6. Bố cục của luận văn
1.3. Tiểu kết chƣơng 1
Sự hình thành và phát triển của khu phố cổ gắn liền với lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Qua các thời kỳ lịch sử, dưới tác động của những yếu tố địa - văn hóa, địa - lịch sử, khu phố cổ không ngừng biến đổi. Từ trước khi Thăng Long - Hà Nội trở thành kinh đô, khu phố cổ - nằm về phía Tây của sông Nhị Hà đã là một bộ phận kinh tế phát triển.
Thời Lý - Trần - Hồ (thế kỷ XI - XV), khu phố cổ là khu vực phía đông Hoàng thành, trở thành một khu buôn bán tấp nập nhất kinh thành. Khu phố này mở ra trước Cửa Đông của Hoàng thành, có cửa sông Tô Lịch (Giang Khẩu) nối với sông Nhị. Tại đây có bến cửa sông Tô (Giang Khẩu), chợ Cửa Đông hay chợ Cầu Đông và phố xá buôn bán san sát.
Sang thời Lê sơ (thế kỷ XV), phạm vi khu phố cổ không thay đổi. Nhưng về mặt hành chính, khu kinh thành lập thành phủ Trung Đô sau đổi là phủ Phụng Thiên, gồm hai huyện: Quảng Đức và Vĩnh Xương. Khu dân cư chia thành 36 phường, mỗi huyện có 18 phường. Khu phố cổ thuộc huyện Vĩnh Xương sau đổi là Thọ Xương, vẫn là một địa điểm buôn bán nhộn nhịp của kinh thành.
Từ thế kỷ XVII - XVIII, nền kinh tế hàng hóa của kinh thành rất phát đạt mà trung tâm là khu phố cổ. Nó giữ vai trò như một thương cảng mậu dịch đối ngoại của kinh thành. Trong khu phố xuất hiện rất nhiều chợ như: chợ Cửa Đông, chợ Cầu Đông, chợ Bạch Mã đều nằm hai bên bờ sông Tô Lịch. Nơi đây trở thành một mảnh đất hấp dẫn, lôi cuốn nhiều thương nhân và thợ thủ công nhiều miền của đất nước về hành nghề, mở phố buôn bán và lập xưởng sản xuất.
Sang thế kỷ XIX, đặc biệt là giai đoạn 1873 - 1888, dưới tác động của thực dân Pháp, diện mạo của Hà Nội nói chung và của khu phố cổ nói riêng đã biến đổi nhiều. Từ khu phố này qua khu phố khác, các hoạt động quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng (đường phố, vỉa hè…) của thực dân Pháp đã làm Hà Nội không ngừng đổi thay. Khu phố thương mại được tiến hành chỉnh trang, chia lô để tạo thành nhiều mặt tiền, tạo mặt bằng rộng để tiến hành các hoạt động sản xuất, buôn bán. Những ngôi nhà tranh với nguy cơ hỏa hoạn cao được thay dần bằng những ngôi nhà gạch kiên cố. Những tuyến đường nhỏ hẹp, chủ yếu là đường đất được thay thế bằng những con đường được lát đá, vỉa hè được xây bằng gạch với các cống rãnh ở lề đường. Các ao hồ bắt đầu được san lấp để lấy đất phục vụ nhu cầu ở, kinh doanh và sản xuất cho một mật độ dân cư đông đúc trong khu phố cổ. Một diện mạo mới cho khu phố cổ được phác họa.
Hình thành từ rất sớm, là nhân tố tồn tại hữu cơ với phần thành - quan liêu, khu phố cổ - phần thị dân gian lại có sức sống mạnh mẽ, vượt ra khỏi sự thăng trầm của các biến thiên dâu bể. Là khu vực tập trung dân cư đông đúc làm nghề thủ công và tiến hành các hoạt động thương mại, khu phố cổ trở thành hạt nhân đô thị quan trọng trong cấu trúc “thành - thị” của phương Đông truyền thống. Thợ thủ công tài khéo từ khắp nơi di cư đến đây để làm ăn sinh sống đã dần tạo nên một truyền thống văn hóa “khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”, tạo thành một bộ phận dân cư dần thoát ly khỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp nên cộng đồng dân cư ở đây mang tính chất thị dân rõ ràng nhất.
Những yếu tố lịch sử, dân cư, văn hóa, kinh tế được tôi luyện trong lịch sử là nhân tố quan trọng nhất để khu phố cổ trở thành một không gian văn hóa “thị dân - thành thị” mang tính chất tiêu biểu nhất so với các thành thị khác ở Việt Nam trong thời phong kiến. Đó là nhân tố tích cực để khu phố cổ nhanh chóng hòa mình vào xu hướng đô thị hóa đầu thế kỷ XX, đồng thời tạo thành một không gian văn hóa có tính chất bền vững và đặc thù của Thăng Long xưa, Hà Nội nay.
CHƢƠNG 2
DIỆN MẠO PHỐ CỔ HÀ NỘI NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX QUA TƢ LIỆU ĐỊA CHÍNH
(ô phố: Hàng Bạc - Mã Mây -Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến)