành nên môn học Ngữ văn. Mối quan hệ giữa Tiếng Việt với Văn, Làm văn đã được trình bày cụ thể trong chương 1. Qua đó có thể thấy dạy học tiếng Việt theo định hướng tích hợp trước tiên phải tích hợp nó với hai phần còn lại của môn Ngữ văn. Khi giảng dạy, ngoài việc đảm bảo cho HS tri thức và kĩ năng đặc thù của phần Tiếng Việt còn cần phải tìm ra yếu tố đồng quy với Văn và Làm văn để góp phần hình thành rèn luyện kĩ năng của các phần nội dung đó. Bởi vây, GV cần có nhiều biện pháp hướng dẫn HS vận dụng tối đa kiến thức Tiếng Việt đối với quá trình đọc - hiểu văn bản ở phần Văn, với quá trình học tập và tạo lập văn bản ở phần Làm văn.
Tích hợp trong môn học trước hết là tích hợp giữa phần Tiếng Việt với phần Văn. Có thể thấy đối tượng giảng dạy của phần Văn là các tác phẩm nghệ thuật của nhân loại từ cổ đến kim, còn nội dung giảng dạy của Tiếng Việt là hệ thống ngôn ngữ, những quy luật hành chức của tiếng Việt trong giao tiếp và các sản phẩm lời nói bằng tiếng Việt, hệ thống các kĩ năng cần thiết để giao tiếp trong xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật lại được cấu thành từ các đơn vị và quy luật ngôn ngữ của tiếng Việt. Vì thế để muốn tìm hiểu đặc điểm của tiếng Việt phải thông qua các văn bản nghệ thuật và ngược lại muốn hiểu được các tác phẩm nghệ thuật phải có các tri thức về ngôn ngữ. Bởi vậy trong dạy học Ngữ văn tích hợp giữa Tiếng Việt – Văn vừa tiết kiệm thời gian vừa giúp HS hiểu sâu hơn nội dung kiến thức của từng phần. Đối với phần đọc - hiểu văn bản, những hiểu biết về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách học Tiếng Việt sẽ góp phần tạo nên tiềm lực phân tích và cảm thụ các tác phẩm văn chương. Có khi phân tích một từ một câu có thể giúp HS hiểu thêm nghệ thuật và các giá trị khác của tác phẩm.
Ví dụ: Trong bài “Thực hành về phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ”, ngữ liệu được sử dụng trong phần bài tập được lấy từ các văn bản nghệ thuật, qua phân tích giá trị của các phép tu từ được sử dụng trong các ngữ liệu đó không chỉ giúp HS nắm được kiến thức về các phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ mà còn giúp HS hiểu văn bản, rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản. GV có thể tích hợp với hình tượng cây mây trong bài “Vận nước” của Pháp Thuận để thấy được đây là một hình ảnh ẩn dụ sâu sắc. Tác giả đã mượn hình tượng thiên nhiên (cây mây) để nói về vận nước. Dây mây quấn quýt nói lên sự gắn bó của vua và dân, cây mây để buộc chắc nhằm nói lên sự vững bền của đất nước, cây mây xanh tươi nói lên sự thịnh vượng, cây mây dài lên tận ngọn cây làm chỗ dựa nói lên sự dài lâu của thời kì thịnh trị. Qua hình tượng cây mây, nhà thơ thể hiện thái độ lạc quan, niềm tin vào sự vững bền của vận nước, tự hào về cõi trời Nam sống trong cảnh thái bình; tích hợp với việc phân tích ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh cành mai trong bài “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác. Hoa mai với vẻ đẹp thanh tao, tinh khiết, vượt lên sự phàm tục biểu trưng cho sự lạc quan, niềm hy vọng của mọi người khi xuân đến.
Đối với việc tiếp nhận và tạo lập văn bản, những kiến thức về tiếng Việt sẽ giúp cho HS biết dùng từ, đặt câu, sử dụng các biện pháp tu từ phù hợp với đặc trưng của từng loại văn bản; từ đó giúp HS ngày càng có ý thức trau dồi tiếng Việt. Trong ba phần của môn Ngữ văn thì Làm văn có vị trí đặc biệt: một mặt nó thể hiện kết quả của hai phần Văn và Tiếng Việt, mặt khác nó lại là nơi thực hành kĩ năng nói và viết tiếng Việt. Do vậy tích hợp giữa phần Tiếng Việt với Làm văn là nội dung quan trọng, không thể thiếu trong dạy học Ngữ văn. Phần Làm văn trong chương trình Ngữ văn 10 tập trung vào một số vấn đề chính là văn bản tự sự, văn bản thuyết minh và văn bản nghị luận. Từ nội dung của phần Tiếng Việt, chúng ta nhận thấy có thể tích hợp Tiếng Việt với Làm văn qua các giờ học bằng cách cho HS thực hành viết đoạn văn hoặc tự chữa lỗi trong các bài viết văn của mình.
Chẳng hạn, khi dạy bài “Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt” trong phần luyện tập GV yêu cầu HS chữa lỗi sai về diễn đạt trong bài viết số 4 của mình. Việc làm này sẽ giúp HS ghi nhớ, vận dụng, thực hành được những kiến thức, những yêu cầu của việc sử dụng tiếng Việt như ngữ âm, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp, phong cách vào sản sinh và lĩnh hội văn bản trong những tình huống cụ thể đúng với mục đích sử dụng. Từ đó GV nhấn mạnh: Cần sử dụng ngôn ngữ sao cho đạt được tính nghệ thuật để có hiệu quả cao trong giao tiếp. Muốn vậy cần phải chú ý đến các yêu cầu sử dụng tiếng Việt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo ngôn ngữ theo các phương thức chuyển nghĩa, các phép tư từ. Với bài “ Thực hành phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ” qua việc xây dựng bài tập ngoài SGK yêu cầu HS viết đoạn văn có sử dụng phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ là cách tốt nhất để HS hiểu và ghi nhớ về đặc điểm của hai phép tu từ này, đồng thời cũng giúp HS rèn năng lực tạo lập văn bản.
Tích hợp trong nội bộ môn học còn đồng nghĩa với việc thực hiện tích hợp giữa Tiếng Việt với Tiếng Việt. Trong thực tế có những kiến thức trong phần Tiếng Việt 10 HS đã được tìm hiểu ở các lớp học dưới. Vì vây, để tránh chồng chéo, lãng phí thời gian, gây nhàm chán cho HS thì GV cần nghiên cứu kĩ chương trình để xác định phần kiến thức nào HS đã được biết, nội dung nào cần được nhắc lại, phần nào cần bổ sung. Khi tích hợp với các kiến thức HS đã được biết tức là chạm tới vùng phát triển gần sẽ gây được hứng thú học tập cho HS. Từ kiến thức HS đã có liên hệ, mở rộng, dẫn dắt, định hướng để HS tự chiếm lĩnh những kiến thức mới.
Ví dụ, khi dạy học bài “ Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt”, GV cần biết: Ở THCS HS đã có các hiểu biết khá cụ thể về các yêu cầu về sử dụng tiếng Việt. Cụ thể lớp 6 HS đã học dấu câu tiếng Việt, các phép tu từ về từ, thực hành chữa lỗi dùng từ, lỗi về chủ ngữ vị ngữ. Đến lớp 7 các em lại biết thêm một số dấu câu như dấu chấm lửng, chấm phẩy, dấu ngạch ngang. Kiến thức về ngữ pháp ở lớp 7 cũng rất phong phú. Đó chính là kiến thức về câu và chuyển đổi, mở rộng câu. Lớp 8 HS vận dụng kiến thức đã học ở lớp 6 lớp 7
tiến hành chữ lỗi diễn đạt trong văn bản. Lớp 9 HS tiếp tục đi nghiên cứu sự biến đổi và pháp triển nghĩa của từ ngữ. Vậy xét về mặt tích hợp đồng tâm, đến lớp 10, các hiểu biết về những yêu cầu sử dụng tiếng việt và kĩ năng về giao tiếp có thể coi là có tính tổng hợp và khái quát. Việc dạy tiết học này không thể không liên hệ với kiến thức khá phong phú mà HS đã có.
2.2.1.2. Tích hợp liên môn
Với các môn học khác trong chương trình THPT, Tiếng Việt, như đã trình bày trong chương 1, giữ vai trò là “môn học công cụ” giúp HS tiếp nhận và diễn đạt tốt các thông tin khoa học được giảng dạy ở nhà trường. Nói cách khác, để thực hiện tốt các nhiệm vụ học tập, HS trước hết phải nghiên cứu và rèn luyện năng lực sử dụng ngôn ngữ. Đây chính là chìa khoá nhận thức của học vấn, của sự phát triển trí tuệ. Nếu GV thiếu quan tâm đúng mức đến việc rèn luyện năng lực ngôn ngữ cho HS sẽ kiến các em không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của bất cứ bộ môn khoa học nào trong nhà trường. Có thể thấy tích hợp Tiếng Việt với các môn học khác có thể tích hợp ở cả mạch kiến thức và kỹ năng.
Về mặt kiến thức, phần ngữ liệu trong các bài học Tiếng Việt không chỉ có các văn bản văn học mà còn sử dụng các văn bản của nhiều ngành khoa học khác. Qua nội dung của các văn bản đó sẽ cung cấp cho HS kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau. Hoặc qua việc giải thích thuật ngữ của một chuyên ngành nào đó cũng sẽ giúp HS hiểu thêm kiến thức về lĩnh vực ấy. Ví dụ khi dạy học bài “ Thực hành phép tu từ ẩn dụ hoán dụ” trong chương trình Tiếng Việt 10, bằng việc tìm hiểu đặc điểm sử dụng của biện pháp này giúp HS biết sử dụng như thế nào mới đạt hiệu quả. Vậy sử dụng các phép tu từ này vào các môn học tự nhiên, hoặc các lĩnh vực đỏi hỏi sự chính xác được không? Từ đó HS sẽ rút ra kĩ năng sử dụng tiếng Việt (tích hợp với kiến thức tự nhiên).
Về mặt kĩ năng, mục tiêu của phần Tiếng Việt là hình thành và rèn luyện cho HS bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Đây là bốn kĩ năng thiết yếu
trong hoạt động giao tiếp của HS. Dạy học cũng là một hoạt động giao tiếp. Do đó HS muốn học tập tốt bất kì một môn học nào cũng cần thực hiện tốt cả bốn kĩ năng này. Từ bốn kĩ năng ơ bản này khi dạy bài thực hành kĩ năng sử dụng tiếng Việt phải phát triển và nâng cao kĩ năng nhận diện và kĩ năng phân tích. Các kĩ năng này rất cần thiết và thường xuyên được sử dụng ở các môn học khác như lịch sử, địa lý, sinh học…
Nói đến quan hệ liên môn, còn phải chú ý đến tác dụng trở lại của các môn học khác với Tiếng Việt. Tri thức khoa học của các môn học khác được thể hiện thông qua hệ thống các khái niệm và thuật ngữ khoa học. Học tập các môn khoa học, HS đồng thời học các hệ thống thuật ngữ tương ứng và sử dụng các thuật ngữ đó. Nói cách khác vốn từ ngữ của HS sẽ được làm giàu thêm thông qua các môn học khác trong nhà trường. Mặt khác, việc tiếp xúc với nhiều môn học, HS sẽ thấy được nhiều cách diễn đạt phong phú của tiếng Việt trong các phong cách khác nhau, từ đó mà rèn luyện cho mình kĩ năng sử dụng tiếng Việt theo nhiều phong cách khác nhau.
2.2.1.3. Tích hợp với kiến thức thực tế ngoài cuộc sống
Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, HS đã dùng tiếng Việt để giao tiếp trong đời sống từ thuở ấu thơ, trước khi được học về tiếng Việt trong nhà trường. Từ thực tế sử dụng, HS có được những hiểu biết khá phong phú về tiếng Việt. Vì thế, dạy học Tiếng Việt trong nhà trường nói chung và Tiếng Việt lớp 10 nói riêng không thể không tích hợp với vốn kiến thức mà HS đã có. Mặt khác, tiếng Việt trong đời sống rất phong phú và sinh động. Do vậy tích hợp với kiến thức thực tế ngoài đời sống, không chỉ giúp HS vận dụng được cái đã có vào bài học mà còn giúp HS phát hiện và thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Thực tế cuộc sống không chỉ cung cấp cho HS kiến thức về tiếng Việt mà còn rèn luyện cho các em các kĩ năng sử dụng tiếng Việt. Cho nên việc tích hợp này sẽ góp phần làm cho các giờ học Tiếng Việt bớt khô khan, trở nên hấp dẫn, tạo được hứng thú học tập cho HS.
Trong chương trình Tiếng Việt lớp 10 HS được học về đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ và đặc điểm phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Thực hành các biện pháp tu từ. Những yêu cầu sử dụng tiếng Viêt. Những bài học này HS ít nhiều đã nắm được thông qua hoạt động giao tiếp trong đời sống. Cho nên việc tích hợp với các kiến thức thực tế không chỉ giúp giờ học trở nên sinh động, kích thích hứng thú học tập của HS mà còn tiết kiệm thời gian, giúp HS thực hành nhiều hơn, lĩnh hội kiến thức một cách dễ dàng hơn. Ví dụ khi dạy bài “Thực hành biện pháp tu từ ẩn dụ hoán dụ” GV tích hợp với việc sử dụng hai phép tu từ này trong đời sống giao tiếp bằng gợi ý để HS nói ẩn dụ, hoán dụ nhiều hơn trong cuộc sống thường ngày như: “Con chim họa mi của lớp ta” (chỉ một bạn nữ nào đó có giọng hát hay), “một tay cờ siêu hạng” (chỉ một bạn chơi cờ giỏi)…như vậy biện pháp tu từ đã được sống trong đời sống thực của nó. Mang lại màu sắc tươi mới cho ngôn ngữ cũng như giờ học Tiếng việt.